Trung Quốc đã xây dựng đội tàu đánh bắt nước sâu lớn nhất thế giới với gần 3.000 tàu, hoạt động tại khắp các vùng biển trên thế giới.
Phong phú và đa dạng về mặt sinh thái, vùng biển xung quanh quần đảo Galápagos đã thu hút ngư dân địa phương trong nhiều thế kỷ. Giờ đây, những vùng biển này phải đối mặt với một thách thức lớn: đội tàu cá đến từ Trung Quốc.
Galápagos là một phần của Ecuador. Tuy nhiên, mỗi năm, ngày càng nhiều tàu thương mại của Trung Quốc vượt hàng nghìn km để đến đây đánh cá, có lúc ở ngay rìa vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador.
Các tàu Trung Quốc kể từ năm 2016 đã hoạt động ngoài khơi Nam Mỹ hầu như cả ngày, suốt năm, di chuyển theo mùa từ bờ biển Ecuador đến Peru đến Argentina.
Quy mô đánh bắt lớn đã đặt ra những nguy cơ về tác hại đối với nền kinh tế địa phương và môi trường, cũng như tính bền vững thương mại của cá ngừ, mực và các loài khác.
Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã xây dựng đội tàu đánh bắt nước sâu lớn nhất thế giới với gần 3.000 tàu. Do nguồn tài nguyên ở vùng biển ven bờ của Trung Quốc đã cạn kiệt, nước này hiện đánh bắt cá ở bất kỳ đại dương nào trên thế giới.
Tác động ngày càng được cảm nhận rõ ràng từ Ấn Độ Dương đến Nam Thái Bình Dương, từ các bờ biển của châu Phi đến những vùng ngoài khơi Nam Mỹ – một biểu hiện sức mạnh kinh tế toàn cầu của Trung Quốc trên vùng biển khơi.
Các hoạt động này của Trung Quốc làm bùng nổ các cuộc phản đối ngoại giao và pháp lý. Vào năm 2017, Ecuador đã bắt giữ một tàu chở hàng lạnh mang tên Fu Yuan Yu Leng 999, chở 6.620 con cá mập có vây, vốn là một món ăn ngon ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, phần lớn những gì Trung Quốc làm là hợp pháp – hoặc ít nhất là trên vùng biển mở, hầu hết không bị kiểm soát. Với nhu cầu ngày càng tăng của tầng lớp tiêu dùng ngày càng thịnh vượng ở Trung Quốc, xu hướng đó được dự đoán khó kết thúc. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là chiến lược này bền vững.
Vào mùa hè năm 2020, nhóm bảo tồn Oceana đã ghi nhận gần 300 tàu Trung Quốc hoạt động gần Galápagos, ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador. Họ chiếm gần 99% sản lượng đánh bắt gần Galápagos, và không có quốc gia nào khác tiệm cận con số đó.
Alberto Andrade, một ngư dân từ Galápagos cho biết: “Biển của chúng tôi không thể chịu được áp lực này nữa”. Theo ông, sự hiện diện của quá nhiều tàu Trung Quốc đã gây khó khăn hơn cho ngư dân địa phương bên trong lãnh hải của Ecuador.
Ông Andrade đã tổ chức một nhóm ngư dân có tên “Mặt trận Đảo của Khu bảo tồn Biển Galápagos” để kêu gọi mở rộng các biện pháp bảo vệ nghề cá xung quanh quần đảo. “Các đội tàu công nghiệp đang san bằng các dự án nguồn, và chúng tôi e rằng trong tương lai sẽ không còn nghề cá nữa. Ngay cả đại dịch cũng không ngăn được họ”, ông nói thêm.
Rất khó để đo lường chính xác tác động đối với một số loài như mực ngoài khơi Nam Mỹ do hoạt động đánh bắt của Trung Quốc. Ở một số khu vực, như Nam Thái Bình Dương, theo các hiệp định quốc tế, các quốc gia phải báo cáo hoạt động vận tải của mình nhưng hầu chỉ là báo cáo không đầy đủ. Ở Nam Đại Tây Dương thì không có thỏa thuận như vậy.
Đã có những dấu hiệu đáng lo ngại về việc nguồn dự trữ giảm dần, điều này có thể báo trước một sự sụp đổ của hệ sinh thái trên phạm vi rộng hơn.
“Mối quan tâm là số lượng tàu lớn hoạt động ở phạm vi rộng lớn và thiếu trách nhiệm giải trình nên khó có thể biết được số lượng đánh bắt và nó sẽ đi đến đâu”, Marla Valentine, một nhà hải dương học của nhóm bảo tồn Oceana, cho biết.
“Và tôi lo lắng rằng những tác động đang xảy ra hiện nay sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai”, chuyên gia này nói thêm. “Bởi vì không chỉ con mực sẽ bị ảnh hưởng mà tất cả những sinh vật ăn mực cũng vậy”.
Sự xuất hiện của hạm đội Trung Quốc ở rìa Galápagos vào năm 2020 đã khiến quy mô của đội tàu đánh cá nước này gây chú ý. Trong đó, chính phủ Ecuador đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về đội tàu đánh bắt của Trung Quốc.
Tổng thống nước này vào thời điểm đó là Lenin Moreno đã tuyên bố sẽ bảo vệ khu bảo tồn biển, nơi ông gọi là “một mầm sống cho toàn bộ hành tinh”.
Tại Argentina, một nhóm các nhà bảo vệ môi trường đã đệ đơn lên tòa án cấp cao nhất của đất nước vào năm ngoái với hy vọng thúc đẩy chính phủ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường. Họ dự định đệ trình một lệnh tương tự trong những tháng tới ở Ecuador.
Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ các quốc gia khác để chống lại hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. Lực lượng Tuần duyên Mỹ gọi hành động này là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất trên các đại dương, đồng thời điều các tàu tuần tra đến phía Nam Thái Bình Dương.
Vào tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành một bản ghi nhớ về an ninh quốc gia cam kết tăng cường giám sát ngành này. Phát biểu tại một diễn đàn của các quốc gia Thái Bình Dương gần đây, Phó Tổng thống Kamala Harris cho biết, Mỹ sẽ tăng gấp ba lần hỗ trợ để giúp các quốc gia tuần tra vùng biển của họ, cung cấp 60 triệu USD mỗi năm trong thập niên tới.
Mức tiêu thụ cá trên toàn thế giới tiếp tục tăng, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2019. Đồng thời, trữ lượng của hầu hết loài cá tiếp tục giảm, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).
“Thách thức đặt ra là thuyết phục Trung Quốc rằng họ cũng cần đảm bảo tính bền vững trong phạm vi dài của các nguồn tài nguyên đại dương. Không có gì là mãi mãi”, Duncan Currie, một luật sư môi trường quốc tế tư vấn cho Liên minh Bảo tồn Biển Sâu nhấn mạnh.