Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đang chảy vào Việt Nam, nhưng câu hỏi cần quan tâm nhất vẫn là hiệu quả của dòng vốn này đến đâu, Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì?
Coca-Cola và xu hướng “đầu tư xanh”
Hôm nay (14/10), theo kế hoạch, Coca-Cola khởi công xây dựng nhà máy mới ở Khu công nghiệp Phú An Thạnh (Long An). Với tổng vốn đầu tư 136 triệu USD (tương đương 3.190 tỷ đồng), đây cũng là nhà máy thứ 4 của Coca-Cola tại Việt Nam.
Như vậy, kể từ khi có mặt tại Việt Nam vào năm 1994, giữ đúng cam kết của mình, Coca-Cola đã liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Điều thú vị hơn nữa là, theo thông tin được ông Peeyush Sharma, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Long An mới đây, nhà máy này sẽ được áp dụng mô hình nhà máy thông minh, với các kỹ thuật hiện đại.
Không những thế, Coca-Cola còn cam kết đồng hành hỗ trợ địa phương trong các hoạt động cộng đồng, như Chương trình Vì một Việt Nam không rác thải; hỗ trợ phân loại rác; xây dựng trung tâm sinh hoạt cộng đồng, cung cấp nước sạch cho cộng đồng…
Một động thái có thể nói là tích cực của hãng nước giải khát lừng danh thế giới, khi các cam kết được đưa ra đều hướng tới sự phát triển xanh, phát triển bền vững của Việt Nam. Đây cũng là dòng vốn đầu tư có chất lượng mà Việt Nam đang hướng tới.
Đầu năm nay, Lego đã quyết định đầu tư dự án hơn 1 tỷ USD để mở nhà máy sản xuất thứ hai ở châu Á và cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên tại Bình Dương. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ được khởi công vào cuối năm nay.
Ngay khi Lego được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư vào đầu năm nay, các chuyên gia đã đánh giá cao và coi dự án này như một sự khởi đầu cho dòng vốn đầu tư “xanh” của Việt Nam. Và rằng, việc Lego xây nhà máy trung hòa carbon tại Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho sự ủng hộ của nhà đầu tư đối với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Trên thực tế, không chỉ Lego, mà nhiều nhà đầu tư gần đây tới Việt Nam đều quan tâm tới vấn đề này. Mới đây nhất, ngày 11/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Juan Ignacio Rubiolo, Phó chủ tịch Thường trực Tập đoàn năng lượng AES (Hoa Kỳ). Đây là tập đoàn đã đầu tư lớn vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 công suất 1.150 MW tại Quảng Ninh.
Tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Juan Ignacio Rubiolo đã bày tỏ hy vọng rằng, Việt Nam có thể đi đầu khu vực trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời khẳng định, AES sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài với mong muốn trở thành đối tác đóng góp tích cực để Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Bài toán lợi ích khi thu hút FDI
Rõ ràng, các xu hướng đầu tư gần đây là tích cực. Vốn đầu tư nước ngoài vẫn vào Việt Nam, trong đó có đầu tư xanh. Tuy nhiên, đầu tư xanh chỉ là một trong những khía cạnh mà Việt Nam quan tâm.
Ít ngày trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức đưa ra lấy ý kiến công luận về Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài. Bộ tiêu chí này bao gồm 36 chỉ tiêu, với 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường.
Như vậy, yếu tố “xanh” chỉ là một trong rất nhiều vấn đề cần được “cân – đong” khi nói về lợi ích của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng về kinh tế, đã có tới 25 tiêu chí, trong đó có 6 chỉ tiêu phản ánh quy mô, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực FDI, như tốc độ tăng trưởng GDP khu vực FDI, tốc độ tăng trưởng vốn FDI, hay tốc độ tăng trưởng vốn thực hiện…
Trong khi đó, nhóm tiêu chí để đánh giá về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI có tới 10 chỉ tiêu, như lợi nhuận trước thuế, tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản của doanh nghiệp FDI, tỷ trọng xuất khẩu, tỷ trọng nhập khẩu…
Chưa kể, còn có 3 chỉ tiêu liên quan đến vấn đề đóng góp ngân sách, như số nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp FDI, tốc độ tăng trưởng nộp ngân sách… Ngoài ra, còn có 2 chỉ tiêu về tác động lan tỏa của khu vực FDI, bao gồm tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu đầu vào trong nước, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có liên kết với doanh nghiệp trong nước…
Cũng cần nhắc lại rằng, khi xây dựng bộ tiêu chí này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn xây dựng được một bộ công cụ để phân tích, đánh giá chất lượng hoạt động của khu vực FDI, qua đó có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp, nhằm phục vụ định hướng thu hút đầu tư vào những dự án có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam…
Bộ tiêu chí này được xây dựng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, để các cấp, ngành chủ động và phối hợp đánh giá hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam…
Trên thực tế, lâu nay, vẫn có những ý kiến trái chiều về hiệu quả của đầu tư nước ngoài, về những đóng góp của khu vực này tới nền kinh tế. Những nỗi lo về việc các dự án FDI gây ảnh hưởng đến môi trường, hay thua lỗ lớn, thua lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư… cũng không phải là không có lý.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cách đây ít ngày, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh sự hạn chế trong kết nối doanh nghiệp nội – ngoại, rằng còn ít doanh nghiệp Việt tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Thẩm định báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh việc công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế.
Rõ ràng, đã đến lúc cần đánh giá toàn diện hơn về hiệu quả, về những lợi ích mà Việt Nam nhận được từ dòng vốn FDI. Vốn FDI dù vẫn đang chảy vào Việt Nam, nhiều cam kết lớn được đưa ra, nhiều dự án vẫn đang tiếp tục được khởi công, nhưng cũng chưa thể sớm vội mừng!
Không chỉ dừng lại ở điện than, AES mới đây cũng được Bộ Công thương phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí hỗn hợp Sơn Mỹ 2. Trước đó, Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ đã được trao giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 5/2022.