Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThời báo Hoàn cầu giở giói !

Thời báo Hoàn cầu giở giói !

Trong lúc cuộc chiến Nga-Ukraina vẫn tiếp tục căng thẳng. Câu hỏi nhức nhối bao giờ chấm dứt chiến tranh vẫn chưa có câu trả lời, thì một vấn đề rất nóng là mâu thuẫn giữa một bên là Nga-Trung Quốc, một bên là NATO: Có chấp nhận cho Ukraina gia nhập NATO?

Mới đây Bắc Kinh đã có sự cảnh báo Mỹ và đồng minh ở mức cao hơn, rằng, Mỹ sẽ phải đối mặt với chiến tranh hạt nhân nếu cho phép Ukraina gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và lôi kéo các nước trong khối vào cuộc xung đột với Nga.

Giọng điệu của Bắc Kinh hệt như Moscow vậy. Không lạ gì sự phản ứng thái quá này, các nhà phân tích chính trị phương Tây cho rằng, Nga và Trung Quốc đã thể hiện sự “sợ sệt” một cách quá đáng. Cả một khối liên minh quân sự còn không đáng lo, lo gì khi có thêm một nước tham gia. Có thể Ukraina chỉ là cái gai trong mắt Nga thôi. Còn cái gai ấy sẽ trở thành sức mạnh vô địch, thành tên lửa, xe tăng tấn công vào nền độc lập của Nga thì chỉ là câu chuyện… hoang đường (!)

Hôm 2/10, tờ Thời báo Hoàn cầu – một ấn phẩm của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc – đã la lối về việc Tổng thống Ukraina V. Zelensky tiếp tục đề nghị cho Ukraina gia nhập NATO. Tờ báo nổi tiếng võ biền này hăm dọa: thái độ ngông cuồng của Ukraine sẽ dẫn đến sự leo thang không thể tránh khỏi trong cuộc chiến với Nga. Bởi trước đó, Tổng thống Nga V. Putin đã đe dọa dùng vũ khí hạt nhân chống lại phương Tây nếu để Ukraina gia nhập NATO.

Thời báo viết: “Tất cả các nước châu Âu sẽ run sợ dưới cái bóng của một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra. Liên minh phương Tây hãy rút khỏi sự can dự lâu đời ở Đông Âu! Trong trường hợp đó, sẽ không có an ninh cho bất kỳ ai, không có an ninh cho Ukraina, và không có an ninh cho thế giới”.

Trong những ngày qua, Tổng thống Nga Putin đã công khai thừa nhận, Trung Quốc đã bày tỏ một số lo ngại về hướng đi của cuộc chiến. Ông khẳng định, hai nước đang tìm cách liên kết, tạo nên một bức tường thành đối đầu với phương Tây do Mỹ dẫn đầu.

Về phía chính quyền Bắc Kinh, thay vì khuyến khích bất kỳ sự thay đổi nào từ phía Putin, ông Tập Cận Bình đổ riệt cho Mỹ và NATO khi cho rằng Mỹ và NATO là các tác nhân xấu bằng cách nào đó buộc Putin phải đe dọa phương Tây.

Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraina đã qua hơn bảy tháng, nhưng câu hỏi, tại sao Ukraina trở thành mớ bùng nhùng trong các tranh cãi giữa Nga và phương Tây, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Và khi bài toán chưa có đáp số thì việc dùng súng đạn để bắt đối phương phải cúi đầu vẫn là giải pháp tồi tệ nhất, vô nhân đạo nhất xưa nay.

Như chúng ta đã biết, mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây đã lao dốc kể từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina. Sau sự kiện này, mức căng thẳng ở miền đông Ukraina giữa lực lượng chính phủ Ukraina và lực lượng ly khai còn ở mức thấp. Song leo thang căng thẳng ngày càng cao và dẫn tới cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” nổ ra vào cuối tháng 2/2022.

Nga đã đưa ra một số yêu cầu với phương Tây liên quan đến Ukraina cùng với những vấn đề an ninh khác trong một dự thảo đề xuất an ninh. Moscow yêu cầu Washington phải ngăn chặn NATO mở rộng về phía Đông và không cho phép những nước từng thuộc Liên Xô (cũ) tham gia vào liên minh này. Nga cũng yêu cầu Mỹ “không thành lập căn cứ quân sự” ở những nước từng thuộc Liên Xô, hiện vẫn chưa là thành viên NATO.

Nga thường bày tỏ thái độ không hài lòng với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Romania thuộc Đông Âu, cũng như việc NATO tăng cường sự hiện diện của các “lực lượng sẵn sàng tác chiến” tại các nước vùng Baltic và Ba Lan.

Ngược lại, Mỹ và NATO khẳng định: Các đề nghị từ phía Moscow, như Ukraina không được gia nhập NATO hay việc thu hẹp quy mô triển khai lực lượng của NATO ở Đông Âu là những kế hoạch vô lối, không thể chấp nhận. Mỹ kiên quyết bác bỏ những đề xuất an ninh từ phía Nga.

Ukraina được ví như “viên đá quý” trên chiếc “vương miện” của Liên Xô trước đây. Tổng thống Putin từng nhận định Ukraina có mối quan hệ về kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa chặt chẽ với Nga. Người dân Nga và người dân Ukraina là “một dân tộc”.

Thế nhưng gió đã đổi chiều. Viên kim cương ấy đã bong ra khỏi vương miện. Tổng thống Ukraine V. Zelensky li khai Nga để hướng về phương Tây nhằm nhận được sự hỗ trợ kinh tế và vị thế địa chính trị. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và Ukraina nhiều lần thể hiện mong muốn gia nhập EU và NATO.

Làm sao tháo cửi được bất hòa khi lợi ích dân tộc mâu thuẫn nhau như thế. Các nhà quan sát chính trị phương Tây cho rằng, Nga không chỉ đang tìm cách ngăn Ukraine gia nhập NATO mà còn muốn tách Kiev khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây.

Tóm lại, Nga sẵn sàng đi tới tận cùng để ngăn chặn Ukraina ngả về châu Âu và phương Tây. Và khi không ngăn chặn được thì cuộc chiến tranh sẽ tiếp tục được đẩy tới đỉnh điểm, đe dọa cả loài người nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Trong lúc cả thế giới đang tìm cách ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, một thảm họa có thể dẫn đến cái chết của 5 tỉ người trên hành tinh, thì Hoàn cầu Thời báo bỗng dưng giở giói kích động: Rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với chiến tranh hạt nhân nếu tạo điều kiện cho Ukraina gia nhập NATO.

Giả sử học theo bài này, Mỹ hoặc bất cứ quốc gia nào khác cũng giở “bài”: Nếu ngăn chặn không cho Ukraina gia nhập NATO thì sẽ xảy ra chiến tranh hạt nhân, thì ai sẽ làm trọng tài đây?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới