Vậy là sau nhiều năm chờ đợi, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên. Thế nhưng nội dung dự thảo vẫn hoàn toàn bí mật. Bởi những xung đột lợi ích trên Biển Đông không dễ dàng giải quyết trong một bộ quy tắc.
Việt Nam là một trong những nước có liên quan đến Bộ quy tắc này. Mới đây trả lời câu hỏi về quan điểm của Hà Nội về bản dự thảo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chỉ nói những điều chung chung để tránh va chạm.
Cụ thể, chiều 20/10, bà Lê Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, từ ngày 1 đến 3/10, tại Campuchia đã diễn ra cuộc họp lần thứ 37 nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc trong việc thực hiện các tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Cuộc họp đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng về tình hình Biển Đông, việc thực hiện DOC, cũng như việc xây dựng COC.
Bà Hằng nói: “Các cuộc thảo luận đã khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhấn mạnh việc thực hiện tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có công ước Luật Biển UNCLOC – 1982”.
Hội nghị đi đến thống nhất: Sớm hoàn thành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC; sớm thông qua một bộ quy tắc thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.
Theo Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi, Hiệp hội và Trung Quốc hy vọng các cuộc đàm phán về COC sẽ tiếp tục với cách tiếp cận thực tế. Dù sao đây cũng là một bước tiến trong đàm phán sau một thời gian cố tình trì hoãn vì lý do đại dịch Covid-19.
Phía Trung Quốc mặc dù luôn tuyên bố cần thúc đẩy tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm “tránh các cuộc xung đột” trên vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhưng lại luôn khéo léo trì hoãn.
Năm 2018, các cuộc đàm phán thật sự về COC được khởi động. ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán về dự thảo đầu tiên của Bộ quy tắc trong thời gian 2018-2019. Thế rồi suốt ba năm qua, hai bên không đạt được tiến bộ nào thêm, khiến không thể tổ chức các cuộc gặp trực tiếp để thảo luận.
Trong tình hình đại dịch Covid-19 hoành hành, các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và chỉ đạo “Nhóm công tác chung” sớm nối lại đàm phán “dưới hình thức phù hợp”, nhưng không có lịch trình cụ thể.
Thật kỳ lạ, tuy tuyên bố thúc đẩy đàm phán nhưng có hai vấn đề cốt lõi là nội dung và tiến độ lại hết sức mù mờ. Câu hỏi được đặt ra là, Bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc và ASEAN cố làm cho xong có mang tính ràng buộc pháp lý hay không? Theo phân tích của của giáo sư về Luật quốc tế Aristyo Rizka, thuộc Trung tâm vì Chính sách Đại dương bền vững, Đại học Indonesia, trong một bài viết đăng trên trang mạng East Asia Forum thì, COC chỉ thậ sự có hiệu quả nếu tất cả các bên coi văn bản này là mang tính ràng buộc pháp lý.
Để có sự đồng thuận về một văn bản như thế không phải là đơn giản. Bởi các bên phải lập ra một cơ chế rõ ràng để giải quyết các vụ vi phạm, đồng thời phải có một cơ chế để giám sát và bảo đảm việc tuân thủ bộ quy tắc. Lại còn phải xác định rõ phạm vi địa lý áp dụng Bộ quy tắc.
Nên chăng COC chỉ nên hợp pháp hóa những yêu sách chủ quyền thật sự chính đáng chiếu theo luật pháp quốc tế, chứ không nên thương lượng những yêu sách “bất hợp pháp” như “đường 9 đoạn” phi lý mà Trung Quốc yêu sách.
Tất cả những yêu sách dựa trên cơ sở lịch sử không được công nhận chiếu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đều không thể được chấp nhận. Thêm nữa, các bên phải nhất trí cao về một cơ chế giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo trước một tòa án quốc tế, chẳng hạn như Tòa Trọng tài thường trực. Không để lặp lại tình trạng phớt lờ luật pháp quốc tế như Trung Quốc đã từng “quên” phán quyết của Tòa PCA vào năm 2016 trong vụ Philippines kiện về “đường lưỡi bò”.
Như vậy mặc dù ASEAN-Trung Quốc đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên về COC nhưng đó chỉ là cái đèn vàng báo hiệu giao thông trên đường, chưa nói điều gì cả. Sau đó nó sẽ xanh hay đỏ phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Việc đàm phán sẽ còn hết sức gay go.
Gay go bởi vì Bắc Kinh muốn sử dụng các cuộc đàm phán COC như một cái cớ để giúp củng cố các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông. Các “quy tắc” khi được thông qua phải loại bỏ các yếu tố gây bất lợi cho Trung Quốc và mang lại lợi thế cho các nước khác. Khi để mất tính liên hệ với luật pháp quốc tế và sự ủng hộ, hiện diện của các nước ngoài khu vực thì ASEAN sẽ cô độc trong cuộc đấu tranh chủ quyền biển trước một đối thủ luôn muốn biến Biển Đông thành ao nhà.
H.Đ