Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mới4 kịch bản dự đoán diễn biến cuộc xung đột Nga –...

4 kịch bản dự đoán diễn biến cuộc xung đột Nga – Ukraine

Bước sang một giai đoạn mới, cuộc xung đột ở Ukraine liệu sẽ diễn biến như thế nào? Dưới đây là dự đoán của giới quan sát về 4 kịch bản có thể xảy ra.

Quân đội Ukraine ở khu vực Kharkiv. Ảnh: AFP

Sau gần 1 năm nổ ra, cuộc xung đột ở Ukraine không có dấu hiệu sớm kết thúc. Từ những ngày đầu Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine phản kháng mạnh mẽ cho tới khi Moscow dần kiểm soát Donbass và Ukraine tiến hành các chiến dịch phản công ở Đông Bắc và phía Nam, tuyên bố giành lại nhiều vùng lãnh thổ; hay mới đây là việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, cuộc xung đột này đã chứng kiến nhiều diễn biến và bước ngoặt bất ngờ.

Sau nhiều tháng giao tranh, quân đội Nga và Ukraine đều đã hao hụt lực lượng. Cuộc xung đột kéo dài khiến hai bên đều tổn thất mặc dù Ukraine nhận được hỗ trợ từ phương Tây và Nga đã ra lệnh động viên một phần huy động 300.000 lính dự bị động viên. Với việc mùa đông đang đến gần, giới quan sát cho rằng giao tranh sẽ tạm dừng từ tháng 11 cho tới khoảng tháng 3. Hai bên có thể sẽ nỗ lực hết sức để đạt được thành quả tối đa hoặc thậm chí đưa cuộc xung đột đến hồi kết trước thời điểm đó. Dù vậy, điều này dường như sẽ rất khó khăn. Cuộc xung đột ở Ukraine sẽ là một cuộc giao tranh kéo dài và khó có thể dự đoán thời điểm hoặc thậm chí cách thức cuộc xung đột này đi đến hồi kết.

Tuy nhiên, giới quan sát đã đưa ra một vài dự đoán về các kịch bản có thể xảy ra trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Kịch bản 1: Nga tiến hành chiến dịch mới để đạt được các mục tiêu quân sự

Sau nhiều tháng giao tranh, Nga đã kiểm soát được phần lớn Donbass và khu vực phía Nam Ukraine, trong đó bao gồm hầu hết Lugansk, Donetsk và gần như toàn bộ khu vực dọc bờ Biển Azov. Mặc dù Ukraine tiến hành chiến dịch phản công và tuyên bố giành lại một số vùng lãnh thổ nhưng Nga vẫn kiểm soát 15% lãnh thổ Ukraine – những khu vực mà Moscow đã sáp nhập sau các cuộc trưng cầu ý dân.

Tuy các nguồn lực của Nga bị tiêu hao nhưng Moscow vẫn là một lực lượng mạnh. Moscow đủ khả năng để giành lại các khu vực bị mất ở Donbass và quay lại tiến công theo hướng Kharkiv ở phía Đông Bắc. Nga cũng có thể tiến quân về phía Nam theo hướng Odesa – một cảng quan trọng trên Biển Đen mà Ukraine hiện vẫn kiểm soát. Việc giành được cảng biển này sẽ chặn mọi con đường hướng ra biển của Ukraine và giúp Nga phát triển chiến dịch xa hơn về phía Tây theo hướng Moldova. Tại đây, Moscow có thể giành quyền kiểm soát khu vực Transnistria nói tiếng Nga giống như cách họ từng kiểm soát Donbass. Nếu thành công, Nga sẽ đạt được mục tiêu ban đầu của mình là kiểm soát một vùng đất trải dài 200km từ Kharkiv tới Odessa, ngăn chặn hoàn toàn Ukraine tiếp cận biển và phải phụ thuộc hoàn toàn vào Nga đối với các hoạt động thương mại trong tương lai.

Ngoài ra, Nga có thể tiến hành một chiến dịch tấn công mới theo hướng Kiev từ Belarus. Ngay cả khi không hoàn toàn thành công, Nga vẫn có thể buộc Ukraine chuyển hướng chiến dịch của họ khỏi phía Đông và phía Nam, giúp Moscow tiếp tục củng cố quyền kiểm soát tại các khu vực này và đẩy Ukraine vào thế phòng thủ. Giới quan sát cho rằng khả năng Nga tiến hành chiến dịch tấn công mới tương đối cao, song khó có thể dự đoán những thành quả mà Moscow sẽ đạt được hay khung thời gian chiến dịch được thực hiện.

Kịch bản 2: Ukraine phản công thành công, đẩy lùi Nga khỏi lãnh thổ

Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công trong mùa hè vừa qua và tuyên bố giành được thành quả đáng kể ở phía Đông và phía Nam. Với nguồn cung vũ khí từ phương Tây và ý chí chiến đấu dâng cao, Ukraine có thể sẽ tiếp tục tiến công để giành lại các thành phố như Kherson, Melitopol, Zaporizhzhia và Mariupol. Một số nhà quan sát cho rằng, theo kịch bản này, Ukraine có thể đẩy lùi các lực lượng của Nga về Bán đảo Crimea song không thể đánh bật Moscow khỏi khu vực này.

Hiện nay, Ukraine đang tiếp tục đà tiến công nhằm giành lại các khu vực đã mất ở Donbass. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, chiến dịch của Ukraine sẽ diễn ra chậm và khó khăn bởi các lực lượng của Nga tại đây được trang bị các vũ khí hiện đại. Kiev có thể sẽ tiếp tục cuộc xung đột tiêu hao nhằm vào các vị trí và tuyến hậu cần của Nga bằng cách tiến hành các cuộc không kích tầm xa.

Nếu Ukraine đạt được thành quả mang tính quyết định ở phía Nam và phía Đông, các lực lượng của Kiev thậm chí có thể tiến về phía biên giới Nga. Khi đó, các căn cứ của Nga ở Smolensk và Belgorod sẽ nằm trong tầm bắn của Ukraine.

Trong kịch bản Ukraine giành được lợi thế, giới quan sát cho rằng Ukraine sẽ tiến hành một thỏa thuận hòa bình với Nga mà theo đó Moscow sẽ rút khỏi biên giới Ukraine song có thể vẫn đóng quân tại Crimea. Đổi lại, Ukraine sẽ từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO và trì hoãn ý định gia nhập EU để tiến tới thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh.

Tuy nhiên, trong một viễn cảnh khác, giới quan sát cho rằng nếu lợi thế nghiêng về phía Ukraine, Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để đảo ngược tình thế và điều này sẽ thay đổi toàn bộ cục diện cuộc xung đột.

Dù vậy, trên thực tế, khả năng Ukraine giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bị mất dường như khó có thể xảy ra. Bất chấp việc được phương Tây cung cấp vũ khí để duy trì chiến đấu, lực lượng của Ukraine đã hao hụt đáng kể sau nhiều tháng xung đột. Trong khi đó, Nga tăng cường các phòng tuyến và pháo đài dọc các khu vực trên, khiến cho đối phương rất khó để vượt qua.

Kịch bản 3: Xung đột ở Ukraine trở thành cuộc xung đột đóng băng kéo dài

Theo kịch bản này, cả Nga và Ukraine đều không thể đạt được bước tiến đáng kể để thay đổi tình hình. Mặc dù Ukraine tuyên bố phản công thành công và đẩy lùi các lượng của Nga khỏi một số khu vực nhưng Moscow vẫn kiểm soát phòng tuyến dọc sông Seversky Donetsk ở phía Đông, cùng với sông Dnipro và Dnieper ở phía Nam. Họ có những vị trí phòng thủ tốt và có thể kiểm soát lâu dài những khu vực này. Ở bờ Tây của các con sông trên, Ukraine cũng củng cố các vị trí phòng thủ để ngăn cản Nga tiến công sâu hơn theo hướng Đông hoặc hướng Nam. Tình thế này có thể khiến hai bên tiếp tục các cuộc giao tranh cường độ thấp kéo dài.

Tình thế này cũng từng diễn ra ở Donbass từ năm 2014. Phe ly khai và quân đội Ukraine đã kiểm soát các vị trí phòng thủ ở hai phía dọc một giới tuyến. Các cuộc giao tranh cường độ thấp, không kích và pháo kích diễn ra trong suốt 8 năm qua nhưng đường giới tuyến này gần như không thay đổi.

Một đường giới tuyến tương tự có thể sẽ được thiết lập dọc ranh giới các vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập. Do Ukraine không thừa nhận những vùng lãnh thổ trên thuộc Nga nên giao tranh sẽ tiếp diễn, song tình hình không có nhiều thay đổi. Giới tuyến này sẽ trở thành ranh giới phân chia không chỉ giữa Nga với Ukraine mà còn giữa Nga với phần còn lại của châu Âu.

Kịch bản 4: Xung đột Nga – NATO

Ukraine muốn gia nhập NATO nhưng điều này khó có thể xảy ra trong tương lai gần bởi nó có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO. Cả Nga và NATO đều không muốn chiến tranh xảy ra nhưng những diễn biến khó lường ở Ukraine có thể vô tình dẫn đến một cuộc xung đột ở châu Âu hoặc thậm chí một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Ngày 20/10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, Washington đã vượt tất cả lằn ranh đỏ mà Nga vạch ra. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Moscow sẽ sử dụng mọi phương tiện sẵn có, bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ và người dân Nga.

Nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, dù là vũ khí chiến thuật đương lượng thấp thì điều đó có thể kéo NATO vào cuộc xung đột và có nguy cơ làm bùng nổ Thế chiến III. Ngoài ra, một cuộc tấn công không chủ đích của Nga vào một nước NATO cũng có thể dẫn đến rủi ro này. Chẳng hạn, nếu các tên lửa Nga không kích vào Lviv – nơi cách Ba Lan chỉ 20 km, rơi xuống lãnh thổ nước này, điều đó có thể được coi là cuộc tấn công vào thành viên NATO và kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể.

Bên cạnh đó, với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, bất kỳ cuộc đối đầu vô tình nào xảy ra trên Biển Baltic đều có thể kích hoạt nguyên tắc trên. Trong bối cảnh cục diện chiến trường thay đổi liên tục, một sự kiện nhỏ cũng có thể nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát. Sự can thiệp của NATO vào xung đột ở Ukraine có thể khiến tình hình leo thang nguy hiểm và có lẽ không còn điểm quay đầu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới