Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc ngày 16/10 tại Bắc Kinh. Biendong.net xin giới thiệu đôi nét về nội dung và dự kiến nhân sự cấp cao.
Đại hội 16 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Nó diễn ra trong bối cảnh nước này đã hoàn thành mục tiêu “100 năm lần thứ nhất”: xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2021.
Gần 2.300 đại biểu đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên và 4,9 triệu tổ chức cơ sở đảng tham dự kỳ họp. Hàng triệu ý kiến của người dân đóng góp cho các đường hướng, quyết sách của Đảng được thu thập qua Internet. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong thời điểm then chốt khi toàn Đảng, toàn dân bước vào chặng đường mới, tiến tới xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt.
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh chống tham nhũng, tiếp tục “đả hổ”, “diệt ruồi”, không có ngoại lệ. Đã có hơn một triệu quan chức “ngã ngựa” trong 10 năm qua, nhiều quan chức cấp cao bị xử lý với hình phạt cao nhất tử hình. Trong Văn kiện báo cáo tại Đại hội, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương khẳng định, tiếp tục trừng phạt mạnh tay với tham nhũng, không khoan nhượng bè phái, lợi ích nhóm.
Như vậy, chống tham nhũng tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tới. Trong các quyết sách để giữ vững chế độ, Đảng sẽ tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng ở tầm mức mới, với những giải pháp mạnh hơn nữa để quan chức không dám, không muốn và không thể tham nhũng.
Về kinh tế, theo dự báo, GDP năm 2022 của Trung Quốc tăng trưởng rất thấp, khó đạt mục tiêu 5,5%. Trong số lao động thất nghiệp thì lao động trẻ bị ảnh hưởng nhất, với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị trong độ tuổi từ 16 đến 24 lên đến 18,7%.
Về cạnh tranh chiến lược, Đảng và Chính phủ Trung Quốc vạch ra những đường hướng chiến lược cụ thể, tập trung đầu tư chiều sâu, tiến tới tự chủ về công nghệ cốt lõi, từng bước giảm bớt phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Về nội dung thì có vẻ như đã rõ, điều mà người dân quan tâm là nhân sự. Ai về, ai ở? Có thay đổi gì trong cơ cấu Thường vụ Bộ Chính trị? Liệu phe cánh Tập Cận Bình có thắng áp đảo không? Ông Tập có thực hiện được mục đích làm Chủ tịch Đảng giống như thời Mao Trạch Đông hay không? Hiện tại, căn cứ vào các quy chuẩn về nhân sự trong cơ quan ra quyết định hàng đầu ở Bắc Kinh có thể thấy khó có thể kiềm chế quyền lực của Tập Cận Bình, đồng thời các nhà cải cách ủng hộ thị trường có vẻ như đang thắng áp đảo.
Trước và trong đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có nhiều đồn đoán xoay quanh việc ai sẽ được bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Dư luận hết sức quan tâm đến Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên, cơ quan đưa ra các chỉ thị và quyết định quan trọng nhất của Đảng.
Thế nhưng dự báo về chính trị là công việc không đơn giản. Nó có thể thay đổi ở phút chót với nhiều yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, có thể giới hạn phạm vi của các kịch bản.
Thử tìm hiểu các quy chuẩn nhân sự khóa này là gì? Kể từ năm 2002, đã không có ủy viên Ban Thường vụ nào được tái bổ nhiệm ở độ tuổi 68 trở lên, hoặc nghỉ hưu ở độ tuổi 67 trở xuống (còn gọi là quy tắc “thất thượng, bát hạ”). Những cái tên được chọn vào Ban Thường vụ hầu như luôn đến từ Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, nơi cũng áp dụng quy tắc bắt buộc nghỉ hưu ở tuổi 68. Ngoài ra, còn có một quy tắc tạm thời được ban hành vào năm 2006, quy định rõ, các quan chức không được giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ 5 năm ở một vị trí.
Thế nhưng tại Đại hội 20, Tập Cận Bình, 69 tuổi, giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng Bí thư, ai cũng thấy là đã vi phạm những quy chuẩn. Song chuyện hệ trọng này đã có những lời giải thích râm ran trước thềm Đại hội. Rằng hầu hết trong số 5 người tiền nhiệm của Tập ở vị trí Tổng Bí thư đã được tái bổ nhiệm vào các vai trò lãnh đạo trong Ban Thường vụ sau khi họ bước sang tuổi 68. Ngoại trừ ông Hồ Cẩm Đào và nhà lãnh đạo bị lật đổ nhanh chóng Hoa Quốc Phong là không được tái bổ nhiệm.
Còn lại các vị trí chủ chốt sẽ được chia chác như thế nào? Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng ông sẽ không phục vụ thêm một nhiệm kỳ nào nữa với tư cách là Thủ tướng Quốc vụ viện. Điều đó sẽ được chính thức hóa tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) dự kiến họp vào tháng 3/2023. Uông Dương, dù lớn tuổi hơn Lý, nhưng có thể sẽ kế nhiệm ông, dù chỉ làm trong một nhiệm kỳ.
Tập Cận Bình muốn chọn một trong những đồng minh của mình làm thủ tướng tiếp theo, hơn là một đối thủ khác đến từ Đoàn phái. Tiếc rằng không một đồng minh nào của Tập trong Bộ Chính trị đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm làm phó thủ tướng. Hiện chỉ có Uông Dương và Hồ Xuân Hoa là hai ứng viên đủ điều kiện. Do vậy mặc dù cao tuổi nhưng Uông sẽ là lựa chọn hợp lý đối với Tập, hơn là một ngôi sao đang lên như Hồ.
Nhưng Hồ Xuân Hoa chưa hết “đát”. Ông ta có thể trở thành ứng viên hàng đầu cho chức Phó Thủ tướng thứ nhất vào năm 2023, và rất có thể thay Uông làm thủ tướng vào nhiệm kỳ năm 2028. Ba vị trí còn lại trong Ban Thường vụ sẽ được chia cho Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Trần Mẫn Nhĩ, nhiều khả năng là theo thứ tự thâm niên.
Không như bầu cử Tổng thống ở Mỹ và phương Tây có vận động tranh cử, tranh cử, có phiếu cử tri, đại cử tri. Ở Trung Quốc, Đại hội sẽ quyết định hết thảy. Và Đại hội chẳng qua cũng chỉ là nơi thể hiện hợp pháp ý đồ của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị lại phải để ý mọi động thái của Tổng Bí thư. Cụ Tổng “gật” hay “lắc” là tiêu một đời làm quan.
Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc lần này xem ra mờ nhạt, không có đột phá. Chỉ có đột phá duy nhất là ông Tập tiếp tục phá vỡ mọi nguyên tắc, ngồi ghế cao nhất trong Đảng với chức danh Chủ tịch. Còn bao nhiêu con “hổ”, con “ruồi” đang run, chưa biết cái cũi sắt sẽ chụp đầu lúc nào.
H.Đ