Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChủ nghĩa cơ hội bùng phát khi ông Tập năm quyền

Chủ nghĩa cơ hội bùng phát khi ông Tập năm quyền

Ngay sau khi báo cáo của Đại hội 20 được công bố, quan chức các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dấy lên một “làn sóng thể hiện lòng trung thành”. Phân tích cho rằng, họ làm vậy chỉ vì bảo vệ mũ quan của mình.

Ông Tập Cận Bình vẫy tay với các đại biểu khi rời khỏi Đại lễ đường Nhân dân hôm 16/10/2022.

Vào ngày 16/10, ông Tập Cận Bình đã phát biểu báo cáo chính trị tại Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sau đó, rất nhiều kênh truyền thông chính thống Trung Quốc đã đăng bài báo cáo trên trang nhất.

Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận hàng đầu của ĐCSTQ – ngày 17/10 đưa tin, sau khi ông Tập phát biểu xong, đoàn đại biểu các địa phương đã chia nhóm và thảo luận về bài báo cáo này.

6 Ủy viên Ban Thường vụ ‘ủng hộ’ báo cáo của ông Tập
Các ông Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính đã cùng thảo luận với các đoàn đại biểu tham dự Đại hội 20. Họ bày tỏ “tán đồng”, “ủng hộ” báo cáo của ông Tập và “hai xác lập”.

“Hai xác lập” là khẩu hiệu chính trị do ông Tập đưa ra trong thời gian nắm quyền, đó là:

“Xác lập địa vị cốt lõi của đồng chí Tập Cận Bình trong trung ương đảng và toàn đảng”;
“Xác lập địa vị chủ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”.
Các Ủy viên Bộ Chính trị ‘trung thành’ với ông Tập
Tân Hoa Xã cũng cho biết, trong cuộc thảo luận nhóm, các quan chức thể hiện lòng trung thành với ông Tập còn có:

Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ (Cai Qi);
Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner);
Bí thư Thành ủy Thiên Tân Lý Hồng Trung (Li Hongzhong);
Bí thư Khu ủy Tây Tạng Vương Quân Chính (Wang Junzheng), v.v.
Thậm chí, nữ Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu Kham Di Cầm (Chen Yiqin), người được cho là có thể kế nhiệm bà Tôn Xuân Lan làm Phó Thủ tướng, còn nhấn mạnh rằng phải “trung thành, ủng hộ và bảo vệ cốt lõi [của đảng]”.

Sau phiên họp toàn thể năm 2016, ông Tập có thêm danh hiệu mới là “lãnh đạo cốt lõi của đảng”.

2 thượng tướng ĐCSTQ ‘kiên quyết nghe theo’ ông Tập
Ngày 16/10, hai Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) và Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị, cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với “hai xác lập” khi họ tham dự Đại hội 20 cùng phái đoàn quân sự.

Hai vị tướng trên nhấn mạnh rằng, “quán triệt chế độ Chủ tịch Quân ủy Trung ương là lãnh đạo, hết thảy hành động kiên quyết nghe theo sự chỉ huy của Chủ tịch Tập Cận Bình”.

Đại hội thể hiện lòng trung thành?
Ông Trần Duy Kiện (Chen Weijian), Tổng biên tập tờ Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), nói với The Epoch Times vào ngày 18/10 rằng, Đại hội 20 của ĐCSTQ thực sự là một đại hội thể hiện lòng trung thành.

Ông nói, những quan chức đó có thể không cam tâm tình nguyện, họ chỉ muốn bảo vệ địa vị và mũ quan của mình. Mặt khác, họ cũng không muốn con tàu ĐCSTQ bị chìm, họ không có khả năng chống lại ông Tập nên họ chọn cách nhất trí với ông ta, như vậy lợi ích của họ có thể được đảm bảo.

Ông Trần cho rằng, người cai trị các chế độ chuyên quyền không tin tưởng bất cứ ai. Ngay cả khi những người khác thực sự trung thành với họ, họ cũng không tin và luôn đề phòng. Do đó, trong tương lai khi ông Tập nắm quyền, chốn quan trường ĐCSTQ sẽ không yên bình và không ngừng loại bỏ nhau sau Đại hội 20.

Ông Đỗ Chính (Du Zheng), một cây viết tự do ở hải ngoại, đã đăng một bài bình luận trên tờ Up Media của Đài Loan vào ngày 19/10. Ông nói rằng, Đại hội 20 của ĐCSTQ đã được chuẩn bị trong gần một năm, hơn 2.000 đại biểu tham dự, là một cuộc họp đảng quy mô lớn, cũng có thể gọi là “đại hội hắc bang”; mức kinh phí cho hoạt động này là con số trên trời và do toàn dân gánh vác. Chỉ là ngoại giới và rất nhiều người Trung Quốc đã quen với điều này, thấy chuyện quái dị mà chẳng ngạc nhiên.

Bài viết cho rằng, ông Tập Cận Bình đã phô trương khả năng nắm quyền của ĐCSTQ tại lễ khai mạc Đại hội 20. Tại sao ĐCSTQ có thể phát động hết cuộc vận động này đến cuộc vận động khác sau khi thành lập chính quyền, ngày nay nó còn cưỡng chế thi hành Zero Covid? Tại sao trải qua hơn 70 năm cai trị độc ác, ĐCSTQ vẫn có thể ăn bám và đè đầu cưỡi cổ người dân? Nói cho cùng, một là ĐCSTQ quá tà ác, hai là có quá ít người thức tỉnh.

ĐCSTQ thường xuyên nhắc đến ‘sóng to gió lớn’
Nhà bình luận thời sự Chu Hiểu Huy (Zhou Xiaohui) viết rằng, báo cáo của ông Tập trước Đại hội 20 cũng cho thấy ông ấy không có lòng tin về sự an toàn của chế độ. “Sóng to gió lớn” là cụm từ thường xuyên xuất hiện trong hệ thống diễn ngôn của ĐCSTQ trong những năm gần đây.

Nó có thể ám chỉ môi trường hiểm ác trong nước và quốc tế cùng các cuộc khủng hoảng lớn khó tránh khỏi. Nó cũng có thể ám chỉ cuộc đấu tranh gay gắt và khốc liệt trong nội bộ đảng. Trước áp lực to lớn cả trong và ngoài, và từng đợt sóng gió bão bùng ập đến, ĐCSTQ vốn đã lung lay lại càng lâm nguy hơn. ĐCSTQ lo sợ rằng chế độ sẽ sụp đổ, đây là thông điệp lớn nhất được tiết lộ trong báo cáo của Đại hội 20.

Thời điểm ĐCSTQ sụp đổ phụ thuộc vào lực độ của “Tổng gia tốc sư” – danh xưng cư dân mạng đặt cho ông Tập – cũng tức là “người thúc đẩy chính” tăng tốc con tàu ĐCSTQ lao về vực thẳm.

Nhà hoạt động dân chủ, nhà bình luận Phó Thân Kỳ (Fu Shenqi) gần đây viết trên Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, nếu chế độ chuyên chế ĐCSTQ không thay đổi, bất kể ai nắm quyền cũng đều là bình mới rượu cũ, cùng lắm là khác biệt về màu sắc và thủ đoạn thống trị.

Theo ông Phó, bất kể ai nắm giữ chính quyền, họ đều không thể thoát khỏi số phận diệt vong của ĐCSTQ. Tập Cận Bình là người liên tục thúc đẩy các dự án dở dang như “Vành đai và Con đường”, “Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB)”, “Dự án 10 nghìn tỷ con chip”, và “Tân khu Hùng An (đặc khu kinh tế mới)”, nếu ông ta tiếp tục nhiệm kỳ ba, ĐCSTQ sẽ thất bại và diệt vong nhanh hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới