Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐường dài mới biết ngựa hay

Đường dài mới biết ngựa hay

Mỹ đang thắng thế trong quan hệ với các quốc đảo ở Thái Bình Dương khi đã ký kết được quan hệ đối tác. Điều đó khiến nhà cầm quyền Trung Quốc hết sức cay cú và đang tính kế giành lại mảnh đất màu mỡ này.

Cuối tháng 9/2022, các quốc đảo Thái Bình Dương và Mỹ đã ký Tuyên bố về Quan hệ đối tác. Hẳn bạn đọc còn nhớ, mới cách đây bốn tháng các nước này đã thẳng thừng từ chối ký lời đề nghị từ chính quyền Bắc Kinh về một kế hoạch hợp tác chung.

Vậy quan hệ của các nước Thái Bình Dương với Mỹ và Trung Quốc thực chất như thế nào? Liệu Trung Quốc có dễ dàng nhận phần thua Mỹ như thế?

Các Quốc đảo Thái Bình Dương và Mỹ đã mở ra một trang mới sau khi hai bên ký Tuyên bố về quan hệ Đối tác Mỹ-Thái Bình Dương vào hôm 29/9 vừa qua, nhân Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ với các nhà lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương. Hội nghị hướng đến mục tiêu tăng cường quan hệ giữa Mỹ với các nước Thái Bình Dương trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng trong khu vực này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Phần lớn lịch sử của thế giới chúng ta sẽ được viết ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong những năm và thập kỷ tới. Các hòn đảo ở Thái Bình Dương có tiếng nói quan trọng trong việc định hình tương lai đó. Đó là lý do chúng tôi ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác với quốc gia khu vực”.

Phát biểu như vậy là ông Biden muốn nhắm tới Bắc Kinh. Bởi hồi tháng 5, nhân chuyến thăm các quốc đảo Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc đã đề xuất một kế hoạch hợp tác chung với các nước trong khu vực về nhiều lĩnh vực. Nhưng, như đốm lửa vừa nhen nhóm đã bị dội nước, các đảo quốc lắc đầu với kế hoạch này và khẳng định cần có thêm thời gian mới có thể trả lời.

Chiếc bánh lợi ích khổng lồ hấp dẫn các siêu cường là lẽ tự nhiên. Mỹ và Trung Quốc đều đang muốn hợp tác với khu vực trong một khuôn khổ chung. Điều khiến Bắc Kinh cay mũi là, trong khi từ chối đề nghị hợp tác của Trung Quốc thì các quốc đảo Thái Bình Dương lại mau mắn chấp nhận thiết lập khuôn khổ hợp tác với Mỹ.

Vì sao họ thân thiện ông Tây mà ghẻ lạnh với ông Tầu? Thủ tướng Quần đảo Cook Mark Brown phân tích: trong lúc các quốc gia Thái Bình Dương đang dốc sức ứng phó với Covid-19, biến đổi khí hậu, gánh nặng nợ nần và mong nhận được sự ủng hộ thì Trung Quốc chỉ chú trọng đến chương trình nghị sự của họ. Còn Mỹ thì nói là làm ngay. Tuyên bố chung 11 điểm mà Mỹ vừa ký với các quốc đảo Thái Bình Dương bao trùm nhiều vấn đề từ biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện an ninh đến thúc đẩy chủ nghĩa khu vực Thái Bình Dương.

Không chỉ có “nói”. Ông nhà giàu Mỹ đưa ngay túi tiền khủng ra. Trước ký tuyên bố chung, Mỹ đã công bố một loạt các chương trình hỗ trợ khu vực Thái Bình Dương, trị giá hơn 810 triệu USD. Nhà Trắng đưa ra tuyên bố 9 điểm, nêu rõ các cam kết, trong đó tập trung vào hỗ trợ quan hệ đối tác Mỹ – Thái Bình Dương, xây dựng năng lực của Mỹ trong khu vực, phối hợp với các đồng minh và đối tác, khí hậu, kinh tế, an ninh và hợp tác hàng hải, an ninh mạng và kết nối, phòng dịch Covid-19 và an ninh y tế và giải quyết các di sản chiến tranh.

Mỹ cũng đã hợp tác chặt chẽ trong những tháng qua với Úc, New Zealand, Nhật Bản, Anh và những nước khác về các vấn đề này.

Phải vậy chăng mà các quốc đảo đều rất thống nhất ý kiến khi thảo luận về việc Mỹ cần làm gì để tái kết nối với khu vực. Từ “tái kết nối” ngầm ý rằng: Mỹ không phải là một đối tác mới, xa lạ mà đây là sự quay trở lại. Và các nước trong khu vực vẫn hướng về phía Mỹ, không muốn loại bỏ Mỹ.

Tuyên bố Quan hệ Đối tác Mỹ-Thái Bình Dương đã thiết lập khuôn khổ mới cho mối quan hệ giữa hai bên có thể được đánh giá là thắng lợi ban đầu của Mỹ trong nỗ lực quay trở lại và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Đó là thắng lợi bước đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương, khi các nước đã nhìn vào hành động thực tế hơn là những cam kết. Cố nhiên,Trung Quốc cũng không dễ tự tra tay vào còng. Trước đó Trung Quốc đã mở rộng quan hệ với các nước ở Thái Bình Dương. Chính quyền Bắc Kinh đã ký Hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào tháng 4, cam kết hợp tác trong lĩnh vực thương mại và giáo dục.

Tóm lại, sẽ là quá sớm khi bảo đảm chắc chắn rằng, Mỹ đang giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.

Đường dài mới biết ngựa hay. Hãy cùng theo dõi những móng chân ngựa đang gõ trên dặm đường tới Thái Bình Dương. Trên lưng chúng không chỉ có các bản bản hiệp ước mà là “cây gậy” và “củ cà rốt”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới