Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPhải chăng Hồ Cẩm Đào muốn bày tỏ bất bình với Tập?

Phải chăng Hồ Cẩm Đào muốn bày tỏ bất bình với Tập?

Có một bộ phim cung đấu Trung Hoa vừa mới được công chiếu tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có được mọi thứ ông muốn sau đợt bổ nhiệm nhân sự tại đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, có một sự kiện nằm ngoài kịch bản.

Nó xảy ra khi cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, 79 tuổi, được hộ tống ra khỏi lễ bế mạc của đại hội – với lý do vị đảng viên lão thành cảm thấy không khỏe.

Cảnh tượng diễn ra trước các phương tiện truyền thông và máy quay nước ngoài đã vô tình cho thế giới chứng kiến những kịch tính của chính trường Trung Quốc, vốn dĩ thường xảy ra ở hậu trường – sâu bên trong khu Trung Nam Hải ở trung tâm Bắc Kinh, nơi đặt văn phòng của các quan chức Trung Quốc.

Chuyện gì đã thực sự xảy ra? Một nguồn tin có quan hệ chính trị đã chia sẻ một vài thông tin mật từ những người trong cuộc, bất chấp việc kiểm duyệt thông tin chặt chẽ ở Trung Quốc.

Vào thứ Bảy, ngày bế mạc đại hội đảng, tất cả các nhà lãnh đạo ngồi trên sân khấu chính của Đại Lễ đường Nhân dân đều cố gắng tránh giao tiếp bằng mắt với Hồ, nguồn tin cho biết.

Điều mà mọi người lo sợ là họ sẽ bị Hồ chặn lại và bắt phải nghe quan điểm của ông. Dù lập luận của Hồ là gì, đó cũng không phải là điều họ muốn nghe. Trên thực tế, nếu bị bắt gặp nói chuyện với Hồ, và có phản ứng ‘sai’, người ta có thể phải đối mặt với rủi ro chính trị đáng kể. Ai nấy đều rất dè chừng.

Mọi người đều biết rõ điều đang ở trong đầu Hồ: sự thất vọng dồn nén với Tập.

Nhưng có gì đó không ổn. ĐCSTQ vốn được biết đến với kỷ luật nghiêm khắc. Trong những hoàn cảnh bình thường, Hồ, cựu lãnh đạo đảng, chắc chắn sẽ không phá hỏng thời khắc quan trọng của Tập bằng cách công khai bày tỏ sự không hài lòng của mình.

Nói đúng hơn, những đảng viên lão thành đã nghỉ hưu không thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Ngay cả trong những lúc riêng tư, họ cũng cư xử theo cách không làm tổn hại đến quyền lực của nhà lãnh đạo đương nhiệm.

Tuy nhiên, nhiều khả năng chuyện gì đó bất thường đã xảy ra.

Có lẽ đúng là Hồ không được khỏe trong lễ bế mạc đại hội toàn quốc. Nhưng chính vì không khỏe nên ông có thể hành động không đúng như dự định.

Manh mối nằm trong lời giải thích sau đó được đăng trên tài khoản Twitter tiếng Anh của Tân Hoa Xã, về lý do tại sao Hồ bị hộ tống ra ngoài.

“Phóng viên Liu Jiawen của Tân Hoa Xã được biết rằng Hồ Cẩm Đào nhất quyết tham dự phiên bế mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng, bất chấp việc ông ấy đang dành thời gian để phục hồi sức khỏe.”

“Vì ông đã cảm thấy không khỏe trong suốt phiên họp, nhân viên của ông, vì lý do bảo vệ sức khỏe cho ông, đã đưa ông đến một căn phòng cạnh hội trường để nghỉ ngơi. Hiện ông đã khỏe hơn nhiều.” – Dòng tweet thứ hai cho biết.

Liu Jiawen là một nhân vật có ảnh hưởng, giữ cương vị phó chủ tịch Tân Hoa Xã.

Trong lễ bế mạc, Hồ Cẩm Đào ngồi cạnh Tập và Lật Chiến Thư, vị chủ tịch 72 tuổi của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc.

Liệu Hồ có nói với Tập và Lật rằng ông muốn phát biểu tại buổi lễ hay không? Một số người tin rằng ông có thể đã làm vậy, dù không thể xác minh tin đồn. Chưa kể nó cũng có thể đã bị phóng đại.

Nhưng dòng tweet của Tân Hoa Xã đã gợi ý theo hướng này. Trong khi hầu hết các nhà quan sát tập trung vào vế sau của dòng tweet – rằng Hồ rời đi vì lý do sức khỏe – thì vế đầu lại chứa đựng một tiết lộ bất ngờ.

Nó ngụ ý rằng Hồ đáng lẽ không tham dự phiên bế mạc vì lý do sức khỏe, nhưng ông vẫn tham dự, và đi ngược lại mong muốn của Tập. Tại sao Hồ nhất quyết muốn tham dự lễ bế mạc?

Dù sự thật sẽ mãi là bí ẩn, nhưng có một điều chắc chắn. Trên sân khấu hôm ấy, Tập rất tự hào về chiến thắng chính trị của mình. Ngồi bên cạnh, Hồ chắc hẳn đã phiền lòng vì không bảo vệ được những người mà ông bảo trợ.

Tập tài liệu màu đỏ nằm trước mặt Hồ chứa danh sách các nhà lãnh đạo mới của đảng – điều mà ông thậm chí không muốn xem.

Ban Thường vụ mới không bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, người chỉ mới 67 tuổi, vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu. Nó cũng không bao gồm Uông Dương, người cùng tuổi với Lý. Cả hai người đều có liên hệ với Đoàn phái do Hồ đứng đầu.

Một đòn trời giáng khác đối với Hồ Cẩm Đào là việc Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa, người được mệnh danh là “Tiểu Hồ”, không những mất suất trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị, mà còn bị đẩy ra khỏi Bộ Chính trị ngay ngày hôm sau, dù ông còn khá trẻ – chỉ mới 59 tuổi.

Sang ngày Chủ nhật, Tập bước vào nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Tổng Bí thư của đảng và chính thức giới thiệu sáu thành viên còn lại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới, gồm toàn những phụ tá thân cận của ông.

Giây phút kịch tính khi Hồ Cẩm Đào rời khỏi hội trường là đỉnh điểm của cuộc đấu tranh chính trị kéo dài suốt một thập niên qua.

Tại lễ bế mạc, một phó chủ nhiệm của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan đóng vai trò như ban thư kí cho Tập, đã đưa Hồ đến lối ra.

Dường như, hành động đó là trái với ý muốn của Hồ. Hai lần, vị cựu lãnh đạo cố gắng quay về chỗ ngồi của mình. Nếu xét ẩn ý từ lời giải thích của Tân Hoa Xã, Hồ đã không muốn rời sân khấu vào thời điểm đó – khi chưa hoàn thành nhiệm vụ ông đặt ra cho mình, bất kể điều đó là gì.

Sau khi nói vài lời với Tập, Hồ vỗ vai Lý Khắc Cường như để an ủi vị thủ tướng bị buộc phải nghỉ hưu.

Theo lời một chuyên gia y tế đã xem đoạn phim Hồ rời khỏi sân khấu, ông có các dấu hiệu của một triệu chứng thường có của bệnh Parkinson, ông đã đi nhanh về phía lối ra trong khi hơi nghiêng người về phía trước.

Cách đây bảy năm, công chúng đã biết được tình trạng sức khỏe của Hồ khi ông đứng trên khán đài ở Thiên An Môn trong một cuộc duyệt binh. Hình ảnh từ camera truyền hình cho thấy các đầu ngón tay trái của ông liên tục run lên. Đó là triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh Parkinson.

Khi nghe Hồ nói chuyện trước khi rời đi, Tập đã tỏ thái độ khá lạnh lùng và thiếu thân thiện. Ông thậm chí không quay người về phía Hồ mà chỉ khẽ gật đầu, quay mặt về phía trước.

Ở phía cuối dãy ghế, Hồ Xuân Hoa chẳng buồn che giấu sự bất mãn của mình. Ông khoanh tay một cách bất thường, với nét mặt tỏ rõ sự cau có. Ông hẳn đã biết về việc mình bị giáng chức.

Dù nhục nhã nhưng Hồ Xuân Hoa vẫn phải nở nụ cười một ngày sau đó, ngày Chủ nhật, khi Tập đi ngay bên cạnh ông trong một buổi lễ khác, đánh dấu việc kết thúc đại hội.

Tại đại hội toàn quốc năm 2002, Giang Trạch Dân đã trao lại chức vụ Tổng Bí thư cho Hồ Cẩm Đào, nhưng không từ bỏ chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Trái ngược với Giang, Hồ Cẩm Đào đã nghỉ hưu một cách bình thường tại đại hội toàn quốc năm 2012 và để Tập lên kế nhiệm mình. Người ta nói rằng bằng cách nghỉ hưu hoàn toàn, Hồ đã cố gắng làm cho Tập cảm thấy mắc nợ ông.

Nhưng một nguồn tin chính trị ở Bắc Kinh chỉ ra rằng, vào thời điểm đó, sức khỏe của Hồ đã giảm sút, và ông không còn đủ sức để chơi các trò chơi quyền lực.

Chiến thắng áp đảo của Tập trong việc bổ nhiệm nhân sự có liên quan một phần không nhỏ đến sức khỏe sa sút của Hồ và sự suy yếu quyền lực chính trị sau đó của ông.

Tập đã chớp thời cơ, còn Hồ không thể phòng thủ hiệu quả. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng không thể làm được gì nhiều về mặt chính trị, vì còn bị nhấn chìm trong các công việc của một thủ tướng.

Nếu Hồ còn khỏe mạnh, kết quả có lẽ đã khác. Có thể đã có một con đường cho cả Lý Khắc Cường và Hồ Xuân Hoa tiếp tục sự nghiệp.

Trong khi đó, ngồi bàn đầu trong lễ bế mạc là Lý Cường, 63 tuổi, Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Trong lúc Hồ Cẩm Đào được dẫn ra khỏi hội trường, Lý Cường đã mỉm cười khi đang nói chuyện với phó thủ tướng Tôn Xuân Lan.

Ngày hôm sau, Lý Cường trở thành tâm điểm chú ý khi trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, xếp thứ hai sau Tập trong hệ thống thứ bậc của đảng.

Lý Cường tỏ ra không quan tâm đến việc vị cựu chủ tịch nước đang đi phía sau mình.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Lý Cường, một trong những phụ tá thân cận nhất của Tập, lúc ấy đã biết trước tương lai chính trị tươi sáng của mình. Ông được bổ nhiệm vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị một ngày sau đó, với tư cách là ứng viên thay thế Lý Khắc Cường làm thủ tướng vào mùa xuân năm sau.

Thái độ của Lý Cường trái ngược hoàn toàn với thái độ của Hồ Xuân Hoa, người đã ngồi yên khoanh tay khi Hồ rời sân khấu. Tại thời điểm này, đã rõ ai là kẻ thắng người thua. Và đó chính là kết cục của cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đảng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới