Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngPhải chăng sự hung hăng của Bắc Kinh đẩy Manila xích lại...

Phải chăng sự hung hăng của Bắc Kinh đẩy Manila xích lại gần với Washington?

Trong quá trình vận động bầu cử và trước khi ông Ferdinand Marcos Jr nhậm chức Tổng thống Philippines, dư luận tranh cãi nhiều về chính sách của chính quyền mới ở Manila. Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền của tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr có thể đi theo đường lối của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte ngả hẳn sang Trung Quốc gây khó khăn cho chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden trong việc triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và ở Biển Đông nói riêng.

Tuy nhiên, sau chưa đầy 3 tháng cầm quyền, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã cho thấy chính quyền của ông không đi theo “vết xe đổ” của người tiền nhiệm. Mặc dù, luôn khẳng định coi trọng quan hệ với Trung Quốc, song trên thực tế ông Marcos Jr đã triển khai một chính sách cân bằng với 2 cường quốc Mỹ – Trung, thậm chí Tổng thống Marcos Jr đã có những bước đi mạnh mẽ để hàn gắn quan hệ với Mỹ sau 6 năm trục trặc dưới thời cựu Tổng thống Duterte.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr và Tổng thống Mỹ Joe Biden

Nếu như chuyến thăm nước ngoài trên cương vị Tổng thống Philippines của ông Duterte là Trung Quốc thì tân Tổng thống Marcos Jr không như vậy. Ông Marcos Jr đã chọn 2 nước Đông Nam Á là Singapore và Indonesia để thực hiện chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tổng thống và tiếp đó là chuyến đi tới New York dự họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trong một sự khởi đầu quan trọng (cuộc gặp với Tổng thống Biden), trái ngược với thái độ chống Mỹ của người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, nhà lãnh đạo mới của Philippines Marcos Jr đã ca ngợi vai trò của Mỹ như một “mỏ neo” cho sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; nhấn mạnh đó là “điều được tất cả các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Philippines, đánh giá cao”. Được khuyến khích bởi định hướng chiến lược mới rõ ràng của Manila, Washington đang tăng cường gấp đôi hợp tác an ninh song phương. Đó là một mục tiêu chiến lược ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách đối với Washington trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Với vị trí địa lý chiến lược của mình, Philippines sẽ là trung tâm của bất kỳ cuộc xung đột lớn tiềm tàng nào giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực. Do đó, 2  đồng minh sẽ tăng cường các hoạt động quân sự chung lên tới 500 hoạt động vào năm tới, với việc Mỹ dự kiến sẽ triển khai một lực lượng lớn lên tới 16.000 quân cho các cuộc tập trận “Balikatan” (Vai kề vai) hàng năm.   

Một tuần sau cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại New York, lần đầu tiên, các lãnh đạo quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Philippines đã đích thân tham gia lập kế hoạch hoạt động chi tiết tại Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ ở Honolulu (Hawaii), trong một động thái nhằm củng cố liên minh Mỹ – Philippines. Trong cuộc họp chưa từng có này với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Jose Faustino Jr tại trụ sở Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh Mỹ và Philippines “chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở, an toàn và thịnh vượng, không bị ép buộc hoặc bắt nạt”; khẳng định “Mỹ vẫn kiên định ủng hộ một Philippines mạnh mẽ và độc lập, có đủ khả năng bảo vệ chủ quyền của mình, đảm bảo sự thịnh vượng cho người dân và củng cố an ninh trong khu vực”. Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Faustino nhấn mạnh: “Philippines và Mỹ đang làm việc cùng nhau để đạt được sự hiểu biết chung về tầm quan trọng của liên minh quốc phòng… trong việc thúc đẩy lợi ích của 2 nước cũng như hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.

Giới quan sát chỉ ra rằng trong vài tháng qua, 2 đồng minh Mỹ-Philippines đã thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép quân đội Mỹ tiếp cận sâu rộng hàng loạt căn cứ quân sự quan trọng trên khắp đất nước Philippines. Đặc biệt, căn cứ hàng không Basa, nằm ở vị trí chiến lược ở Biển Đông và gần Đài Loan, là địa điểm của một số dự án chung lớn gần đây trong khuôn khổ EDCA. Mới đây nhất, từ ngày 3-14/10, đã diễn ra cuộc tập trận Kamandag với sự tham gia của 1.900 lính thủy đánh bộ Mỹ và 600 binh sĩ Philippines tại khu vực hướng ra Biển Đông ở đảo Palawan, miền Tây Philippines và dọc theo Eo biển Luzon ở phía Bắc nước này, gần đảo Đài Loan. Cuộc tập trận với nội dung mô phỏng tấn công đổ bộ và tác chiến đặc biệt, các bệ phóng pháo phản lực HIMARS và chiến đấu cơ của Mỹ tham gia nội dung bắn đạn thật trong cuộc tập trận lần này. Hàn Quốc và Nhật Bản lần đầu tiên cử binh sĩ tham gia Kamandag với tư cách quan sát viên.

Theo một số nguồn tin trong năm tới, Mỹ và Philippines dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử và nhiều hơn bất kỳ liên minh nào trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, sự tham gia của Mỹ vào các cuộc tập trận Balikatan quy mô lớn được tổ chức trên bờ biển Philippines có thể sẽ tăng gấp đôi từ 300 hoạt động quân sự song phương trong năm 2022 lên tới 500 cuộc tập trận chung vào năm tới. Các cuộc tập trận chung Mỹ – Philippines dự kiến sẽ được mở rộng cùng với Australia và Nhật Bản để tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ và bảo vệ đảo.

Giới phân tích nhận định 2 đồng minh lâu năm hiện đang chạy đua để bù đắp khoảng thời gian đã mất trong 6 năm ông Duterte cầm quyền nhằm nâng cấp liên minh theo Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau năm 1951 (MDT).

Lý giải về việc chính quyền của tân Tổng thống Marcos Jr xích lại gần Mỹ và tập trung củng cố quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines, giới phân tích cho rằng nguyên nhân là do chính sách cường quyền và sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực, cụ thể là:

Thứ nhất, tân Tổng thống Marcos Jr rút ra bài học từ người tiền nhiệm là sự ngả theo Trung Quốc không đem lại lợi ích cao nhất cho Philippines mà ngược lại Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh xâm lấn trên các vùng biển của Philippines. Trong suốt 6 năm cầm quyền ông Duterte luôn nhún mình, nhường nhịn trước lãnh đạo ở Bắc Kinh nhằm đạt được sự hỗ trợ kinh tế để phát triển đất nước, song cam kết hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc chỉ dừng lại ở những lời “hứa hão huyền”. Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục cho tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu dân quân biển, tàu khảo sát xâm lấn vùng biển của Philippines ở Biển Đông, tiến hành các hoạt động gây hấn, thậm chí đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines hay phun vòi rồng cỡ lớn vào tàu công vụ của Philippines chở đồ tiếp tế cho binh lính trên bãi Cỏ Mây. Đây chính là nguyên nhân khiến chính quyền của Tổng thống Marcos Jr phải tìm kiếm sự hợp tác với Washington để làm đối trọng.

Việc tân Tổng thống Marcos Jr luôn khẳng định hết sức coi trọng và nỗ lực thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh bởi lẽ Trung Quốc là một cường quốc với sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội nên duy trì mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh là yêu cầu chiến lược đối với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực và Philippines cũng vậy. Tuy nhiên, những phát biểu của ông Marcos Jr có lẽ chỉ là một thủ thuật ngoại giao để không làm “mất mặt” Bắc Kinh, còn trên thực tế chính quyền Manila đang nỗ lực thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ.

Thứ hai, với vị trí địa lý nằm ở khu vực nối Biển Đông và Thái Bình Dương qua tuyến đường Sibutu ở phía Nam và kênh Bashi cũng như Eo biển Luzon ở phía Bắc, Philippines được coi là “điểm then chốt” trong cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ ở Biển Đông và khu vực. Việc Philippines là nước sớm nhất ở châu Á trở thành đồng minh của Mỹ đã khẳng định rõ vị trí chiến lược của nước này trong bàn cờ cạnh tranh ở khu vực. Tân Tổng thống Marcos Jr nhận thức rõ điều này và muốn tranh thủ tận dụng vị thế địa chính trị của Philippines để phục vụ lợi ích quốc gia và phát huy vai trò của đất nước mình.

Trong suốt Chiến tranh Lạnh, việc Philippines là nơi hiện diện căn cứ nước ngoài lớn nhất của Mỹ là một thành phần quan trọng đối với các hoạt động của Mỹ trong khu vực, bao gồm cả các cuộc can thiệp quân sự trong chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên và Đông Dương. Sự sao nhãng của Mỹ đối với khu vực trong 2 thập kỷ qua đã tạo điều kiện để Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ và trở nên hung hăng hơn. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt ở Biển Đông và trong khu vực, chính quyền Biden có kế hoạch củng cố vị trí của Philippines trong chiến lược “răn đe tổng hợp” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dựa trên một mạng lưới các căn cứ và liên minh rộng khắp trên các Chuỗi Đảo thứ nhất và thứ hai, trải dài từ Nhật Bản ở phía Bắc cho tới Australia ở phía Nam.

Thứ ba, việc Bắc Kinh không ngừng tuyên bố “sẵn sàng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực” và tăng cường hoạt động của máy bay, tàu chiến xung quanh Đài Loan, nhất là sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đầu tháng 8 vừa qua, gây tình hình căng thẳng leo thang trên eo biển Đài Loan. Điều này khiến chính quyền Manila hết sức lo ngại bởi đảo Mavulis ở cực Bắc của Philippines, nằm ở Eo biển Luzon, chỉ cách mũi cực Nam của Đài Loan khoảng 140 km. Một khi xung đột nổ ra ở eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Philippines. Gần đây, ông Emmanuel Bautista, Cựu Tổng tư lệnh quân đội Philippines nói với giới truyền thông: “Chúng ta (Philippines) là đồng minh của Mỹ, chúng ta đang ở một vị trí chiến lược. Chúng ta ở gần đến mức nếu có bất cứ điều gì xảy ra ở Đài Loan, chúng ta sẽ tham gia”.

Mặc dù chính quyền của tân Tổng thống Marcos Jr cho đến nay đã cố gắng thể hiện “sự trung lập” trong vấn đề Đài Loan và liên tục kêu gọi quản lý cuộc khủng hoảng một cách hòa bình, song Manila cũng đã bày tỏ sự cởi mở mới trong việc cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quan trọng của nước này ở phía Bắc trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột ở Đài Loan hoặc một sự cố bất ngờ khác.

Jose Manuel Romualdez – Cựu Đại sứ lâu năm của Philippines tại Washington và là một người thân cận của Tổng thống Marcos Jr (người được coi là kiến trúc sư quan trọng trong việc cài đặt lại mối quan hệ Philippines-Mỹ) nhấn mạnh: “Không ai muốn xảy ra bất kỳ loại chiến tranh hay đối đầu nào” và Philippines sẽ cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ của Philippines “nếu điều đó là quan trọng đối với chúng tôi, đối với an ninh của chính chúng tôi”. Cùng với quan điểm này, ông Gregory Poling, thành viên cấp cao tại CSIS bày tỏ: “Liên minh Mỹ-Philippines sẽ làm gì nếu người Mỹ chết cách bờ biển của Philippines 50 dặm? Đã là đồng minh thì không thể trung lập. Philippines có trách nhiệm với người Mỹ giống như người Mỹ có trách nhiệm với người Philippines”. Có thể nói, việc Manila đang xích lại gần Mỹ trong những tháng gần đây là xuất phát từ lợi ích lâu dài của Philippines mà nguyên nhân chính là do sự bất nhất giữa lời nói và hành động của Bắc Kinh. Việc Trung Quốc thường xuyên hành động hiếu chiến gây hấn ở Biển Đông và trong khu vực theo kiểu “nói một đằng làm một nẻo” trong quan hệ với các nước láng giềng đã làm mất lòng tin đối với chính quyền mới ở Manila khiến Tổng thống Marcos Jr phải tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới