Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBài test khắc nghiệt cho ông Ferdinand Marcos Jr?

Bài test khắc nghiệt cho ông Ferdinand Marcos Jr?

Trạng thái “bình thường mới” ở Đài Loan hóa ra không chỉ người Đài Loan chịu đựng. Vì một số lý do, nó còn phả cái nóng vào quốc gia láng giềng Philippines. Chịu đựng cái nóng đó, trước tiên là ông Ferdinand Marcos Jr.

Ông Biden: Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan trước Trung Quốc

Trạng thái “bình thường mới” của Đài Loan là gì? Nôm na, là làm quen với tâm thế chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào. Đương nhiên, bên khai hỏa chiến tranh là Trung Quốc, nhằm thực hiện mục tiêu thu hồi phần lãnh thổ được coi là thiêng liêng. Thống nhất Đài Loan bằng vũ lực xem ra ngày càng được Bắc Kinh mặc định là cách làm không thể khác và bất đắc dĩ, do sự ương bướng, không chịu “quay đầu vào bờ” của Đài Loan.

Chuyện càng trở nên căng thẳng hơn với chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Pelosi, đầu tháng 8/2022. Còn nhớ, trước sự kiện nhạy cảm này, không kể các cuộc đấu khẩu nóng nảy về ngoại giao và truyền thông, trong cuộc điện đàm trực tiếp ngày 28/7 với người đồng cấp là ông Biden, ông Tập Cận Bình đã giận dữ cảnh báo, Mỹ đừng có “đùa với lửa” nếu để xảy ra việc bà Pelosi thăm Đài Loan.

Sau chuyến thăm có tính biểu tượng thời lượng ngắn, Bắc Kinh đã triển khai một cuộc tập trận quy mô lớn bốn ngày, tại sáu khu vực bao quanh hòn đảo. Chưa hết, trạng thái “bình thường mới” không rời Đài Loan từ đó, với việc máy bay chiến đấu của Trung Quốc chẳng ngày nào không đều đặn băng qua đường trung tuyến, thường là chục chiếc trở lên – theo số liệu thống kê từ cơ quan phòng vệ Đài Loan…

Cho dù quen dần với cái gọi là trạng thái “bình thường mới” khó chịu này, người ta vẫn nơm nớp nghĩ tới thời điểm Trung Quốc ra tay thực sự.

Khốc liệt là cái chắc. Những gì đã và đang diễn ra tại Ukraine cho thấy, chẳng gì có thể lường trước. Như Nga đấy, tưởng ăn tươi nuốt sống Ukraine. Vậy mà sau hơn nửa năm, tới nay vẫn đang gặp khó. Ngay cả khi đã sát nhập xong 4 tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vào Nga…cuộc chiến của Nga hẳn chưa thể coi là thắng lợi; thậm chí, nó còn đẩy chú “gấu Nga” đối mặt với những thách thức trước dư luận, và đối đầu căng như dây đàn với NATO do Mỹ cầm đầu…

Trở lại câu chuyện Đài Loan: tại sao cái nóng của Đài Loan lại khiến Philippines trở nên hầm hập? Trả lời câu hỏi này, tờ The Straits của Singapore đã phân tích: do sự gần gũi địa lý của một quốc gia từng ký với Mỹ Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 và Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc năm 2014.

Về nguyên tắc, hiệp ước và thỏa thuận trên nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược tấn công vào Philippines, chứ không nhằm tăng cường hành động can thiệp của Mỹ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đó là lý thuyết. Một khi có biến: Trung Quốc tấn công Đài Loan kéo theo sự vào cuộc của Mỹ – như ông Biden ngày 19/9 trong chương trình “60 phút” của CBS trước câu hỏi “liệu quân đội Mỹ có bảo vệ đảo Đài Loan?” đã khẳng định: “Có, nếu trên thực tế xảy ra một cuộc tấn công chưa từng có”, thì cái nguyên tắc đó chỉ còn là của riêng Philippines. Mỹ sẽ chẳng thèm đếm xỉa tới cái nguyên tắc đó.

Trong thực tế, Washington từng dùng các căn cứ quân sự tại Philippines phục vụ cuộc chiến của họ tại Việt Nam.

Nói cách khác, tới lúc đó mà Philippines còn vin vào “nguyên tắc” của hai hiệp ước ký với Mỹ để giữ tư cách là “kẻ bên lề” giữa Mỹ và Trung Quốc, thì quá ấu trĩ.

Manila chỉ còn một sự lựa chọn: chọn bên, hoặc là Mỹ, hoặc là Trung Quốc.

Nếu điều đó xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Ferdinand Marcos Jr, thì khó cho ông rồi.

Khó bởi biết ứng xử sao đây khi phận “ruồi” kẹt giữa hai con trâu đang say máu lao vào nhau.

Khó vì nếu trách nhiệm với bên coi như đồng minh là Mỹ, thì Manila chắc chắn thành kẻ thù của Trung Quốc.

Khó vì ngược lại, nếu đi với Trung Quốc thì cũng chẳng xong với Mỹ…

Mới thấy, không tỉnh táo trước cái gọi là “chọn bên” mà nhiều người đang hối thúc các nước như Việt Nam, Malaysia “làm ngay đi”, có khi sẽ đẩy quốc gia lâm vào thế khó.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới