Vào lúc cao điểm của sự thù địch trong Chiến tranh Lạnh, xảy ra cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan và được coi là cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất, kể từ sau khi Tưởng Giới Thạch rút từ Trung Quốc Đại lục ra cố thủ ở Đài Loan. Trong bối cảnh Đài Loan khi đó được sự hậu thuẫn của Mỹ (Mỹ có quan hệ ngoại giao với chính quyền Quốc Dân Đảng ở Đài Loan và chưa công nhận chính quyền ở Bắc Kinh), một tướng Mỹ vạch ra lằn ranh nằm giữa eo biển Đài Loan (còn được gọi là đường trung tuyến). Trung Quốc chưa bao giờ chính thức công nhận giới tuyến trên biển do Mỹ vạch ra, mặc dù Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhìn chung tôn trọng lằn ranh này.
Gần 70 năm qua, giới tuyến mường tượng chạy dọc Eo biển Đài Loan giữa Đài Loan và Trung Quốc đã giúp duy trì hòa bình, nhưng “đường trung tuyến” này ngày càng trở nên vô nghĩa trong bối cảnh Bắc Kinh tập trung nguồn lực để hiện đại hóa lực lượng hải quân và ngày càng trở nên hung hăng hơn để khẳng định sức mạnh của họ trên biển. Các tàu chiến và máy bay của quân đội Trung Quốc thường xuyên vượt qua giới tuyến này như một phần trong các bước mà Bắc Kinh triển khai để kiểm soát các vùng biển xung quanh Trung Quốc.
Eo biển Đài Loan rộng khoảng 180 km và tại nơi hẹp nhất, đường trung tuyến cách vùng biển của Đài Loan khoảng 40 km. Đường trung tuyến không có vật thể nào đánh dấu nó. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã ngầm thừa nhận điều đó nhưng vào năm 2020, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao tuyên bố nó “không tồn tại”.
Cao trào của việc triển khai lực lượng hải quân và không quân của Trung Quốc xung quang đảo Đài Loan diễn ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thực hiện chuyến thăm tới Đài Loan bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh hồi đầu tháng 8/2022. Một quan chức Đài Loan giấu tên am hiểu về kế hoạch an ninh trong khu vực nhận định: “Họ (Bắc Kinh) muốn gia tăng sức ép lên chúng tôi với mục tiêu cuối cùng là chúng tôi (Đài Loan) từ bỏ đường trung tuyến. Họ muốn biến điều đó thành sự thật”.
Hiểu rõ ý đồ của Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp cũng phát biểu trong một cuộc họp báo hồi tháng 8/2022 rằng sự thay đổi nguyên trạng là không thể chấp nhận, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta (Đài Loan) cần chung tay với các đối tác có chung chí hướng để đảm bảo rằng đường trung tuyến vẫn ở đó, để bảo vệ hòa bình và ổn định xuyên Eo biển Đài Loan”. Vấn đề là liệu sự hỗ trợ của quốc tế dành cho Đài Loan có đủ để ngăn cản Trung Quốc tuần tra một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới ở phía Đông đường trung tuyến (nằm bên phía Đài Loan) tại eo biển Đài Loan hay không? hay liệu các bạn bè của Đài Loan có giúp duy trì đường ranh này hay không?
Chưa đầy 4 tuần sau khi bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan, hôm 28/8/2022 tàu tuần dương của hải quân Mỹ Chancellorsville và Antietam thực hiện hành trình qua eo biển Đài Loan; sau đó 3 tuần, hôm 20/9/2022, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke cùng tàu khu trục HMCS Vancouver lớp Halifax của Hải quân Hoàng gia Canada đã đi qua eo biển Đài Loan. Tàu chiến Mỹ thường xuyên đi qua eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, tàu chiến Mỹ và hải quân các nước phương Tây khác đi qua eo biển Đài Loan đều nhấn mạnh là “tiến hành quá cảnh thường lệ” ở vùng biển quốc tế, chứ không phải để thực thi nghiêm ngặt giới tuyến trong mường tượng ở eo biển Đài Loan, vốn không có giá trị pháp lý.
Cái khó cho Đài Loan duy trì đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan là các tàu của Mỹ khi di chuyển qua eo biển Đài Loan không thách thức các tàu của Trung Quốc ở hai bên đường trung tuyến. Thậm chí, một số quan chức Mỹ cho rằng việc Trung Quốc đi qua đường trung tuyến có rất ít tầm quan trọng về mặt chiến thuật; Mỹ không cần phải duy trì hiện trạng của đường này hoặc đẩy lùi các động thái của Trung Quốc.
Ông Christopher Twomey, học giả tại Trường sau Đại học Hải quân Mỹ ở California, bày tỏ ông tin rằng Hải quân Mỹ coi đường này là một “tạo tác chính trị” hơn là một đường pháp lý. Ông Twomey cho rằng không nên phóng đại những mối nguy hiểm và nên tiếp tục công nhận và sử dụng eo biển Đài Loan như một tuyến đường thủy quốc tế. Ông Twomey nhấn mạnh: “Sự hiện diện của Trung Quốc ở bất cứ bên nào của giới tuyến mường tượng trong khu vực đó không có khả năng dẫn đến bất kỳ phản ứng tác chiến nào”.
Giới phân tích nhận định rằng Bắc Kinh đang lợi dụng chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi để xóa bỏ đường trung tuyến mường tượng ở eo biển Đài Loan bởi họ ý thức rằng một đường trung tuyến như vậy là biểu tượng cho sự thống trị lâu đời của Mỹ với các vùng biển gần của Trung Quốc. Trung Quốc cần xóa bỏ nó để vượt qua chuỗi đảo thứ nhất, mở rộng sức mạnh và sự ảnh hưởng của họ ra Thái Bình Dương. Trong những ngày đầu tháng 8/2022, các tàu khu trục và khinh hạm của Trung Quốc đã chơi trò “mèo vờn chuột”, trong đó các tàu Trung Quốc cố gắng di chuyển xung quanh các tàu tuần tra của Đài Loan để vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng đã vượt qua đường ranh giới, dù chỉ một quãng ngắn.
Những hoạt động xóa nhòa đường trung tuyến của Trung Quốc không có ý nghĩa về mặt pháp lý bởi trên thực tế đường ranh giới này không được xác lập dựa trên căn cứ pháp lý mà chỉ là lằn ranh do một tướng Mỹ vạch ra; theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thì tàu thuyền các nước, kể cả tàu quân sự có quyền qua lại tự do vô hại ở vùng biển này. Đây là lý do vì sao Mỹ không thể đứng ra bảo vệ đường ranh giới này. Tuy nhiên, những hoạt động liên tục của tàu chiến, máy bay Trung Quốc ở khu vực này có thể đưa đến những hệ lụy xấu về việc phá vỡ nguyên trạng trong khu vực, nhất là Biển Đông.
Thứ nhất, dù không công nhận đường trung tuyến, nhưng Bắc Kinh trong suốt nhiều năm cũng hạn chế các hoạt động quân sự vượt qua đường ranh giới này. Vì thế, việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự gần như xóa mờ đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan có thể xem là động thái tăng cường kiểm soát vùng biển này. Rõ ràng đây là hành vi làm thay đổi tình hình ổn định ở vùng biển này đã tồn tại bấy lâu nay để thiết lập cái gọi là “trạng thái bình thường mới”. Điều này đồng nghĩa với việc làm thay đổi nguyên trạng ở eo biển Đài Loan.
Nếu cộng đồng quốc tế im lặng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục lấn tới không chỉ ở khu vực eo biển Đài Loan mà sẽ mở rộng hoạt động uy hiếp của tàu chiến, máy bay ra các vùng biển xung quanh như Biển Đông và biển Hoa Đông để tạo cái gọi là “bình thường mới” với sự khống chế của lực lượng hải quân, không quân Trung Quốc ở các vùng biển này, đe dọa tự do và an toàn hàng hải, hàng không trên tuyến đường biển quan trọng này.
Thứ hai, Bắc Kinh sử dụng hoạt động quân sự để xóa nhòa đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan là bước leo thang quân sự mới, tạo tiền lệ xấu để có thể gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông hay biển Hoa Đông để vượt qua chuỗi đảo thứ nhất. Những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động xung quanh Đài Loan. Mượn cớ chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, Trung Quốc đã triển khai một tàu sân bay và tổ chức các cuộc tập trận để chứng tỏ sự hiện diện quân sự của họ ở vùng biển phía Đông của Đài Loan. Trước đây chưa từng diễn ra việc tàu chiến và máy bay Trung Quốc thường xuyên qua lại vùng biển giữa Đài Loan và Nhật Bản. Các máy bay được Trung Quốc sử dụng là oanh tạc cơ chiến lược H-6K có thể mang tên lửa hành trình có khả năng tấn công tàu chiến các nước trên Thái Bình Dương. Sự hiện diện quân sự lớn hơn của Bắc Kinh là một bước leo thang mới gây căng thẳng ở khu vực.
Trung Quốc đang sử dụng chiến lược giống nhau ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố những vùng biển này là của Trung Quốc và nếu các nước làm theo những gì Bắc Kinh muốn thì sẽ mặc nhiên trở thành vùng biển của Trung Quốc. Ông Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam,Singapore thẳng thắn chỉ ra rằng: “Đó là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực vì nước này đang tăng cường sức mạnh viễn chinh tốt hơn. Những gì họ áp dụng ở eo biển Đài Loan, họ có thể áp dụng ở Biển Đông”.
Có sự khác biệt địa lý nhất định giữa eo biển Đài Loan và Biển Đông nên cách thức Trung Quốc áp dụng chiến lược trên ở 2 vùng biển này có thể khác nhau, song Bắc Kinh có một mục tiêu chung là thống trị cả 2 vùng biển này. Các chuyên gia quân sự còn cảnh báo, các nhóm tổ hợp máy bay ném bom và máy bay tiếp dầu đã được Bắc Kinh sử dụng ở eo biển Đài Loan có thể được triển khai khu vực rộng lớn hơn trên Biển Đông. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể cảnh báo loại trừ tàu quân sự nước ngoài ra khỏi Biển Đông.
Có thể nói, những gì diễn ra ở các vùng biển xung quanh Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi không chỉ tạo nguy hiểm cho Đài Loan, mà còn tạo mối lo ngại lớn đối với các nước ven Biển Đông.