Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnBilahari Kausikan: Tập đã mắc 3 sai lầm trong chính sách đối...

Bilahari Kausikan: Tập đã mắc 3 sai lầm trong chính sách đối ngoại

Cựu quan chức ngoại giao hàng đầu Singapore nói rằng Bắc Kinh đã tính toán sai về sự suy yếu của Mỹ.

Tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc vào ngày 16/10, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cố gắng kéo dài nhiệm kỳ của mình với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể sau 10 năm cầm quyền của ông, chuyển sang một lập trường tự tin và quyết đoán hơn so với những người tiền nhiệm.

Nikkei Asia vừa có cuộc trò chuyện với cựu đại sứ Bilahari Kausikan, nguyên thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, về phong cách của nhà lãnh đạo Trung Quốc và diễn biến tình hình căng thẳng Mỹ-Trung trong những năm tới.

Kausikan cũng từng là đại diện thường  trực của Singapore tại Liên Hiệp Quốc và đại sứ tại Nga. Ông hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Quốc gia Singapore.

Dưới đây là bản biên tập của cuộc phỏng vấn.

Đại sứ Bilahari Kausikan

Hỏi: Ông đánh giá chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình như thế nào?

Đáp: Trung Quốc đã phạm phải ba sai lầm rất cơ bản. Sai lầm lớn đầu tiên là họ đã từ bỏ cách tiếp cận ‘ẩn mình chờ thời’ của Đặng Tiểu Bình quá sớm. Điểm khởi đầu là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nó dẫn đến sự khoe khoang quá mức. Đây là một sai lầm không thể sửa chữa bởi một khi anh đã khoe khoang, thì sau đó, dù anh có im lặng đi chăng nữa, mọi người vẫn sẽ không quên những gì anh đã nói.

Sai lầm thứ hai cũng xảy ra vào khoảng năm 2008. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thực sự bắt đầu tin vào tuyên truyền của họ. Họ cho rằng Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung đang trên đà suy yếu tuyệt đối và không thể phục hồi được. Mỹ có thể đang suy yếu một cách tương đối và họ có rất nhiều vấn đề, đó là sự thật. Nhưng sự suy yếu ở đây là tương đối, không phải tuyệt đối.

Khoảng một tháng trước, Giáo sư Đại học Bắc Kinh Vương Tập Tư (Wang Jisi) đã trả lời một cuộc phỏng vấn, trong đó ông đưa ra một lập luận rất quan trọng. Ông nói rằng đừng tin là Mỹ đang suy yếu tuyệt đối; Mỹ chỉ suy giảm tương đối so với Trung Quốc vì Trung Quốc đang phát triển; Mỹ vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối so với các nước lớn khác.

Vương rất dũng cảm khi dám nói ra điều đó, bởi vì nó mâu thuẫn trực tiếp với những gì sếp của ông đã nói – rằng phương Đông đang trỗi dậy.

Sai lầm thứ ba là mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ với Nga. Nga sẽ là ‘cục nợ vĩnh viễn’ đối với Trung Quốc. Nga sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Trung Quốc có thể có được một phần năng lượng giá rẻ, nhưng như chúng ta thấy, Trung Quốc đang lo lắng về việc bị vướng vào rắc rối ở thời điểm có quá nhiều vấn đề kinh tế trong nước và tăng trưởng đang chậm lại.

Đó là những sai lầm lớn về vĩ mô.

Hỏi: Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông nhận xét thế nào về đường lối ngoại giao chiến lang của Bắc Kinh?

Đáp: Các nhà ngoại giao nên biết cứng rắn nếu cần, để đạt được mục tiêu của họ. Ngoại giao không phải chỉ là làm người tốt và lịch sự. Đây là điều tôi thường nói với các nhà ngoại giao trẻ của đất nước mình. Công việc của các bạn là thúc đẩy lợi ích quốc gia của Singapore. Tất nhiên, hãy cứ tốt bụng và lịch sự, nhưng nếu bắt buộc thì vẫn phải cứng rắn, sử dụng bất kỳ phương tiện nào cần thiết, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn trở thành kẻ xấu. Nhưng vấn đề là các bạn làm vậy để thúc đẩy mục tiêu của mình.

Đối với ngoại giao chiến lang, tôi không thấy có lợi ích nào của Trung Quốc được thúc đẩy. Thực tế thì, tôi nghĩ rằng những lợi ích đó còn bị thiệt hại. Tuy nhiên, các chiến lang thực ra đang nói chuyện với những người ngồi ở Bắc Kinh, chứ không nhất thiết là với người ngoài.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Quốc hội Đài Loan ở Đài Bắc, vào ngày 3/8. © Reuters

Hỏi: Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan, nhóm diều hâu – với đại diện là các nhà ngoại giao chiến lang – đã khiến nhiều công dân Trung Quốc mong đợi một hành động nào đó nhắm vào máy bay của Pelosi, điều đó rất nguy hiểm. Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

Đáp: Pelosi có nên đến thăm Đài Loan hay không là một vấn đề khác. Chuyến đi của bà không đạt được điều gì, ngoại trừ việc kích động nhiều cảm xúc. Nhưng anh nói đúng, xung đột có thể tình cờ xảy ra. Khi anh kích động quần chúng thì đến một lúc nào đó, anh sẽ thấy mình mắc kẹt trong những lời tuyên truyền của chính anh. Nếu anh không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người, anh sẽ trông như một kẻ yếu thế.

Hỏi: Liệu căng thẳng Mỹ-Trung có sẽ là tin tức chủ đạo trong 10 năm tới?

Đáp: Anh vừa nói là 10 năm. Còn tôi nghĩ sẽ lâu hơn thế nữa. Căng thẳng Mỹ-Trung sẽ là đặc điểm cấu trúc mới, làm tâm điểm cho các quan hệ quốc tế. Ví dụ tương tự là tình quan hệ quốc tế đã xoay quanh quan hệ Mỹ-Xô suốt hơn 40 năm trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng tôi cho rằng quan hệ Mỹ-Trung phức tạp hơn quan hệ Mỹ-Xô.

Tôi không thích thuật ngữ ‘Chiến tranh Lạnh mới.’ Nó thể hiện sai bản chất của mối quan hệ này. Mỹ và Liên Xô từng dẫn đầu các hệ thống riêng biệt, và đó là cuộc cạnh tranh giữa các hệ thống. Về cơ bản, đó là một cuộc cạnh tranh nhị phân, A hoặc B. Hai hệ thống gần như không có kết nối với nhau.

Trong mối quan hệ Mỹ-Trung, cả hai nước đều là những bộ phận quan trọng của một hệ thống duy nhất. Họ được kết nối với nhau, và với Nhật Bản, Singapore, châu Âu, cũng như với tất cả các quốc gia khác, thông qua một hiện tượng mới – đó là chuỗi cung ứng với mức độ phức tạp và phạm vi mà tôi không nghĩ rằng chúng ta đã từng chứng kiến trong lịch sử.

Với tôi, rất khó để tin rằng mạng lưới này có thể tách thành hai hệ thống riêng biệt. Sẽ có sự tách biệt một phần. Nó đã xảy ra trong lĩnh vực công nghệ, internet, nhưng tôi không nghĩ sẽ có sự tách biệt hoàn toàn. Cái giá là quá đắt.

Tôi có thể cho anh một ví dụ. Chúng ta đều biết chất bán dẫn là một điểm yếu lớn của Trung Quốc. Và tôi nghĩ người Trung Quốc sẽ rất, rất khó để bắt kịp. Thậm chí tôi có thể nói rằng Trung Quốc gần như không thể bắt kịp với các công nghệ cao cấp vì ranh giới phân loại vẫn đang dịch chuyển. Những gì được xem là cao cấp ngày hôm nay sẽ không còn là cao cấp sau một năm nữa.

Tuy nhiên, lý do cơ bản khiến họ rất khó bắt kịp và phải mất rất nhiều thời gian để bắt kịp là tất cả hoặc hầu hết các bộ phận quan trọng nhất của chuỗi cung ứng đều do Mỹ, bạn bè, hoặc đồng minh của Mỹ kiểm soát. Một số loại vật liệu, một số loại hóa chất đang nằm trong tay Nhật Bản. Các loại máy công cụ để thiết kế là của người Hà Lan. Các loại máy công cụ khác lại thuộc về các nước châu Âu khác. Các nhà chế tạo chất bán dẫn lớn đang nằm ở Đài Loan, Hàn Quốc, và Mỹ. Và còn rất nhiều bộ phận nhỏ lẻ khác, và những bộ phận quan trọng nhất do Mỹ kiểm soát

Mặt khác, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ 40% sản phẩm bán dẫn. Làm sao có thể cắt giảm 40% sản lượng của công ty mà không gây ra tổn hại nghiêm trọng? Cạnh tranh trong cùng một hệ thống khó hơn nhiều so với cạnh tranh giữa các hệ thống. Anh chỉ cần cắt kết nối của Liên Xô với mọi thứ. Nhưng anh thực sự không thể làm điều đó với Trung Quốc. Anh cần phải phân định rõ ràng hơn.

Thứ hai, tôi không nghĩ rằng cuộc cạnh tranh sẽ kết thúc một cách rõ ràng. Tại sao? Bởi vì người Trung Quốc có thể muốn thống trị hệ thống duy nhất này, còn người Mỹ muốn duy trì sự thống trị của mình. Nhưng không ai trong số họ muốn phá hủy nước còn lại, bởi vì tiêu diệt một bên đồng nghĩa với phá hủy toàn bộ hệ thống, và cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Thế nên cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ kéo dài hơn nhiều so với Chiến tranh Lạnh, đó là điểm mấu chốt. Chúng ta sẽ phải học cách sống chung với nó.

Hỏi: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư để Trung Quốc không đuổi kịp và vượt qua Mỹ về các công nghệ chủ chốt. Ông nghĩ sao về điều này?

Đáp: Giờ đây, chúng ta phải cẩn trọng xem xét loại chất bán dẫn nào mình sẽ bán cho Trung Quốc. Anh chỉ nên bán cho Trung Quốc loại chất bán dẫn chỉ có thể dùng trong máy giặt. Điều đó tốt thôi, tại sao lại không? Nhưng đừng bán cho họ những thứ có thể được sử dụng trong tên lửa dẫn đường chính xác. Mọi chuyện sẽ trở nên rất, rất phức tạp. Rất, rất kỹ thuật. Từng trường hợp phải được nghiên cứu kỹ càng.

Điều tôi đã nghe từ các công ty công nghiệp – bao gồm các công ty công nghiệp Nhật Bản và các công ty công nghiệp Đức – là dù họ vẫn làm việc ở thị trường Trung Quốc, nhưng họ sẽ không ngây thơ. Không thể nói rằng, ‘Tất cả các công ty Nhật Bản sẽ quay về Nhật Bản, sẽ đến Singapore, Việt Nam.” Điều đó chỉ đơn giản là không thể. Ngay cả khi anh muốn làm điều đó, sẽ phải mất rất nhiều năm. Đó không phải là việc có thể được thực hiện nhanh chóng.

RELATED ARTICLES

Tin mới