Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ bình luận về chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của TBT...

TQ bình luận về chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của TBT Nguyễn Phú Trọng

Sau đây là bài của Dương Diệp [Yang Ye], phóng viên đặc phái thường trú tại Việt Nam, và phóng viên Bạch Vân Di [Bai Yun-yi] của Thời báo Hoàn cầu, về chuyến thăm chính thức Trung Quốc sắp tới của TBT Nguyễn Phú Trọng:

Ngày 25/10/2022, Hồ Triệu Minh, người phát ngôn Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố: Theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30 tháng 10 cho tới ngày 2 tháng 11. Cùng hôm đó, Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Việt Nam cũng công bố tin Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Trung Quốc.

Các tin tức công khai cho thấy Nguyễn Phú Trọng sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc sau khi Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc. Đồng thời chuyến thăm này cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi Nguyễn Phú Trọng lần thứ ba đảm nhiệm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 25, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Phan Kim Nga cho phóng viên Thời báo Hoàn cầu biết, điều đó thể hiện tính chất đặc biệt và quan trọng của mối quan hệ hai nước Trung Quốc-Việt Nam, [mối quan hệ đó] “vượt qua mối quan hệ song phương trên ý nghĩa nói chung, có ý nghĩa chiến lược quan trọng”. Đồng thời bà cho biết, mối quan hệ về Đảng giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đảng Cộng sản Việt Nam có tác dụng dẫn dắt quan trọng đối với mối quan hệ nhà nước giữa hai nước, “Kinh nghiệm lịch sử hơn 70 năm qua đã chứng minh điểm này”. Hiện nay bên trong hai nước đều đã tiến sang giai đoạn phát triển mới, có rất nhiều vấn đề mới về quản trị đất nước cần phải nghiên cứu bàn bạc, “Cuộc gặp nhà lãnh đạo hai Đảng sẽ đem lại động lực lớn cho sự hợp tác giữa các ban ngành Chính phủ hai nước và các địa phương”.

Đài “Tiếng nói Việt Nam” trước đây đưa tin, trong hội nghị toàn thể lần thứ nhất Ủy ban Trung ương khóa 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình một lần nữa được bầu làm Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó ngày 23, Nguyễn Phú Trọng gửi điện chúc mừng, thay mặt Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và với danh nghĩa cá nhân, gửi tới Tập Cận Bình lời chúc mừng nồng nhiệt nhất, và chúc Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công tốt đẹp. Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Tôi mong sớm được gặp lại đồng chí để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.”

“Chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng phản ánh sự đoàn kết nhất trí và mối quan hệ khăng khít trên ý thức hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam.” Tờ Nam Hoa tảo báo [của Trung Quốc] hôm đó dẫn phân tích của chuyên gia nghiên cứu vấn đề quốc tế tại trường Đại học Waseda ở Tokyo [Nhật Bản] cho rằng “Chuyến thăm cấp cao là tín hiệu quan trọng mà Việt Nam gửi tới Trung Quốc và thế giới, tỏ rõ Hà Nội mong muốn giữ gìn mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam lành mạnh”. Chuyên gia đó bình luận, chuyến đi thăm và điện chúc mừng của Nguyễn Phú Trọng cũng phù hợp với truyền thống đi lại giữa hai Đảng – sau mỗi lần Đảng Cộng sản Trung Quốc họp đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đều cử đại sứ đặc biệt đi thăm Trung Quốc. Hơn nữa, đối với Trung Quốc, trong bối cảnh lớn Mỹ không ngừng lăm le xúi bẩy Đông Nam Á “cảnh giác với Trung Quốc”, việc quản lý mối quan hệ với Việt Nam cũng là một trong những ưu tiên về ngoại giao của Bắc Kinh.

Trong hai năm gần đây, mối quan hệ chính trị và kinh tế, thương mại giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã không ngừng phát triển. Từ năm 2020 đến 2022, Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng từng 4 lần nói chuyện điện thoại với nhau. Trong dịp Đảng Cộng sản Việt Nam họp đại hội 13 và dịp Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập, lãnh đạo hai bên đã chúc mừng lẫn nhau bằng nhiều hình thức. Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Việt Nam đã duy trì sự tiếp xúc và liên hệ mật thiết thông qua các hình thức nói chuyện điện thoại, hội đàm truyền hình và trao đổi thư từ. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Trung Quốc-Việt Nam năm 2021 đạt 230 tỷ USD, tăng 19,7%. Theo tin ngày 25 của Reuters, số liệu chính thức của Việt Nam cho thấy, kim ngạch buôn bán hai chiều Trung Quốc-Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay tăng 10,2% so với cùng kỳ, đạt 132,3 tỷ USD, trong đó gần 70% là Việt Nam nhập khẩu. Từ năm 2016 tới nay, Việt Nam liên tục là đối tác thường mại lớn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á, suốt 18 năm liền Trung Quốc là đối tác thường mại lớn nhất của Việt Nam. Từ năm 2019 đến năm 2020, Trung Quốc là nước đầu tư lớn thứ 4 vào Việt Nam. Năm 2021, Trung Quốc trở thành nước đầu tư lớn thứ 3 vào Việt Nam, tính gộp lại, đến cuối năm 2021, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 21,3 tỷ USD vào Việt Nam.

Mấy năm gần đây, sự cạnh tranh giữa các nước lớn mang lại ngày một nhiều sự bất định trong tình hình khu vực. Tháng 9 năm nay, hai tuần sau khi Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị thăm Việt Nam, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam lập tức nói mối quan hệ Việt -Mỹ “không có hạn chế”, và tuyên bố Washington ủng hộ Việt Nam trên vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Phân tích cho rằng Mỹ đang tăng cường nỗ lực lôi kéo Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.

Thế nhưng, Nam Hoa Tảo báo dẫn lời các chuyên gia nói, do Việt Nam áp dụng chính sách quốc phòng “Bốn không”, cộng thêm ký ức lịch sử về sự xâm lược của Mỹ và mâu thuẫn về ý thức hệ, Việt Nam và Mỹ không thể nào trở thành đồng minh quân sự. Chính sách “Bốn không” của Việt Nam là nói không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với bất cứ quốc gia nào để chống lại quốc gia khác, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam hoặc lợi dụng lãnh thổ Việt Nam chống lại quốc gia khác, và trong quan hệ quốc tế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Phan Kim Nga cho phóng viên Thời báo Hoàn cầu biết, cho dù mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đứng trước những thách thức do các nhân tố quốc tế đem lại, nhưng hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có lợi ích chiến lược chung. Hai Đảng đều có nhu cầu nghiên cứu thảo luận vấn đề làm thế nào để giữ gìn sự an toàn chế độ xã hội chủ nghĩa và sự an toàn cầm quyền của Đảng trong tình thế mới.

Phan Kim Nga đồng thời cho biết, có một hiện tượng đáng chú ý, nhất là trong mấy năm nay, sự hợp tác giữa 5 nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới đang được tăng cường. Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cu Ba trong các lần đại hội Đảng khóa mới nhất đều tuyên bố rõ ràng là sẽ tăng cường sự hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Lần này Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc sẽ giúp ích cho việc hai nước tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, quản lý bất đồng và phát triển mối quan hệ trên biển giữa hai nước.

Theo các tin tức công khai trên truyền thông, ngoài Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Đức Scholz, Thủ tướng Pakistan cũng có hy vọng tới thăm Trung Quốc sau khi Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới