Nhật Bản có năng lực để ngăn chặn tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên nhưng còn có những lý do để Tokyo quyết định không ra tay.
Hôm 4.10, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm trung được cho là Hwasong-12, bay qua lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương . Vụ phóng tên lửa đã khiến nhà chức trách Nhật phát cảnh báo để người dân xuống hầm trú ẩn trong khi các tuyến đường sắt tạm thời bị hoãn.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được cho là hoàn toàn có năng lực bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nhưng đã không làm vậy.
Giải thích với trang The Drive, đại tá về hưu lục quân Mỹ David Shank nêu ý kiến rằng không có lý do gì để Nhật Bản ngăn chặn quả tên lửa đạn đạo nếu nó không rơi xuống lãnh thổ. Ông cho biết Nhật Bản có nhiều hệ thống radar trên bộ, trên biển và trên không gian cùng các cảm biến khác có khả năng phát hiện nhanh chóng một vụ phóng tên lửa và xác định quỹ đạo, độ cao của nó trong vòng 5 phút.
Theo ông Shank, có 4 lý do để Nhật không bắn hạ tên lửa Triều Tiên ngày 4.10. Thứ nhất, việc đánh chặn có thể gây leo thang tình hình khi điểm rơi của tên lửa Triều Tiên là ở Thái Bình Dương. Thứ hai, việc ngăn chặn sẽ phơi bày năng lực của Mỹ và Nhật Bản, ở đây là khả năng cảnh báo sớm và việc sử dụng tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis.
Thứ ba, vụ đánh chặn không thành công có thể gây lo ngại lớn cho người dân Nhật Bản, Mỹ, cùng đồng minh và đối tác, tạo cơ hội cho Triều Tiên lên tiếng. Thứ tư, việc đánh chặn nếu xảy ra trên bầu trời một khu dân cư hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng có thể gây thiệt hại vì những mảnh vỡ rơi xuống.
Quả tên lửa được phóng vào khoảng 7 giờ 22 sáng 4.10 (giờ Tokyo) và rơi xuống Thái Bình Dương vào khoảng 7 giờ 44. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết tên lửa bay được khoảng 4.600 km, độ cao tối đa 1.000 km.
Ông Hamada nói rằng Nhật Bản không ngăn chặn tên lửa vì các radar đã giúp xác nhận rằng tên lửa không rơi xuống Nhật Bản. “Vì chúng tôi đánh giá rằng không có nguy cơ tên lửa sẽ rơi xuống đất nước nên chúng tôi không thực hiện biện pháp nào để tiêu diệt tên lửa đạn đạo đó, dựa theo điều 82-3 của Luật các lực lượng phòng vệ”, ông Hamada nói.
Điều luật này mô tả trình tự từ khi tên lửa được phóng đi cho đến khi bị ngăn chặn hoặc rơi. Tên lửa được radar hoặc vệ tinh phát hiện ngay và máy tính sẽ tính toán điểm rơi. Liên tục trong nhiều phút, nhà chức trách sẽ cảnh báo người dân để sơ tán. Chỉ huy chiến trường sẽ ra lệnh phóng tên lửa ngăn chặn nếu xác định tên lửa rơi xuống lãnh thổ và không cần chờ quyết định của thủ tướng vì sẽ quá trễ.
Nhật Bản có 2 cách để ngăn chặn tên lửa đạn đạo. Thứ nhất là tên lửa đánh chặn SM-3 được trang bị trên các tàu chiến, ngăn chặn tên lửa mục tiêu ở giai đoạn giữa của hành trình, khi nó đang bay tới mục tiêu với độ cao rất cao. Cách thứ 2 là tên lửa từ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot (PAC-3), được cho là có khả năng ngăn chặn một số loại tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối của hành trình bay, khi chúng lao đến mục tiêu với tốc độ rất cao.
Ông Shank cho rằng tên lửa SM-3 là hệ thống có thể ngăn chặn tên lửa đạn đạo tầm trung trong khi không đánh giá cao độ hiệu quả của hệ thống Patriot cho nhiệm vụ này. Hệ thống Patriot được cho là phù hợp hơn để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Thiếu tướng Hiroyuko Sugai, tùy viên quân sự tại đại sứ quán Nhật ở Washington D.C, nhận xét: “Tên lửa SM-3 phụ trách phòng thủ giai đoạn giữa và Patriot PAC-3 phụ trách phòng thủ giai đoạn cuối. Mỗi loại phụ trách một khu vực khác nhau. Nói nôm na, phòng thủ giai đoạn giữa bao phủ khu vực lớn nên các tàu trang bị hệ thống Aegis có thể ngăn chặn trong một khu vực lớn”.
Nhật Bản hiện có 8 tàu khu trục được trang bị hệ thống Aegis. Nước này từng có ý định triển khai 2 hệ thống Aegis trên bờ nhưng kế hoạch bị hoãn vào năm 2020 vì vấn đề kỹ thuật, chi phí và sự phản đối trong nước.