Loạt danh sách đất vàng tại trung tâm TP.HCM thuộc công ty Vạn Thịnh Phát liên tục được nhắc đến trong kết luận của Thanh tra Chính phủ khiến nhiều người choáng váng vì tiềm lực khủng của tập đoàn bất động sản này.
“Choáng” với loạt đất vàng quận 1 của Vạn Thịnh Phát
Tháng 6, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận Thanh tra số 757/KL-TTCP, về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp (KCN), khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM.
Theo kết luận của Thanh tra chính phủ, việc chuyển đổi một số nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM có nhiều vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng. Trong đó, đáng chú ý có cao ốc VTP do Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Vạn Thịnh Phát) làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất 1.954m2, có địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo (phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM), có nguồn gốc là đất của nhà nước.
Khu đất vàng này tiền thân trước đây là khách sạn Vạn Xuân, được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cấp phép xây dựng cho Liên hiệp Dịch vụ Sản xuất Thương mại, thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn.
Ngày 30/7/1994, UBND TP.HCM có quyết định số 2424/QĐ-UB-QLĐT chuyển giao tài sản cố định gồm khu nhà số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo cho Công ty Dịch vụ và Thương mại thành phố.
Năm 1999, UBND TP.HCM ban hành văn bản số 5424/UB-KT, chỉ đạo, chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty Dịch vụ và Thương mại TPHCM (DVTMSG) và Vạn Thịnh Phát. Đồng thời, DVTMSG chuyển nhượng phần góp vốn trong khách sạn Vạn Xuân trị giá 587.332 USD cho Vạn Thịnh Phát.
Đến 2006, UBND TP.HCM có quyết định số 480/QĐ-UBND, chấp thuận cho Vạn Thịnh Phát được thuê đất sản xuất kinh doanh tại địa chỉ trên, với diện tích là 1.985m2, mục đích cho thuê để làm khách sạn và văn phòng, thời hạn cho thuê đến hết năm 2020.
Ngày 1/2/2013, Sở Tài chính TP.HCM có tờ trình số 1202/STC-BVG về việc thẩm định giá theo cơ chế thị trường để Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển hình thức sử dụng đất từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất để làm văn phòng cho thuê và trụ sở văn phòng. Ngày 17/4/2013, UBND TP có Quyết định số 1937/QĐ-UBND chính thức phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất là 204.281.789.000 đồng. Đến tháng 4/2015, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp đủ số tiền trên.
Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ xác định, UBND TP.HCM không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định, làm giảm giá trị tiền sử dụng đất phải nộp 1,191 tỷ đồng. Đồng thời, TP.HCM áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20ha, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng.
Thanh tra Chính phủ cũng nhận thấy, vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thất thoát tài sản nhà nước thi chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của nhà nước.
Ngoài cao ốc VTP, Thanh tra chính phủ còn chỉ ra một số sai phạm tại các khu đất vàng, đất công khắp TP.HCM như khu tứ giác Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng (phường Bến Nghé, quận 1) có diện tích 2.815m2 do nhà nước quản lý; tư nhân sở hữu hơn 8.342m2.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với dự án “tứ giác vàng” nêu rõ, dự án đã và đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2008. Tuy nhiên, đến nay chỉ có duy nhất liên danh giữa Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty Larkhall Holdings Limited đăng ký thực hiện dự án.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, đến nay nhà đầu tư đã thỏa thuận, đền bù cho các hộ dân với diện tích 7.931m2. Cụ thể, có 2.019m2 nhà đất đầu tư đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Vạn Thịnh Phát, 5.912m2 đất nhà đầu tư đã kí biên bản thỏa thuận với các hộ dân.
Ngày 7/10/2016, UBND TP.HCM có văn bản 5577/UBND-DA chấp thuận tiếp tục thực hiện chủ trương chỉ định nhà đầu tư và giao Sở Kế hoạch Đầu tư tổ chức thực hiện các thủ tục theo đúng quy định.
Theo cơ quan thanh tra, dự án tại phường Bến Nghé, quận 1 đã và đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2008. Trong đó, đã thực hiện nhiều thủ tục đầu tư như phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM; Lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; lập phương án sơ bộ về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại khu đất thực hiện dự án…
Tuy nhiên, UBND TP.HCM đến nay chưa lựa chọn và chỉ định được nhà đầu tư để thực hiện. Thanh tra Chính phủ là đề nghị UBND TP.HCM căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt để duyệt dự án đầu tư phù hợp. Trên cơ ở đó, thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đối với diện tích 2.815m2 đất thuộc sở hữu nhà nước, UBND TP.HCM phải thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan.
Thêm một dự án cũng có nhiều vấn đề
Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ vừa qua cho biết, dự án Trung tâm Liên hợp gia cư – thương mại An Đông 2 do Công ty Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (Công ty Sài Gòn 5) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng năm 1993. Dự án tại 18 An Dương Vương, phường 9, quận 5 với diện tích đất là 6.077m2.
Tuy nhiên, từ năm 1998 đến năm 2002 do thiếu nguồn vốn đầu tư, công trình đã tạm ngừng thi công. Do đó, Công ty Sài Gòn 5 đã kêu gọi đầu tư và trình UBND TP.HCM cho phép Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát tham gia dự án theo phương thức ứng trước vốn đầu tư để bao tiêu toàn bộ dự án.
Ngày 18/5/2003, Công ty Sài Gòn 5 có văn bản trình UBND TP.HCM xin phép được chuyển nhượng dự án đầu tư thay thế phương thức hợp đồng đầu tư bao tiêu toàn bộ sản phẩm công trình nói trên. Đồng thời cũng đề xuất phương án giải quyết việc xử lý thu hồi nợ của Ngân hàng TMCP Việt Hoa.
Ngày 16/6/2003, UBND TP.HCM có quyết định cho phép Công ty Sài Gòn 5 chuyển nhượng dự án đầu tư Trung tâm liên hợp gia cư – thương mại An Đông 2 cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát.
Đến ngày 9/6/2005, Thủ tướng Chính phủ có văn bản ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP.HCM căn cứ quy hoạch đã được phê duyệt và các quy định hiện hành, cho phép đầu tư đối với dự án khách sạn Thương mại An Đông.
Đến thời điểm hiện nay, dự án trên đã đi vào hoạt động nhiều năm. Theo giới thiệu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thì đây là khu khách sạn cung cấp 376 phòng rộng rãi đầy đủ tiện nghi, phòng hội nghị lớn với sức chứa hơn một ngàn người, khu vực spa sang trọng, cụm nhà hàng Hoa, nhà hàng món ăn tự chọn, trung tâm thương mại bán sỉ – lẻ sầm uất…
Thanh tra Chính phủ cho biết, tại thời điểm thanh tra do điều kiện về thời gian, yêu cầu của kế hoạch tranh tra, do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM rà soát, báo cáo và cung cấp tài liệu hồ sơ chủ yếu của dự án.
Bà chủ nắm trong tay loạt đất vàng nghìn tỷ
Được biết, tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương được xếp vào hàng những công ty gia đình giàu có nhất tại Việt Nam.
Tập đoàn này được sở hữu và điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hong Kong.
Theo thông tin trên website, năm 1992, bà Trương Mỹ Lan thành lập công ty với với tên gọi Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát hoạt động ban đầu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Sau đó, Vạn Thịnh Phát đã mở rộng hoạt động sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản với nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng và cao ốc căn hộ.
Năm 2007, Vạn Thịnh Phát thành lập công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông. Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam và tập đoàn Sài Gòn Peninsula để tạ nên nhóm công ty chuyên liên kết đầu tư bất động sản.
Với tiềm lực của mình, Vạn Thịnh Phát liên tiếp thâu tóm thành công những lô đất vàng, có vị trí đắc địa, dù cho những lô đất cũ vẫn “nằm im” chưa đưa vào khai thác.
Cụ thể, công ty của bà Trương Mỹ Lan thâu tóm quỹ đất tứ giác giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực và ý định xây dựng tòa cao ốc với tên gọi dự án Tháp SJC. Tuy nhiên, giống như nhiều dự án khác của Vạn Thịnh Phát, dự án này cũng rơi vào cảnh “mua rồi để đó” và hiện đang là bãi giữ xe.
Cao ốc Thuận Kiều Plaza cũng là một trong những dự án tốn nhiều giấy mực của báo chí với quyết định của bà Trương Mỹ Lan. Năm 2016, Vạn Thịnh bỏ số tiền lớn ra mua lại nhằm hồi sinh Dự án cao ốc Thuận Kiều Plaza, đường Hồng Bàng (quận 5).
Sau khi về tay Vạn Thịnh Phát, ngoài động thái 3 tòa tháp chuyển từ màu hồng trắng sang màu xanh lá cây, sửa chữa lại phần trung tâm thương mại bên dưới và đổi tên dự án từ Thuận Kiều Plaza thành The Garden Complex thì đến nay vẫn lâm vào cảnh bỏ hoang. Mới đây, tòa nhà này đã được trưng dụng tầng 1 và 2 làm Bệnh viện dã chiến thu dung số 5 nhằm điều trị Covid-19.
Riêng tại quận 3, TP.HCM, công ty của bà Trương Mỹ Lan đã có đến ba dự án quy mô. Đó là Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence cao 16 tầng, diện tích đất 2.523,4 m2, nằm tại khu cư trú của ngoại giao đoàn, số 220 – 220A đường Pasteur; cao ốc Sherwood Residence địa chỉ tại số 127 đường Pasteur, có 240 căn hộ du lịch; biệt thự Pháp cổ trị giá 35 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng), rộng 2.819,5m2, nằm tại giao lộ Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Diệu.
Dưới sự dẫn dắt của bà Trương Mỹ Lan, VTP Holdings Group đã phát triển thành hệ sinh thái rộng lớn hữu đa dạng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, phân bổ chi nhánh trên toàn quốc lẫn nước ngoài.
Đế chế của doanh nhân Trương Mỹ Lan luôn tạo ấn tượng với dư luận bằng hàng loạt những thương vụ thôn tính đất vàng tại những khu vực đắc địa bậc nhất TP.HCM tạo ra những siêu dự án nghìn tỷ. Tuy nhiên, với loạt đất vàng bị Thanh tra chính phủ nhắc tên trong kết luận vừa qua, uy tín của Vạn Thịnh Phát khiến công chúng đặt dấu hỏi về những trục trặc khi tiến hành thâu tóm thau tóm những mảnh đất giá trị liên thành này.
T.P