Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTư tưởng tả khuynh có phát triển lên “tầm cao mới”?

Tư tưởng tả khuynh có phát triển lên “tầm cao mới”?

Cuối cùng, sau rất nhiều đồn đoán, Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã kết thúc vào ngày 22/10. Ý chí của người đứng đầu Đảng, ông Tập Cận Bình đã chiến thắng.

Người dân Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến nhân sự, chứ không hẳn quan tâm đến đường lối của Đảng trong thời gian tới. Vấn đề thứ hai đáng tập trung chú ý là Điều lệ Đảng sẽ được sửa đổi như thế nào. Khi những tràng pháo tay kéo dài tung hô Tập Cận Bình tiếp tục tái cử nhiệm kỳ thứ ba, cũng là lúc hai câu hỏi nêu trên đã được trả lời, dẫu nó không gây bất kì sự bất ngờ nào.

Cụ thể, bảy gương mặt quyền lực nhất Trung Quốc đã được xướng tên vào buổi sáng 23/10 sau khi Đại hội bế mạc.  Dẫn đầu nhóm bảy người không ai khác chính là ông Tập Cận Bình, người sắp bước sang tuổi 70 và đã hai nhiệm kỳ ngồi chiếc ghế cao nhất ở Trung Nam Hải. Sáu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị còn lại là: Lý Cường, Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường và Lý Hi.

Bốn nhân vật Lý Cường, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường và Lý Hi là những nhân vật lần đầu  tham gia cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Trước đó, Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành trung ương khóa XX, gồm 205 ủy viên chính thức, 171 ủy viên dự khuyết và 133 ủy viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương. Trong số bảy thành viên Ban thường vụ Bộ Chính trị khóa XIX, có ba người được bầu vào Ban Chấp hành khóa mới, Đó là Tổng Bí thư Tập Cận Bình, Bí thư thứ nhất Ban Bí thư Vương Hỗ Ninh và Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Triệu Lạc Tế.

Đúng như đồn đoán trước đó, đương kim thủ tướng Lý Khắc Cường không có tên trong danh sách 205 thành viên Ban Chấp hành Trung ương. Điều đó có nghĩa là, ông chính thức rời ghế Thủ tướng vào tháng 3/2023. Trái lại, Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn tái cử Trung ương. Theo phán đoán của các nhà phân tích, trong nhiệm  kỳ qua ông Vương đã làm được nhiều việc, đặc biệt là khéo léo ứng xử trong mối quan hệ với Mỹ, Nga và thái độ cứng rắn với Đài Loan.

Một sự kiện gây ồn ào dư luận là trong lễ bế mạc Đại hội, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, người ngồi ngay bên tay trái Tập Cận Bình, đã bị áp tải ra khỏi Đại lễ đường Nhân dân trước. Ông ra khỏi hội trường vào thời điểm rất quan trọng – Đại hội  biểu quyết thông qua việc sửa đổi Điều lệ Đảng. Lý do ông Hồ bị điệu ra khỏi hội trường là do ông ốm mệt,  nhưng dư luận thì không ngớt đồn đại, rằng ông đã bị “diệt khẩu” vì những quan điểm trái ngược. Trước và trong thời gian diễn ra Đại hội tên tuổi Hồ Cẩm Đào bị kiểm duyệt gắt gao trên báo chí và các mạng internet tại Trung Quốc.

Thật ra thì cách đây 10 năm, khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, uy tín và vị thế của Hồ Cầm Đào đã tuột dốc thảm hại. Ở Trung Quốc, thứ tự xuất hiện của các quan chức là vấn đề được tính toán rất chi li vì nó cực kỳ nhạy cảm, nó cho thấy sự sa sút về quyền lực. Kể từ cuộc chuyển giao quyền lực vào tháng 10/2012, khi Tập Cận Bình ngồi ghế cao nhất trong Đảng, Nhà nước, trong các bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc cái tên Hồ Cẩm Đào được nêu sau các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị.

Về việc sửa đổi “Bộ luật gốc” của Đảng, Đại hội đã “nhất trí rất cao” thông qua hai điều khoản sửa đổi Điều lệ Đảng: một, dứt khoát chống đối Đài Loan độc lập; hai, công nhận vai trò “hạt nhân” của Tập Cận Bình.Toàn thể các đại biểu đã nhất trí đưa tư tưởng Tập Cận Bình về xã hội chủ nghĩa theo đường lối Trung Quốc vào văn bản này.

Trong Diễn văn bế mạc, ông Tập Cận Bình kêu gọi “Hãy dám đấu tranh đ giành lấy chiến thắng!”.

Việc ông Tập tái cử đã làm dấy lên những đợt sóng trong nội bộ Đảng. Các cán  bộ lão thành bất bình về điều chưa từng có tiền lệ này, cho rằng, đây là cánh cửa rộng mở  cho Tập làm “Vua suốt đời”- điều trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng từ trước tới nay.

Nhiệm kỳ Đại hội XIX, chính quyền Tập Cận Bình đã toàn diện tả khuynh, có xu hướng quay trở về thời Cách mạng văn hóa. Bắc Kinh gây áp lực và kiểm soát chặt chẽ về mặt chính trị, kinh tế, tư tưởng, chẳng hạn như sử dụng “ngoại giao chiến lang”, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự tốn kém, kiểm soát toàn diện Hong Kong, gây áp lực cực hạn lên Đài Loan, đề cao sùng bái  cá nhân đối với ông Tập, áp dụng “chính sách Zero Covid” cực đoan, v.v..

Nay Tập Cận Bình đã ngồi vững ở ngôi số một Trung Nam Hải, liệu tư tưởng tả khuynh có phát triển lên “tầm cao mới”?

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới