Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTriều Tiên làm gì cũng phải theo "ý chỉ" của Tập

Triều Tiên làm gì cũng phải theo “ý chỉ” của Tập

Năm nay quả là một năm bận rộn đối với các nhà phát triển tên lửa của Triều Tiên khi Bình Nhưỡng đã phóng tổng cộng 25 quả tên lửa (gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình). Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, nhiệm vụ chính của tên lửa Triều Tiên là làm cho Mỹ và các đồng minh phân tâm khỏi Trung Quốc.

Các tên lửa trong cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, ngày 15/04/2017. (Ảnh: ED JONES / AFP qua Getty Images)

Phần lớn các tên lửa của Bình Nhưỡng đã hạ cánh ở vùng biển phía đông Bán đảo Triều Tiên và vẫn còn cách xa lãnh thổ trên biển của Nhật Bản. Nhưng vào ngày 04/10, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo đi qua miền bắc Nhật Bản – khiến chính phủ Nhật phải cảnh báo người dân “sơ tán” – trước khi hạ cánh xuống vùng biển phía đông nước Nhật. Đây là tên lửa đầu tiên của Triều Tiên bay qua Nhật Bản kể từ năm 2017.

Người dân đi ngang qua màn hình công cộng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 04/10/2022. Màn hình hiển thị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong buổi phát sóng về vụ phóng tên lửa ngày 04/10/2022 của Triều Tiên. Chính phủ Nhật Bản đã ra cảnh báo người dân sơ tán khi tên lửa này bay qua phía bắc Nhật Bản. (Ảnh: RICHARD A. BROOKS / AFP qua Getty Images)

Tại sao Triều Tiên lại tăng cường thử nghiệm tên lửa?

Các vụ phóng tên lửa là một phần của quá trình thử nghiệm và tìm ra sai sót trong nỗ lực phát triển tên lửa tầm xa – đặc biệt là tìm cách cải thiện tầm bắn, độ chính xác, tải trọng, khả năng mang đầu đạn, v.v. – của Bình Nhưỡng. Năng lực khoa học và kỹ thuật của Triều Tiên ở mức tương đối tiên tiến bởi họ nhận được sự giúp đỡ từ Trung Quốc, Iran, Pakistan và một số nước khác trong nhiều năm qua — và hiện giờ vẫn vậy.

Có xu hướng cho rằng vì Bình Nhưỡng rất tàn bạo và không có khả năng nuôi sống người dân của họ; do vậy, chính quyền ấy chắc chắn không thể đạt được thành tựu công nghệ hiện đại. Đó có thể không phải là sự thật. Chính quyền Bắc Triều có thể không dễ mến nhưng họ lại rất thông minh.

Trong vài thập kỷ qua, Triều Tiên đã tiến bộ một cách từ từ nhưng vững chắc về tên lửa, rốc-két (và vũ khí hạt nhân). Ở một số khía cạnh, đó chỉ là vấn đề “kỹ thuật” và họ đang tìm cách giải quyết. Triều Tiên thậm chí còn chế tạo một tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo – và được cho là có một chiếc khác hiện đại hơn đang được triển khai. Điều này không dễ để thực hiện.

Quá trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng đã bị chậm lại do áp lực từ bên ngoài – dẫn đầu là Mỹ, ngoài ra còn có Nhật Bản, các quốc gia phương Tây khác, thậm chí cả Liên Hợp Quốc và Trung Quốc (trên danh nghĩa). Tuy nhiên, công bằng mà nói, những áp lực như vậy diễn ra lẻ tẻ, thường là nửa vời và hiếm khi được thực thi một cách nghiêm túc.

Một ngoại lệ là vụ Banco Delta Asia vào giữa những năm 2000 khi Mỹ trừng phạt một ngân hàng có trụ sở tại Ma Cao vì ngân hàng này xử lý các giao dịch tài chính cho Triều Tiên. Lúc bấy giờ, người Mỹ tỏ ra khá nghiêm túc. Điều này đã thu hút sự chú ý của Bình Nhưỡng — và cả Bắc Kinh. Nhưng sau một cuộc chiến nội bộ khốc liệt, chính quyền Bush đã lùi bước – nới lỏng các lệnh trừng phạt và trả tiền lại cho Triều Tiên để đổi lấy một lời hứa về đàm phán. (Quý vị có ngạc nhiên không?!).

Điều quan trọng là, cái gọi là các biện pháp trừng phạt thứ cấp chưa bao giờ được áp đặt lên Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc là bên có thể kiềm chế Triều Tiên và các chương trình tên lửa cũng như hạt nhân của nước này. Bắc Kinh có thể đánh sập Bình Nhưỡng trong một sớm một chiều — bởi vì kinh tế Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bức ảnh này được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố qua KNS vào ngày 07/03/2017, cho thấy vụ phóng 4 tên lửa đạn đạo của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) trong một cuộc tập trận tại một địa điểm không được tiết lộ ở Triều Tiên. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Mục tiêu chính trị của Bình Nhưỡng là gì?

Không giống như những gì chế độ họ Kim khoe khoang. Triều Tiên chỉ là nền kinh tế của thế giới thứ ba, là một nhà tù quy mô quốc gia và không có đủ lương thực để nuôi sống người dân. Tuy vậy, tên lửa và vũ khí hạt nhân là thứ có thể khiến Triều Tiên được “tôn trọng”, như nhà độc tài Kim Jong Un đã nói. Hoặc, nếu không phải “tôn trọng”, thì chí ít cũng là “được chú ý”. Và có lẽ ông Kim Jong Un đã đúng.

Các lực lượng quân sự thông thường của Triều Tiên cũng là một mối đe dọa thực sự – mặc dù chủ yếu chỉ giới hạn ở Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, với tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân, chế độ họ Kim ít nhất cũng đã trở thành một người chơi trong khu vực; và một khi các loại vũ khí đó có thể tấn công đất liền của Mỹ, Triều Tiên sẽ trở thành một tay chơi “toàn cầu”.

Ông Kim cũng coi những vũ khí tiên tiến này là thứ để ngăn chặn một cuộc tấn công từ phía Mỹ, Hàn Quốc và có lẽ cả Nhật Bản. Đồng thời, hãy nhớ rằng ông Kim vẫn có ý định tiến hành một cuộc chiến để “chiếm” toàn bộ Bán đảo Triều Tiên khi cơ hội đến. Bằng cách nào đó loại bỏ lực lượng Mỹ ra khỏi Hàn Quốc, Bình Nhưỡng sẽ nghĩ rằng họ có cơ hội – đặc biệt là với tên lửa và vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí.

Tất nhiên, việc bắn tên lửa qua Nhật Bản lần đầu tiên sau 5 năm là một tuyên bố chính trị – đặc biệt là đối với Tokyo – nhưng đằng sau nó còn hàm chứa góc độ chiến lược sâu rộng hơn.

Bức ảnh không ghi ngày tháng này được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 16/09/2017, cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (ở giữa) đang thị sát một cuộc tập trận phóng tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung và tầm xa Hwasong-12 tại một địa điểm không được tiết lộ. Ông Kim tuyên bố sẽ hoàn thành các mục tiêu về vũ khí hạt nhân của nước mình bất chấp các lệnh trừng phạt. Ông cũng nói rằng mục tiêu cuối cùng của việc phát triển vũ khí là “cân bằng thực lực” với Hoa Kỳ, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin ngày 16/09/2017. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Cục diện lớn hơn

Sẽ rất hữu ích nếu coi các động thái của Triều Tiên là một phần của cục diện an ninh lớn hơn ở Đông Á. Bình Nhưỡng sẽ không làm — hoặc thậm chí không thể làm — những điều này nếu không có sự chấp thuận ngầm từ Bắc Kinh.

Bắc Kinh không ngại Triều Tiên bắn tên lửa và sau đó là vũ khí hạt nhân. Các động thái từ Triều Tiên sẽ khiến Mỹ và Nhật mất tập trung, khiến họ không thể dồn nhiều sức vào Đài Loan hoặc các hòn đảo ở phía nam Nhật Bản mà Trung Quốc đang thèm muốn.

Người Mỹ và người Nhật có nguồn lực hạn chế. Họ buộc phải dành một phần trong đó để đề phòng tên lửa của Triều Tiên (và có thể cả vũ khí hạt nhân) nhắm vào Nhật và các căn cứ của Mỹ ở nước này cũng như các căn cứ của Mỹ ở xa hơn nữa — hoặc để đối phó với một cuộc chiến (không hạt nhân) trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo sĩ quan Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu Brent Sadler, mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng từ phía Triều Tiên có khả năng tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị ở Nhật Bản, đòi hỏi các lực lượng Hải quân và Không quân ít ỏi của Nhật phải di chuyển “lên phía bắc” để xử lý các mối đe dọa từ Bắc Triều.

Trong vài năm qua, đặc biệt là vào năm ngoái, thế giới đã chứng kiến Trung Quốc và Nga tăng cường hoạt động hải quân và không quân — riêng lẻ hoặc cùng nhau — gần và xung quanh Nhật Bản, Bán đảo Triều Tiên và thậm chí cả Quần đảo Aleutian gần Alaska (Mỹ). Các hành động của Triều Tiên được coi là một phần của nỗ lực toàn diện nhằm đánh lạc hướng và đặt người Mỹ, người Nhật (và cả người Hàn Quốc) vào tình trạng bất lợi.

Đáng chú ý là, tất cả những điều kể trên đều liên quan mật thiết đến Đài Loan. Bất cứ khi nào Trung Quốc quyết định rằng họ cần một cuộc chiến bởi họ không thể tiếp tục chờ đợi Đài Loan [tỏ rõ thái độ], thì chúng ta có thể đoán trước rằng Triều Tiên sẽ “thực hiện một động thái” đòi hỏi sự chú ý nghiêm túc từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tổng thống Thái Anh Văn phát biểu trong khi kiểm tra việc huấn luyện lính dự bị tại một căn cứ quân sự ở Đào Viên, Đài Loan, ngày 12/3/2022. (Ảnh: Getty Images)

Một “điểm cộng” rất lớn khác cho các tính toán của Bắc Kinh là: hành động của Triều Tiên trong nhiều năm đã thuyết phục người Mỹ rằng họ phải dễ dãi với Trung Quốc vì họ cần sự hợp tác của Bắc Kinh để giải quyết vấn đề Bắc Triều.

[Mỹ] cần phải phản ứng trước việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông? Không thể làm điều đó. Mỹ cần sự giúp đỡ của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.

[Mỹ] cần trừng phạt Trung Quốc vì Bắc Kinh đã xuất khẩu fentanyl giết chết 100.000 người Mỹ mỗi năm? Không thể được. Mỹ cần Trung Quốc giúp đỡ về vấn đề Triều Tiên.

Quý vị hẳn đã hiểu câu chuyện.

Tôi đoán rằng Triều Tiên sẽ không bắn trúng bất kỳ bên nào bằng tên lửa hoặc bom hạt nhân cho đến khi Bắc Kinh gật đầu đồng ý. Và tôi cũng không nghĩ rằng Trung Quốc đã sẵn sàng cho điều đó. Nhưng có lẽ sẽ không còn lâu nữa. Hiện tại, Bắc Kinh (thông qua Bình Nhưỡng) chỉ đang gửi một thông điệp về những gì có thể xảy ra nếu Nhật Bản chĩa mũi dùi vào vấn đề Đài Loan và đối xử không “tốt” với Trung Quốc. Tất nhiên, thông điệp đó cũng dành cho người Mỹ.

Tác giả Grant Newsham là sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, đồng thời là cựu quan chức ngoại giao và nhà điều hành kinh doanh với nhiều năm làm việc tại khu vực châu Á/Thái Bình Dương. Ông cũng là Giám đốc của One Korea Network và là thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách An ninh và của Viện Yorktown tại Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới