Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLý do UAV Iran có độ hiệu quả “tử thần” trên chiến...

Lý do UAV Iran có độ hiệu quả “tử thần” trên chiến trường Ukraine

Chuyên gia Israel phân tích vì sao UAV Iran Shahed-136 lại tỏ ra hiệu quả chết người trước Ukraine – quốc gia đang được phương Tây hậu thuẫn toàn diện.

Các máy bay không người lái (UAV) do Iran sản xuất đã gây dựng được tiếng tăm trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện nay. Mặc dù các UAV này không tinh vi về công nghệ như UAV của Mỹ, Israel, Trung Quốc và Nga, quân đội Nga vẫn sử dụng hiệu quả chúng để phá hủy các mục tiêu tại Ukraine.

Thủ đô Kiev đã rung chuyển vào ngày 17/10 do một làn sóng mới các cuộc không kích do Nga tiến hành, sử dụng các UAV (drone) cảm tử do Iran chế tạo.

Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 17/10 nói rằng trong tuần vừa qua, quân đội Nga đã sử dụng khoảng 100 UAV cảm tử Iran để đánh vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng như trạm điện, nhà máy xử lý nước thải, cầu đường… Bộ này khẳng định, “1/3 cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine đã bị ảnh hưởng”.

Công nghệ UAV Iran

Iran đi tiên phong trong ngành công nghiệp UAV trong nhiều năm. Tại Trung Đông, Iran nổi lên với tư cách một siêu cường UAV.

Iran có nhiều loại UAV từ nhỏ nhẹ, tầm bay ngắn cho đến loại tầm trung và hạng nặng, phục vụ cả các nhiệm vụ tình báo, theo dõi và trinh sát.

Lực lượng vũ trang UAV của Iran được biết đến là lực lượng vận hành nhiều UAV vũ trang hơn bất cứ quốc gia nào khác có mức ngân sách quốc phòng lớn gấp đôi.

Dựa trên các nguồn tin và chứng cứ khác nhau từ Ukraine thì Nga có vẻ đã tiếp nhận 2 loại drone từ Iran, đó là UAV Mohajer-6 và UV dòng Shahed, có thể dùng để thực hiện tấn công, tác chiến điện tử và chỉ thị mục tiêu.

Mohajer-6 được cho là đã bàn giao cho Nga, là một trong các drone chiến đấu hàng đầu của Iran.

Phiên bản mới nhất trong dòng UAV Mohajer – mẫu Mohajer-6, có thể bay lên tới độ cao 5,4km, tức là vượt qua tầm bắn của nhiều hệ thống phòng không tầm ngắn. Drone này có tầm bay xa tối đa lên tới 200km, trong khoảng thời gian tới 12 tiếng đồng hồ.

Theo website Bộ chỉ huy Huấn luyện và Học thuyết của Lục quân Mỹ, Mohajer-6 là một UAV tình báo, theo dõi, xác định mục tiêu và trinh sát (ISTAR), có khả năng mang theo thiết bị theo dõi đa phổ và 2 quả bom/tên lửa chính xác.

UAV này có 2 mấu cứng (mỗi mấu nằm dưới một cánh của UAV) để gắn bom lướt Qaem TV/IR hoặc một tên lửa Almas. Theo các tin tức chưa được xác nhận, còn có biến thể 4 mấu cứng (2 mấu mỗi bên cánh) để mang cùng một loạt đạn như nói ở trên.

Đối với UAV dòng Shahed, Iran được cho là có nhiều loại UAV với thiết kế độc nhất vô nhị không liên quan đến nhau.

Các báo cáo ban đầu cho thấy các thiết bị bay không người lái được gửi sang Nga thời gian qua có thể bao gồm phiên bản Shahed-129 và Shahed-191, dựa trên hình ảnh từ vệ tinh gần đây.

Tuy nhiên, các chứng cứ có độ khả tín cao từ Ukraine cho tới nay đều hướng tới UAV cảm tử Shahed-136 được Nga sử dụng ở Ukraine. UAV loại này có tầm bay khoảng 2.500km và có thể mang các đầu đạn nặng từ 5 đến 13kg.

Theo dữ liệu từ Ukraine thì các lực lượng Nga có vẻ sử dụng Shahed-136 thường xuyên hơn Mohajer-6.

UAV cảm tử gây đau đầu cho Ukraine

Các UAV Shahed-136 đã trở thành một thách thức lớn đối với lực lượng vũ trang Ukraine.

Quân đội Nga đã thực hiện thành công các cuộc tấn công theo chiến thuật UAV bầy đàn vào các mục tiêu ở thủ đô Kiev, sâu phía sau tiền tuyến Ukraine ở phía Đông.

Đáng lưu ý, quân đội Nga đã giành được yếu tố bất ngờ trong các cuộc tấn công UAV bầy đàn này, nhờ đó giảm thiểu cơ hội đẩy lui của lực lượng phòng không Ukraine.

Tin tức cho hay, lực lượng Nga thường sử dụng 12 UAV cho một cuộc tấn công tập thể như thế. Các UAV được phóng đồng thời để áp đảo phòng không đối phương.

UAV cảm tử của Iran mang lại cho Nga một sự lựa chọn hợp túi tiền và hiệu quả về mặt kinh tế so với các máy bay đắt tiền và các quả tên lửa đạn đạo đắt đỏ. Ngay cả khi các UAV này bị bắn hạ, điều đó vẫn khiến Ukraine bị tiêu tốn tên lửa đất đối không (SAM) quý giá.

Phát ngôn viên Bộ chỉ huy Không quân Ukraine Yurii Ihnat mô tả Shahed-136 là một mục tiêu nhỏ, bay chủ yếu ở độ cao nhỏ và hiếm khi bị radar phát hiện.

Shahed-136 cũng được sử dụng với số lượng lớn trong các cuộc oanh tạc của Nga nhằm vào một số thành phố của Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev. Tin tức từ phía Ukraine cho thấy các drone này đã gây thiệt hại cho hạ tầng và lực lượng vũ trang Ukraine.

Ý kiến chuyên gia về ưu nhược của UAV Iran

Uzi Rubin – kỹ sư quốc phòng Israel, hiện là nghiên cứu viên tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem, cho hay: “Lợi thế của UAV Shahed-136 đến từ thiết kế của nó”.

Rubin giải thích, Shahed-136 là UAV rất nhỏ, đơn giản, thấp và bay thấp. Thiết bị bay này được trang bị một động cơ piston nhỏ tạo lực đẩy cho cánh quạt gỗ – nó giống một máy bay mô hình hơn là một vũ khí chết người.

Rubin phân tích tiếp: “Thiết bị này rất dễ vận hành. Chỉ việc nhập tọa độ mục tiêu và phóng nó đi bằng một rocket đẩy nhỏ. Rất khó phát hiện ra được UAV này bằng radar và các thiết bị quang điện tử vì nó có tiết diện nhỏ (sải cánh chỉ khoảng 2m), tốc độ nhỏ – thường là dưới ngưỡng phát hiện của radar, và dấu vết hồng ngoại nhỏ.

Chuyên gia này cho rằng UAV Shahed-136 đã được sử dụng hiệu quả vào tháng 9/2019 để đánh vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia, gây ra hư hại lớn và khiến cơ sở này phải đóng cửa trong 2 tháng.

Trong khi đó, UAV Mohajer-6 của Iran có sải cánh lớn hơn (dài khoảng 10m) và bay ở độ cao trung bình khoảng 4,5km. Theo Rubin, UAV này bay quá chậm nên dễ bị phát hiện và bắn hạ bằng tên lửa phòng không. Đây có thể là lý do vì sao Nga không sử dụng thường xuyên Mohajer-6 như Shahed-136.

Tuy nhiên, Shahed-136 vẫn có một số nhược điểm.

Rubin nói tiếp: UAV đó khó bị phát hiện, nhưng nếu bị phát hiện thì lại dễ dàng bị bắn hạ do tốc độ của nó chậm. Hạn chế khác là UAV này phụ thuộc vào dẫn đường bằng vệ tinh, nên nếu bị chặn liên hệ với vệ tinh, nó sẽ mất phương hướng.

Ngoài ra, Shahed-136 cũng tạo ra tiếng ồn đáng kể ở cự ly cách vài kilomet. Binh sĩ Ukraine thời gian qua mô tả tiếng ồn của động cơ drone Shahed-136 giống tiếng xe máy hoặc tiếng máy xén cỏ.

Quân đội Ukraine đang sử dụng kết hợp thiết bị thời Liên Xô với hệ thống hiện đại do phương Tây cung cấp để đối phó với mối đe dọa từ UAV Iran.

Tướng Borys Kremenetsky – Tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán Ukraine ở Mỹ, cho biết các bệ phóng tên lửa 9K33 Osa, pháo phòng không tự hành Shilka, và pháo phòng không tự hành Gepard của Đức đều rất hiệu quả trước các UAV do Iran sản xuất.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới