Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiUSD tăng kịch trần, mập mờ mua bán trái phiếu doanh nghiệp

USD tăng kịch trần, mập mờ mua bán trái phiếu doanh nghiệp

USD tăng kịch trần sau động thái nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng nhà nước, việc mập mờ chào bán trái phiếu doanh nghiệp vẫn diễn ra, sở hữu chéo ngân hàng vẫn phức tạp… là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là nhằm cân bằng cung cầu thị trường trong bối cảnh áp lực với tỷ giá tăng mạnh.

Sáng 17/10 ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Bên cạnh đó, tỷ giá trung tâm sáng nay cũng tăng 45 đồng/USD so với phiên trước đó, lên mức 23.586 đồng/USD.

Với sự điều chỉnh cả tỷ giá trung tâm lẫn biên độ điều chỉnh tỷ giá, trên thị trường sáng nay, giá USD bán ra nhiều ngân hàng được nâng lên mức 24.500 đồng/USD, giá bán USD trên thị trường tự do vượt 24.500 đồng/USD. So với đầu năm, tỷ giá USD trên thị trường đã tăng 7%.

Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho hay, có 2 lý do khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh biên độ tỷ giá đồng thời nâng tỷ giá trung tâm.

Thứ nhất, USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%, Trung Quốc – quốc gia có mức độ mất giá nội tệ thấp nhất cũng mất giá khoảng 8%.

Việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. Bên cạnh giải pháp tăng lãi suất điều hành như Ngân hàng Nhà nước đã làm, việc phối hợp các chính sách khác, trong đó có chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoán để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết.

Hơn nữa, biên độ biến động tỷ giá +/-3% đã có từ năm 2015 và cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Thứ hai, nguyên nhân nữa khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh biên độ tỷ giá còn có thể là do sức ép từ cán cân vãng lai. Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạn thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm).

Với các sức ép về tỷ giá lớn như vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái.

Thủ tướng đã chỉ đạo phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt chính sách để bình ổn thị trường như: Bán hối phiếu Ngân hàng Nhà nước, sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, mua bán ngoại tệ, tăng lãi suất…

Tuy vậy, trong tất cả các giải pháp, TS. Nghĩa cho rằng, biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát cung tiền. Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tất cả các giải pháp. Còn duy nhất công cụ chưa áp dụng là tăng dự trữ bắt buộc do lo ngại ảnh hưởng đến vốn khả dụng cho vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng nên cũng không cần tăng dự trữ bắt buộc vì sẽ hạn chế nguồn cho vay của các ngân hàng.

Tỷ giá giữa muôn trùng vây và tảng băng chìm lãi suất

Ngoài sức ép tăng giá của đồng bạc xanh, tỷ giá tăng mạnh còn nhằm đối phó với tình hình trong nước, đáng chú ý nhất là cơn khát thanh khoản kéo theo nguy cơ lãi suất luôn chực chờ bật cao thêm nữa.

Đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay từ mức +-3% lên mốc +- 5%, đồng thời tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm. Ngay lập tức, giá bán USD trên thị trường chạm mốc 24.500 đồng/USD, tăng 7% so với đầu năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nguyên nhân khiến NHNN phải điều chỉnh tỷ giá là do USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua, các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh lên tới 30-40% so với USD (yên Nhật, euro, bảng Anh…). Bên cạnh đó, cán cân vãng lai đang chịu sức ép lớn do cán cân dịch vụ thâm hụt lớn, cán cân tài chính đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp có biểu hiện rút ra). Trong bối cảnh này, điều chỉnh tỷ giá hối đoái để cân bằng cung cầu là cần thiết.

Mặc dù NHNN đã rất nỗ lực trong giữ bình ổn tỷ giá suốt 9 tháng đầu năm, song những tuần gần đây, tỷ giá trên thị trường liên tục tăng kịch trần trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục bị rút ra. USD ngày càng trở nên khan hiếm, trong khi cầu ngoại tệ có thể sẽ tăng mạnh cuối năm. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối cũng giảm đáng kể sau một thời gian NHNN bán ra can thiệp thị trường.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, so với các quốc gia khác, tiền đồng vẫn trong nhóm ít mất giá nhất so với USD. Việc nới biên độ tỷ giá sẽ giúp các ngân hàng thương mại linh hoạt hơn trong mua bán ngoại tệ, không bị rơi vào tình trạng “lách luật”. Đồng thời, nới biên độ tỷ giá khiến người dân giảm mua vào, tăng bán ra, giúp thanh khoản ngoại tệ ngân hàng dồi dào hơn.

“Quan trọng nhất là nâng biên độ tỷ giá giao ngay sẽ giúp mua bán USD thuận lợi hơn, làm triệt tiêu nguy cơ đầu cơ. Bởi nếu giữ nguyên biên độ hiện tại thì chênh lệch giá USD chợ đen và USD chính thức tăng cao, khiến tình trạng đầu cơ ngoại tệ phát sinh”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế lại cho rằng, trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá, lạm phát rất lớn như hiện nay, thì việc NHNN nới biến độ tỷ giá là cần thiết. Đây cũng là cách để một phần giảm áp lực với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và góp phần cho chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn.

“Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác, cũng như trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất”, TS. Võ Trí Thành nhận định.

Trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng biện pháp như: sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay… Việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, giúp cân bằng được tất cả các chiều cạnh để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế.

Việc tỷ giá tăng tới 7% từ đầu năm đến nay nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, ngay cả các dự báo bi quan nhất. Giới chuyên gia nhận định, áp lực với tỷ giá sẽ còn tăng nếu Fed vẫn tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, dự kiến kéo dài đến tận năm 2023.

Tỷ giá tăng mạnh đương nhiên sẽ tác động nhiều chiều đến tình hình kinh tế trong nước, bao gồm cả nhập khẩu, xuất khẩu, lạm phát, lãi suất, vay nợ nước ngoài, vốn đầu tư gián tiếp, thị trường chứng khoán…

Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, về nguyên tắc, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và thiệt hại cho doanh nghiệp nhập khẩu, cũng như các doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, xét về tổng thể, chính sách tỷ giá vừa qua được NHNN điều hành mềm dẻo, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, hỗ trợ tích cực cho chính sách lãi suất hiện nay.

Riêng với doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn ngoại tệ lớn, TS. Ánh cho rằng, mức độ tác động là rất lớn, bởi USD mạnh lên sẽ kéo chi phí lãi vay lẫn giá trị nợ gốc đều tăng khi quy ra tiền đồng, nhất là với các doanh nghiệp vay với lãi suất thả nổi. Tình trạng này chỉ có thể kết thúc khi Fed sẽ chuyển từ trạng thái “thắt chặt chính sách tiền tệ” sang “bình thường hóa chính sách”.

Không phủ nhận việc VND mất giá hơn trước sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, nhất là lạm phát, lãi suất, TS. Võ Trí Thành cho rằng, VND mất giá quá nhiều sẽ chuyển một phần vào chỉ số giá, đẩy lạm phát và lãi suất đi lên. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt, cũng rất khó cạnh tranh. Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam dựa rất lớn vào nhập khẩu, nên nếu VND mất giá nhiều, thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Đó là chưa kể vấn đề nợ quốc gia…

Thế nhưng, mức độ nới biên độ tỷ giá như hiện nay, theo TS. Thành, đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh (lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền đồng, USD…). “Cách của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu, mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát”, TS. Võ Trí Thành bình luận.

Ngoài áp lực tăng giá của đồng bạc xanh và lộ trình tăng lãi suất của Fed, nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN phải nới biên độ tỷ giá và tăng tỷ giá trung tâm một phần còn để đối phó với áp lực lãi suất.

Từ cuối tháng 9/2022 tới nay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường liên tục tăng phi mã. Lãi suất kỳ hạn cao nhất trên thị trường đã vượt 9%/năm. Nguồn gốc là thanh khoản hệ thống không còn dồi dào, cung tiền ít đi, một lượng lớn giấy tờ có giá đến kỳ đáo hạn, xu hướng đảo ngược của dòng vốn ngoại, lượng tiền lớn bị “kẹp” trong chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu. Việc tăng tỷ giá sẽ kìm hãm bớt đà tăng của lãi suất.

“Nếu không có sự điều chỉnh tỷ giá hối đoái, lãi suất hiện nay có thể phải tăng cao hơn nữa và như vậy cộng đồng doanh nghiệp trong nước sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì gánh nặng lãi suất, chi phí tăng cao”, TS. Vũ Đình Ánh nhận xét.

Mặc dù mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn thời điểm trước dịch bệnh, song trong bối cảnh sức chống chịu của doanh nghiệp giảm đi, lãi suất tăng thêm sẽ khiến doanh nghiệp khó phục hồi. Chưa kể, hiện nay, hầu như các kênh huy động vốn chính thức đều rất khó khăn: ngân hàng cạn room, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng khi thông tin tiêu cực ngày càng gia tăng.

Chính vì vậy, bên cạnh điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục linh hoạt, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng có giải pháp để giải tỏa thanh khoản cho thị trường trong khi chờ đợi ngân hàng thương mại được cấp thêm room tín dụng (năm 2023), doanh nghiệp mạnh dạn phát hành trái phiếu trở lại.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chỉ số cung tiền (M2) giảm mạnh 2 quý gần đây, có thể thấy, dòng tiền lưu thông trên thị trường đang bị chậm lại. Để gỡ khó cho thanh khoản, khai thông dòng vốn, cần phải lấy lại niềm tin cho thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

USD kịch trần, NHNN TP.HCM yêu cầu tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ

ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản gửi các ngân hàng trên địa bàn yêu cầu tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ, nhằm kiểm soát hoạt động của các đại lý chi trả ngoại tệ, để bảo đảm các đại lý hoạt động đúng quy định pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm phát sinh.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, việc điều chỉnh biên độ tỉ giá giao ngay từ 3% lên 5% nhằm phù hợp xu hướng khách quan từ các yếu tố tác động của thị trường tài chính quốc tế, đảm bảo quan hệ cung cầu ngoại tệ, để ổn định thị trường và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ: giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong thời gian vừa qua, NHNN đã điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá.

Trong đó, việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức + 3% lên mức + 5%, có hiệu lực kể từ ngày 17/10/2022, nhằm phù hợp xu hướng khách quan từ các yếu tố tác động của thị trường tài chính quốc tế. Đồng thời đảm bảo quan hệ cung cầu ngoại tệ, để ổn định thị trường và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Giải pháp này là hợp lý và phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Tuy nhiên, ông Lệnh cho rằng, để phát huy hiệu quả của chính sách và các công cụ điều hành chính sách, ở góc độ quản lý ngoại hối, NHNN TP.HCM yêu cầu các Tổ chức tín dụng (TCTD), Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ.

Các ngân hàng tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng ngân hàng nói chung và các chính sách về quản lý ngoại hối nói riêng của NHNNVN trên địa bàn Thành phố. Đảm bảo hoạt động ngoại hối tuân thủ đúng quy định, thực hiện trách nhiệm nhiệm vụ của TCTD, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài được phép.

Tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm các quy định về thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, vừa đảm bảo đúng quy định, vừa đảm an toàn và hạn chế rủi ro liên quan, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới.

Trong quá trình này tiếp tục thực hiện tốt việc kinh doanh mua, bán ngoại tệ phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối; niêm yết tỷ giá công khai minh bạch và phù hợp với biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND.

Các ngân hàng thực hiện trách nhiệm theo quy định của Thống đốc NHNN đối với tổ chức ủy quyền cho tổ chức làm đại lý thu đổi ngoại tệ; chi, trả ngoại tệ tạiQuyết định số 21/2008/QĐ-NHNN ngày 11/7/2008 của Thống đốc NHNN ban hành Quy chế Đại lý đổi ngoại tệ, Thông tư số 34/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2015 của NHNN hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệvà các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các đại lý chi, trả ngoại tệ; thu đổi ngoại tệ, để đảm bảo các đại lý hoạt động hiệu quả, đúng quy định pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm phát sinh trong hoạt động này.

Ngân hàng phải thường xuyên thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khách hàng và các đại lý của TCTD nắm bắt chính sách, các quy định của NHNN về hoạt động ngoại hối nhằm hạn chế vi phạm trong lĩnh vực này, hạn chế phát sinh liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức người dân trong việc mua bán và sử dụng ngoại tệ đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Việc mua bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và doanh nghiệp chỉ được thực hiện thông qua hoạt động ngoại hối của TCTD, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài được phép.

Đảm bảo hạn chế, phòng ngừa những sai phạm mua bán ngoại tệ tự do, không đúng quy định, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định thị trường ngoại hối trên địa bàn thành phố, cũng như phát huy vai trò chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN

Tại lễ công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao của GPBank mới đây, điều thu hút chú ý của thị trường là sự tham gia của đại diện lãnh đạo VietinBank và VPBank. Trong sự kiện này, ông Phạm Huy Thông đã được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) GPBank; ông Hồ Hữu Minh là thành viên HĐTV, kiêm Tổng giám đốc GPBank; ông Nguyễn Quang Trung là thành viên HĐTV GPBank; bà Nguyễn Thị Hương giữ chức vụ Phó tổng giám đốc GPBank.

Được biết, ông Phạm Huy Thông từng gắn bó với VietinBank nhiều năm, được điều động và bổ nhiệm làm thành viên HĐTV, kiêm Tổng giám đốc GPBank vào tháng 7/2015. Ông Hồ Hữu Minh cũng là một nhân sự cũ của VietinBank. Từ trường hợp của Vietcombank và CBBank trước đó, dư luận cho rằng, khả năng VietinBank sẽ tham gia tái cơ cấu GPBank.

Tuy nhiên, trong nhóm ngân hàng trình đại hội đồng cổ đông chương trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém năm nay, ngoài Vietcombank, MB và gần nhất là HDBank đã “nhắm” địa chỉ cụ thể, thì VietinBank không có chương trình này. Riêng VPBank đã được Đại hội đồng cổ đông 2022 thông qua kế hoạch tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng, phương án VPBank chính thức tham gia tái cơ cấu GPBank sẽ hợp lý hơn.

Theo yêu cầu của Chính phủ, NHNN đang đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Nếu GPBank cũng có bến đỗ mới, thì tất cả các tổ chức tín dụng yếu kém trong hệ thống đã hoàn tất bước khởi đầu mới theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025.

Trong khi đó, OceanBank được cho là sắp về với MB, nên Chủ tịch HĐTV – ông Đỗ Thanh Sơn vừa quay về VietinBank giữa tháng 10/2022. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022, MB đã thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng.

Trước đó, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022 của OceanBank, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB và ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban Điều hành, Giám đốc khối CIB của MB đều tham dự. Tại đây, lãnh đạo OceanBank cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là phối hợp với MB triển khai chương trình cho vay hợp vốn, nghiên cứu phát triển một số sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh…

Về giá chuyển nhượng, lãnh đạo MB khẳng định, mức giá nhận chuyển giao là 0 đồng, nhưng Ngân hàng phải xử lý lỗ lũy kế. Điều kiện MB đưa ra là ngân hàng chuyển giao bắt buộc có số lỗ lũy kế dưới 20.000 tỷ đồng. Theo tính toán của MB, Ngân hàng chỉ mất 7-8 năm là có thể xử lý hết số lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao. Sau đó, ngân hàng này sẽ được xử lý theo 3 phương án: sáp nhập MB để tăng quy mô tổng tài sản; bán cho nhà đầu tư khác hoặc IPO, thành lập một ngân hàng TMCP riêng.

Ngoài ra, HDBank nhận nhiệm vụ hỗ trợ Dong A Bank.

Việc Chính phủ Việt Nam có những chính sách như tư nhân hóa các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh, hay thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, thiếu vốn, không đủ đạt chuẩn chính là cơ hội để các tổ chức nước ngoài tham gia đầu tư. Theo PwC, bất chấp những trở ngại về kinh tế vĩ mô, năm 2022 sẽ là một năm sôi động đối với các giao dịch mua bán – sáp nhập (M&A) tại Việt Nam. Hoạt động M&A tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài.

HDBank đang được nhắc đến khi có thể được nới giới hạn room vốn ngoại lên 49% theo lộ trình của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Việc được chọn trở thành ngân hàng thí điểm sẽ là điểm sáng hỗ trợ giá của cổ phiếu, bởi việc nới giới hạn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.

Thực tế cho thấy, ngay những tháng đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A đình đám của ngành tài chính – ngân hàng. Trong đó, không thể không nhắc tới VPBank, với việc nhà băng này muốn bán 49% cổ phần FE Credit cho Ngân hàng SMBC (Nhật Bản). Đồng thời, VPBank đã nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,607% vốn điều lệ. Dù chưa tiết lộ thời gian hoàn thành kế hoạch bán vốn, nhưng đại diện Ngân hàng cho biết, sẽ sớm thực hiện trong 2022- 2023.

Trước đó, việc SMBC chấm dứt liên minh với Eximbank khiến thị trường đồn đoán nhà đầu tư này sẽ thoái 15% vốn tại Eximbank để mở đường rót vốn vào VPBank – nhất là khi mối quan hệ hai bên trở nên gắn bó sau thương vụ SMBC hoàn tất mua 49% cổ phần FE Credit.

Ngoài ra, một thương vụ M&A lớn khác có thể diễn ra thời gian tới là Vietcombank chào bán riêng lẻ 6,5% vốn. Nếu thương vụ thành công, Vietcombank sẽ thu về xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Đây là kế hoạch được ngân hàng này đặt ra từ lâu, nhưng chưa hoàn tất.

Giới phân tích tài chính cho rằng, xu thế chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ trong nền kinh tế, các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn dẫn tới sự cạnh tranh ngày càng cao. Điều này cũng ảnh hưởng và dẫn dắt xu thế M&A của các tổ chức trên thị trường tài chính, ngân hàng.

Song theo ông Yoshizawa Toshiki, thành viên HĐQT OCB, đại diện đối tác chiến lược Nhật Bản (Aozora), để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại tham gia các thương vụ M&A lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ Việt Nam nên xem xét nới room ngoại tại các ngân hàng trong nước. Điều này vừa giúp ngân hàng Việt tăng vốn, vừa giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam.

Thanh tra ngân hàng “ôm” nhiều trái phiếu doanh nghiệp, sở hữu chéo vẫn khó nhận diện

Thống đốc ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn và nghị quyết 632022/QH15 về kỳ họp thứ 3 Quốc hội thứ XV.

Trong đó, về vấn đề ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho hay: Sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ bản xử lý, khắc phục một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Cụ thể, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã được khắc phục. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn tại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp), đó là trường hợp ACB và Công ty cổ phần bất động sản Hòa Phát – Á Châu.

Việc xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định phát sinh trước khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực chủ yếu còn tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, phụ thuộc vào lộ trình xử lý theo đề án của các tập đoàn và chỉ đạo của các Bộ, ngành chủ quản.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định. Việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Về việc nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, nhất là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian qua đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần: Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác thanh tra đã phát hiện các tồn tại, sai phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; từ đó kiến nghị, khuyến nghị và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để duy trì và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng.

Công tác giám sát ngân hàng có sự gắn kết chặt chẽ với công tác thanh tra. Nội dung giám sát không chỉ dừng ở việc giám sát tình hình tuân thủ, chấp hành các quy định về an toàn trong hoạt động, mà còn chú trọng giám sát, đánh giá rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Qua đó, đề xuất thanh tra pháp nhân, thanh tra chuyên đề đối với các đối tượng có tình hình tài chính yếu, nợ xấu cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tồn tại kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng cũng như kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về các vấn đề tiềm ẩn rủi ro.

Đối với hoạt động cấp tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, Ngân hàng Nhà nước đã đưa nội dung này vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03/12/2021, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập các Đoàn thanh tra chuyên đề về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 tại các ngân hàng thương mại cổ phần có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cao.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc do liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Đồng thời, nguồn lực tài chính hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn hạn chế.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Phấn đấu đến cuối năm 2025, đưa nợ xấu toàn hệ thống (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) ở mức dưới 3%, bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,9%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng là 4,99% (cuối năm 2021 là 6,3%).

Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022), trong đó đã đề ra một số mục tiêu trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tài chính, hoạt động của tổ chức tín dụng, đồng thời nhận định những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế cần xử lý, giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 và lộ trình thực hiện đảm bảo phù hợp với Đề án 689.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng phương án cơ cấu lại để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai.

Ngân hàng mập mờ bán trái phiếu, doanh nghiệp lách cửa huy động vốn

Bị chặn cửa bán trái phiếu “chui” qua hình thức hợp tác đầu tư, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tìm cách khác để huy động vốn với lãi suất cao. Trong khi đó, một số ngân hàng vẫn mập mờ bán trái phiếu với hình thức gửi tiết kiệm.

Hành vi bán trái phiếu doanh nghiệp “chui”, phù phép nhà đầu tư không chuyên thành nhà đầu tư chuyên nghiệp đã giảm hẳn sau khi Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) được ban hành. Tuy vậy, trên thị trường, việc ngân hàng mập mờ chào bán trái phiếu phát hành ra công chúng vẫn diễn ra.

Chị L.N (TP. Vinh, Nghệ An) cho biết, cách đây hơn 1 tháng, chị đến phòng giao dịch ngân hàng B. (một ngân hàng nhỏ có trụ sở chính tại TP.HCM), trên địa bàn TP. Vinh để gửi tiết kiệm cho bố mẹ già đã trên 80 tuổi. Khi đó, nhân viên giao dịch của ngân hàng này bảo chị ngồi đợi và sẽ giúp chị gửi tiền với lãi suất cao nhất, tới 8,6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.

Thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa tăng lãi suất cơ bản, mức lãi suất 8,6% là rất hấp dẫn nên chị L.N đồng ý ngồi chờ nhân viên ngân hàng làm thủ tục. Sau đó, nhân viên ngân hàng đưa giấy tờ cho chị L.N ký và đưa giấy hẹn bảo hôm khác quay lại hoàn tất thủ tục.

Lúc này, chị L.N chất vấn tại sao gửi tiết kiệm không giao sổ ngay như các ngân hàng khác, mà lại cầm giấy hẹn, thì được giao dịch viên thông báo đây là trái phiếu, khi nào có giấy chứng nhận sở hữu trái phiếu về thì mới gửi khách. Vốn không hiểu biết về các sản phẩm tài chính, chị L.N cho rằng, đây cũng là một hình thức gửi tiết kiệm của ngân hàng nên yên tâm ra về.

Gần 1 tháng sau, khi không thấy ngân hàng liên hệ, chị L.N đến ngân hàng đòi thì mới được giao dịch viên trao cho Giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu, trên đó ghi kỳ hạn 7 năm. Lúc này chị L.N ngã ngửa vì với người già và nhiều bệnh nền như bố mẹ chị, 7 năm là thời gian quá dài. Mặc dù nhân viên ngân hàng trấn an là sau 18 tháng, ngân hàng sẽ mua lại toàn bộ gốc và trả lãi cho khách, song chị L.N vẫn bức xúc vì cảm giác bị lừa.

Không chỉ nhân viên ngân hàng B., mà nhân viên một số ngân hàng cũng chào mời khách hàng sản phẩm “tiền gửi trái phiếu với lãi suất cao, kỳ hạn linh hoạt, có thể tất toán trước hạn”.

Theo quy định hiện hành, với trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư phải có chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp và phải ký văn bản xác nhận đã hiểu và chấp nhận rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì mới được mua. Tuy nhiên, không có giới hạn nào với việc mua bán trái phiếu phát hành ra công chúng.

Mặc dù trái phiếu phát hành ra công chúng có độ an toàn cao, song việc nhân viên giao dịch của ngân hàng mập mờ khi chào bán vẫn gây bức xúc cho khách hàng.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật Anvi, thời gian qua, nhiều ngân hàng chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư, nhưng lại mập mờ giữa hình thức mua trái phiếu và gửi tiết kiệm. Do kiến thức tài chính hạn chế, nhiều người khi đi gửi tiền đã đặt bút ký hợp đồng mua trái phiếu vì nhầm tưởng đây là một hình thức gửi tiết kiệm.

Hiện nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp chào bán trên thị trường đa phần là trái phiếu riêng lẻ. Sau khi Nghị định 65 ra đời, hoạt động bán trái phiếu doanh nghiệp gần như bị đóng băng, các doanh nghiệp phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp 2 năm qua đối mặt với áp lực đáo hạn lớn, trong khi rất khó huy động trái phiếu mới để đảo nợ. Vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm cách lách cửa huy động vốn.

Chị Thu Thủy (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, mới đây, chị được nhân viên Công ty A. Group mời mua “sản phẩm tài chính tiết kiệm” với lãi suất lên tới 13%/năm. Trước đó, đầu năm nay, nhân viên công ty này cũng liên tục mời chào chị mua trái phiếu.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, công ty này từng bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước phạt vì bán trái phiếu chui và từng quảng cáo mô hình đầu tư mới với lợi nhuận lên tới 300% trong vòng đời Dự án 3-5 năm. Từ tháng 7/2022, ứng dụng chào bán trái phiếu của công ty này đã được thông báo chuyển sang ứng dụng A. Finance và quảng cáo là ứng dụng tích lũy đầu tư và quản lý tài sản.

Tại ứng dụng trên, Công ty A. Group đang mời nhà đầu tư gửi tiền đầu tư theo nhiều gói sản phẩm đầu tư tiết kiệm, lãi suất cao, rút linh hoạt. Mức lãi suất tiền gửi có kỳ hạn mà công ty này áp dụng lên tới 13%/năm và lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên tới 12%/năm, kỳ hạn trả lãi hàng tuần và khách hàng có thể rút gốc trước hạn bất kỳ thời điểm nào.

Dù quảng cáo là sản phẩm tiết kiệm, song nhà đầu tư sẽ được ký hợp đồng cho vay vốn hoặc hợp đồng hợp tác đầu tư. Nhân viên công ty này quảng cáo, so với hình thức mua trái phiếu thì hình thức đầu tư cho doanh nghiệp vay có lợi thế là có thể đầu tư bất kỳ thời điểm nào với bất kỳ số tiền nào, không phụ thuộc vào các đợt phát hành cũng như mệnh giá trái phiếu, không đòi hỏi chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp…

Mặc dù vậy, khi được hỏi các tài sản đảm bảo khoản vay, nhân viên chỉ đưa uy tín doanh nghiệp ra để đảm bảo.

Không chỉ Công ty A.Group, mà theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, rất nhiều tập đoàn bất động sản lớn phát hành trái phiếu rầm rộ thời gian qua cũng đang chọn cách huy động vốn thông qua hình thức hợp tác đầu tư, hợp đồng vay vốn.

Mới đây, Tập đoàn Y. vừa công bố mức lãi suất (lợi nhuận) áp dụng từ 10/10/2022 cho các khoản tiền gửi theo hợp đồng hợp tác là 8%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, hơn 9%/năm cho kỳ hạn 3 tháng và cao nhất lên tới hơn 11%/năm.

“Với hình thức gửi tiền này, nhà đầu tư không cần phải có chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp, có thể gửi tiền từ 1 triệu đồng, thậm chí có thể được hoa hồng nếu giới thiệu thêm khách hàng. Khách hàng có thể yên tâm về tài sản của mình vì sẽ có thư bảo lãnh từ Tổng giám đốc Tập đoàn, cam kết sẽ trả gốc cho khách hàng trong mọi trường hợp”, nhân viên tập đoàn này khẳng định.

Việc doanh nghiệp “né” trái phiếu để đưa ra các hình thức huy động vốn lãi suất cao khác, khi Nghị định 65 thắt chặt điều kiện mua bán trái phiếu đã được các chuyên gia cảnh báo trước đó.

Vụ việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã cho nhà đầu tư thấy khác biệt rõ rệt của đầu tư trái phiếu và gửi tiết kiệm ngân hàng. Với SCB, ngay sau khi tin đồn lan truyền, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ, rằng quyền lợi người gửi tiền được Ngân hàng Nhà nước bảo đảm trong mọi trường hợp. SCB đã ổn định tình hình trở lại trong vòng một tuần.

Trong khi đó, với trái phiếu An Đông (thuộc Vạn Thịnh Phát) cũng như Tân Hoàng Minh trước đó, việc giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư không thể một sớm một chiều.

Với các hình thức mang tiền cho doanh nghiệp vay bằng hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng vay vốn, rủi ro càng cao hơn nhiều. Theo luật sư Trương Thanh Đức, hình thức ủy thác đầu tư, cho doanh nghiệp vay vốn không vi phạm pháp luật, nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Hình thức đầu tư này đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, song nhà đầu tư cũng phải xác định bị mất trắng nếu doanh nghiệp phá sản.

Ngay cả với trái phiếu doanh nghiệp, ngoài Tân Hoàng Minh, An Đông, VKC Holdings, thời gian tới có thể sẽ có thêm một số doanh nghiệp không có khả năng trả nợ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.

Chia sẻ với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính đã làm việc với các nhà phát hành và họ đều cam kết sẽ trả đúng hạn trái phiếu, Bộ sẽ tích cực giám sát và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, thực tế vụ Tân Hoàng Minh cho thấy, nguy cơ nhà đầu tư “đòi được vạ thì má đã sưng”. Nhiều lô trái phiếu mà tập đoàn này phát hành không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán, không kèm chứng quyền.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, quy mô trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam hiện khoảng 455.000 tỷ đồng, chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản vẫn đang trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, việc nợ xấu trái phiếu xảy ra là khó tránh, nhà đầu tư phải nhận thức được rằng, đây là kênh đầu tư rủi ro hơn nhiều so với gửi tiết kiệm, thậm chí có nguy cơ mất trắng.

Tất nhiên, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng hàng đầu với doanh nghiệp, sự kiện Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát đều là động thái làm sạch thị trường vốn. Quan trọng hơn, sau các sự cố này, nhận thức của nhà đầu tư về các kênh đầu tư sẽ được nâng cao. Nhà đầu tư muốn rót vốn vào bất kỳ kênh đầu tư nào cũng phải nâng cao hiểu biết của mình, kể cả kênh gửi tiết kiệm (để không bị nhầm lẫn mua bảo hiểm, mua trái phiếu…).

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới