Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhông làm rõ điểm nghẽn, doanh nghiệp sẽ còn khó

Không làm rõ điểm nghẽn, doanh nghiệp sẽ còn khó

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án đã và đang hoạt động, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc đã thấy rõ để giải phóng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Phiên thảo luận tại Tổ 15 của các đại biểu Quốc hội sáng 22/10/2022

Nhiều đại biểu nhấn mạnh nội dung này trong phiên thảo luận tại tổ đầu tiên của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Doanh nghiệp lo khó duy trì liên tục

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu tỉnh Thái Bình là người đầu tiên phát biểu của Tổ 15.

“Tôi đã đóng góp vào báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, nhưng vẫn muốn phát biểu thêm, vì đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động rất lớn tới năm 2023 và những năm tiếp theo”, ông Hiếu bắt đầu phần phát biểu.

Sự sốt ruột của ông Hiếu nằm ở cả những thông tin từ bên ngoài và những chuyển động bên trong của nền kinh tế.

“Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, trao đổi với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ lo ngại về khả năng hoạt động liên tục, do khó tiếp cận vốn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tính liên tục trong hoạt động sản xuất – kinh doanh thực sự quan trọng, có ý nghĩa sống còn tới không chỉ một vài doanh nghiệp, mà với cả chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, tình hình này đang đối mặt với khá nhiều thách thức, có thể thấy ngay trong số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê với các doanh nghiệp. Về khối lượng sản xuất, trong quý IV/2022, có 46,8% doanh nghiệp dự báo tăng so với quý III; 36,2% số doanh nghiệp dự báo ổn định; nhưng có tới 17% số doanh nghiệp dự báo giảm. Đặc biệt, về đơn hàng, có 17,5% số doanh nghiệp lo ngại đơn hàng quý IV sẽ giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại đơn hàng xuất khẩu giảm cũng khoảng 18%.

Song, ông Hiếu lo ngại hơn cả là con số 12.500 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong một tháng, tính bình quân trong 9 tháng đầu năm 2022.

“Tôi đã đọc trong báo cáo của Chính phủ, có thấy nói hoạt động sản xuất – kinh doanh tuy đã phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, áp lực về giá cả, chi phí đầu vào… Tôi thống nhất đánh giá này, nhưng muốn phân tích rõ hơn, sâu hơn khó khăn của từng ngành, lĩnh vực thì mới có giải pháp phù hợp. Chúng ta phải thấy rõ vì sao tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn rất lớn, dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nền kinh tế đang vào giai đoạn phục hồi, có phải chỉ là sự sàng lọc của thị trường, những doanh nghiệp yếu kém phải ra đi không?”, ông Hiếu nói.

Chia sẻ góc nhìn này, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhắc đến tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2% rất thấp.

“Trước kỳ họp này, chúng tôi cũng có cuộc làm việc với các doanh nghiệp về thực hiện Nghị quyết 43, thấy thực tế doanh nghiệp Quảng Trị hầu như không tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Lý do thì nhiều, gồm cả vấn đề sổ sách của doanh nghiệp chưa chuẩn chỉ, ngân hàng ngại cho vay, nhưng còn cả lý do cách hiểu của ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan giám sát, kiểm tra về nhiều nội dung chưa thống nhất, nên không ai muốn làm vì sợ”, ông Thắng thẳng thắn gửi thông tin.

Vấn đề là, nếu không phân tích, mổ xẻ các nguyên nhân để có giải pháp, thì không chỉ nguồn vốn 40.000 tỷ đồng mà ngân sách đã dành cho gói chính sách này không thể đi vào thực tế, ảnh hưởng hiệu quả của chính sách mà Quốc hội đã bàn thảo và kỳ vọng, mà còn thu hẹp cơ hội của nhiều doanh nghiệp đáng ra có thêm nguồn vốn đề tiếp tục các kế hoạch đầu tư – kinh doanh, duy trì tính liên tục của các hoạt động sản xuất mà nền kinh tế đang cần.

“Nếu không làm rõ điểm nghẽn để tháo gỡ, thì phần vốn dành cho năm 2023 sẽ vẫn khó”, ông Thắng lo ngại.

Cần bình tĩnh nhìn nhận các số liệu khả quan

Có một số điểm chung trong các ý kiến của đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ cuối tuần trước về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, đó là kết quả của 9 tháng đầu năm 2022 thực sự đáng kể, đáng mừng, nhưng thách thức là vô cùng lớn và không thể quá lạc quan.

“Chúng ta cần bình tĩnh trước các con số đạt được, nhất là tốc độ tăng trưởng khá cao, nhưng phải thấy rõ là trên nền rất thấp của cùng kỳ năm ngoái. Vấn đề cần quan tâm lúc này là chất lượng của tăng trưởng, chất lượng của phục hồi của nền kinh tế đang khát vốn, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.

Các đại biểu cũng xác định, năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2015, nếu không giữ được tốc độ tăng trưởng đang trong đà phục hồi, tranh thủ dư địa chính sách điều hành, cơ hội đang nổi lên, thì sẽ rất khó đạt được mục tiêu.

Đây cũng là những vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đậm khi tham gia thảo luận phiên thảo luận tại tổ đầu tiên của kỳ họp này.

“Nền kinh tế mới lấy lại đà tăng trưởng, chứ chưa trở lại mức tăng trưởng bình thường, nên đúng là không thể lạc quan quá mức, dù rất phấn khởi. Khó khăn của doanh nghiệp cũng rất rõ ràng, không chỉ là tiếp cận vốn, mà còn cả tiếp cận đất đai, có tiếp cận đất đai thì giải phóng mặt bằng cũng rất khó khăn. Những chậm trễ trong giải ngân đầu tư công cũng có lý do rất lớn từ ách tắc trong giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Bộ trưởng đồng tình với những lo ngại từ nhiều đại biểu về các khó khăn đang nổi lên từ môi trường kinh doanh, đầu tư.

“Gần đây, có tình trạng sợ sai ở nhiều địa phương, nên không chỉ khó khăn cho các dự án mới, quyết định đầu tư mới, mà còn khó cho cả các dự án đã được cấp phép, đang được triển khai. Các nguồn lực không được khai thông là vì vậy”, Bộ trưởng Dũng nói.

Tham gia thảo luận tại Tổ 15, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã nhắc đến những dự báo suy giảm của kinh tế thế giới đang tác động rất lớn tới kinh tế Việt Nam.

“Mục tiêu của chúng ta vẫn phải đảm bảo kiềng 3 chân, là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân. Từ Trưng ương đến địa phương đều phải lo 3 chân kiềng này”, Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đã điểm rất kỹ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Đó là cần kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt và chú trọng hơn đến việc hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên nền kinh tế, đồng thời thận trọng với rủi ro lạm phát; nghiên cứu việc thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ và các động lực chính sách giúp kiểm soát lạm phát.

Trong bối cảnh hiện nay, cần điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, chú trọng hơn đến cơ cấu và chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.

Liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại, Ủy ban Kinh tế đang đề nghị xem xét việc mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay ngắn hạn bằng ngoại tệ.

Theo Ủy ban Kinh tế, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu; nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế mà không thực hiện miễn giảm thuế, nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp, không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí doanh thu như năm 2020, năm 2021; rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp

Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án đã và đang hoạt động, tháo gỡ dứt điểm các khó khăn thì mới giải phóng được nguồn lực cho đầu tư phát triển.

“Trong kết quả tăng trưởng kinh tế – xã hội 2 năm qua, cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, còn có nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp. Tôi muốn nhắc ý này và muốn báo cáo của Chính phủ ghi đậm nét hơn, để từ đó có giải pháp trúng và kịp thời cho năm tới và các năm tiếp theo”, ông Hiếu đề xuất.

Khi đi gặp các doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy tình hình khó khăn ở hầu khắp các ngành, lĩnh vực. Khó khăn số 1 là tiếp cận vốn để duy trì sản xuất – kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp kêu rằng, nếu khó tiếp cận vốn như hiện nay thì họ có thể bị phá sản. Đề nghị Chính phủ phải xác định rõ tình hình, đánh giá sâu từng ngành, lĩnh vực để có giải pháp phù hợp, kịp thời. Quan trọng nhất là phải đảm bảo cho sản xuất ổn định.

Về giải ngân đầu tư công, các tồn tại vẫn là những vấn đề mà các kỳ họp Quốc hội đều đã bàn tới, nhưng vẫn chậm khắc phục, có thể nhắc đến tồn tại trong chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, phân bổ nguồn vốn… Tình hình này tiếp tục ảnh hưởng rất lớn tới các kế hoạch phát triển kinh tế, cần đánh giá rất rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là những người đúng đầu, không thể giao vốn đầu năm rồi cuối năm trả lại được. Vì cũng là quy trình, thủ tục đó tại sao có địa phương, bộ, ngành giải ngân trên 80%, có nơi chỉ 20%, có nơi trả lại vốn…
Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa)

Tình hình kinh tế nhiều thông tin phấn khởi, đang có thêm nhiều dự báo tích cực. Tuy nhiên, phải nhắc đến những điểm chưa làm được.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% mà doanh nghiệp mong chờ khi được ban hành mới giải ngân được 0,08% là quá thấp. Tôi chưa nhìn thấy rõ nguyên nhân trong báo cáo của Chính phủ cũng như cả trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Rất mong Chính phủ có lý giải cụ thể, chi tiết, nếu giải ngân được thì tốc độ tăng trưởng sẽ tăng cao hơn.

Giải phóng mặt bằng chậm, nói rất nhiều mà không thay đổi, nguyên nhân là không có báo cáo đánh giá tác động và phương án tái định cư ngay từ đầu.

Hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo đều đang gặp khó khăn, nếu là chỗ dựa cho năm 2023 thì sẽ là thách thức lớn, khi mà kinh tế thế giới năm 2023 đang có nhiều dự báo suy thoái.

Đây là các vấn đề cần được phân tích rất cụ thể để có giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương)

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới