Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ và TQ gặp khó trong dịch chuyển chuỗi cung ứng

Mỹ và TQ gặp khó trong dịch chuyển chuỗi cung ứng

Gián đoạn chuỗi cung ứng trong những năm qua khiến các chính quyền Mỹ đặt ra tham vọng đưa ngành sản xuất trở lại nước này, song liệu điều này có dễ?

Tổng thống Mỹ Joe Biden đầu tháng này ban hành các quy định kiểm soát xuất khẩu mới đối với chip cao cấp cũng như những mặt hàng khác được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn. Những biện pháp này đánh dấu sự thay đổi chính sách lớn nhất của chính phủ Mỹ trong việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc kể từ đầu những năm 1990.

Mục đích của Mỹ là siết xuất khẩu chip sang Bắc Kinh. Các biện pháp mới của chính quyền Biden được cho có thể gây thiệt hại lớn với ngành sản xuất chip của Trung Quốc, cản bước tham vọng của Bắc Kinh.

Dựng liên minh chuỗi cung ứng

Sau khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống Biden không chỉ tăng cường thực thi chính sách công nghiệp trong nước thông qua đạo luật như Đạo luật Khoa học và Chíp và Đạo luật Giảm lạm phát… mà còn đẩy mạnh sức cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc qua chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thương mại cũng như ban hành các quy định mới về xuất khẩu.

Theo giới phân tích kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp, việc Mỹ khôi phục toàn bộ chuỗi cung ứng giá trị của một số ngành là thiếu tính khả thi. Giờ đây, Mỹ nhận ra rằng việc lệ thuộc vào một nhà cung cấp khiến Washington gặp khó, do đó, đa dạng hoá nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng là bước đi cần thiết.

Thời gian qua, ông Biden cam kết thực thi chính sách đối ngoại để phục hồi vai trò của Mỹ trên trường thế giới. Trong khi tiếp nối chính sách người tiền nhiệm Donald Trump về thương mại và chuỗi cung ứng tách rời khỏi Trung Quốc, ông Biden cũng có bước đi riêng, khi nhấn tạo dựng sự liên kết với các đồng minh và quốc gia trên thế giới. Ông Biden tích cực làm việc cùng đồng minh và đối tác lớn, nhỏ để hình thành các liên minh hợp tác, đối trọng Trung Quốc.

Chính quyền Biden đề ra lộ trình chính sách công nghiệp để hồi sinh ngành sản xuất ở Mỹ và áp dụng các biện pháp kết nối đồng minh và đối tác như chính sách “China plus One” (Trung Quốc + 1). Mục đích là để cạnh tranh với Bắc Kinh. Điều này thể hiện rõ qua việc lựa chọn lĩnh vực được đề cập trong đánh giá chuỗi cung ứng năm 2021 – chất bán dẫn, dược phẩm và các thành phần dược phẩm hoạt tính, pin và khoáng chất quan trọng.

Trong hai thập kỷ qua, Mỹ đã đánh mất khả năng cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn. Mỹ đã tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh, từ chỗ là quốc gia sản xuất khoảng 40% chip trên thế giới vào năm 1990 xuống còn dưới 12% vào năm 2020.

Trong trường hợp chất bán dẫn, chính quyền Biden đang chuyển sang reshoring hơn là friend-shoring, vì 90% tất cả các chip tiên tiến hiện được sản xuất ở Đài Loan và nguy cơ xung đột ở eo biển Đài Loan khiến hòn đảo này trở thành nguồn rủi ro đối với Washington.

Friend-shoring đối với Mỹ là chủ trương xây dựng các dây chuyền cung ứng mới đặt bên ngoài Trung Quốc để tránh những thiệt hại do chính sách đối đầu trong thương mại giữa hai nước – từ thuế đến công nghệ. Trong khi đó, reshoring là quá trình chuyển cơ sở sản xuất về nước Mỹ.

Chính quyền Biden đang tìm kiếm các con đường để tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng đa dạng.

Trung Quốc có lợi thế về khoáng sản đất hiếm. Hơn 80% hoạt động khai thác liti và coban được thực hiện bởi Trung Quốc. Hơn nữa, thông qua sáng kiến ​​”Vành đai và Con đường”, Bắc Kinh đã tiếp cận được với nguồn khoáng sản ở Chile, Congo và Indonesia – những quốc gia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới. Nếu không có những khoáng sản quan trọng này, tham vọng tăng sản xuất năng lượng tái tạo của chính quyền Biden ở Mỹ sẽ không thể thực hiện được.

Đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng chất có ý nghĩa quan trọng đối với chính quyền Biden khi thực thi tham vọng chống biến đổi khí hậu, gây dựng nền kinh tế xanh với viêc kêu gọi dùng năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng xe điện. Theo dự kiến, chính quyền Biden sẽ tăng gấp 4 lần số lượng tấm pin mặt trời ở Mỹ từ 240 triệu lên khoảng 1 tỷ trong 8 năm tới.

Đầu năm nay, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo của một số quốc gia phương Tây khởi động “Đối tác An ninh khoáng sản” để xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn trong chuỗi cung ứng khoáng sản, đồng thời hỗ trợ các mục tiêu thịnh vượng kinh tế và khí hậu.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, quan hệ đối tác “sẽ giúp thúc đẩy đầu tư từ các chính phủ và khu vực tư nhân để tăng cường cơ hội chiến lược trên toàn bộ chuỗi giá trị, tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường, xã hội và quản trị”.

Các quốc gia như Australia và Canada có vai trò quan trọng trong lĩnh vực khoáng sản. Australia là một trong những quốc gia có trữ lượng coban và lithium lớn nhất thế giới, cả 2 loại này đều được sử dụng để sản xuất pin lithium-ion cho xe điện. Trong khi đó, Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc xử lý lithium, nâng cao công đoạn trong chuỗi giá trị pin.

Tương tự như chất bán dẫn, các khoáng chất quan trọng và pin ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các quốc gia trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng thiết bị điện tử, cũng như các thành phần được sử dụng trong dược phẩm.

Chính sách “Zero-COVID” của Trung Quốc đã thúc đẩy sự quan tâm đến sản xuất điện tử ở các thị trường khác. Một số tập đoàn Nhật Bản và phương Tây đã chuyển một phần hoạt động sản xuất của họ sang những nơi như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.

Và khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng nóng lên, hoạt động tăng cường kết nối, lôi kéo liên minh sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Không dễ mang nhà máy trở về Mỹ?

Để “phục hưng” cái gọi là “Made in America”, với tham vọng đưa các sản phẩm siêu quan trọng như chip bán dẫn sản xuất tại Mỹ thay vì gia công ở nơi khác. Chính quyền Biden tung ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích các công ty quay trở lại (reshoring) và tạo ra nhiều việc làm hơn cho nước Mỹ.

Theo tổ chức Reshoring Initiative, khoảng 1.800 công ty Mỹ có dự định ít nhất là mang một phần hoạt động sản xuất về quê nhà trong năm nay. Hoạt động reshoring cũng đã tạo ra 261.000 việc làm mới trong năm 2021.

Mỹ không dễ dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc? - 2
Tổng thống Mỹ Joe Biden đến dự buổi lễ khởi công xây dựng cơ sở sản xuất chất bán dẫn mới ở Ohio hồi tháng 9. (Ảnh: Bloomberg)

Dù cho nhu cầu reshoring tăng cao song nỗ lực này của chính quyền Biden đối mặt với loạt thách thức.

Trước hết, khoản chi phí bù đắp cho các công ty chuyển sản xuất về Mỹ là không nhỏ. Chính phủ Mỹ đã bơm tiền cho một số lĩnh vực như xe điện, vaccine, chip bán dẫn và năng lượng tái tạo để reshoring. Thế nhưng, những ngành không nhận được ưu đãi có thể cho rằng chi phí reshoring quá lớn khi phải trả cho nhân công với mức lương đắt đỏ, trong khi giá thành đầu tư cho cơ sở hạ tầng mới cao.

Tiếp đến, có thể nhận thấy mô hình kinh doanh của các công ty Mỹ không phù hợp với reshoring. Suốt 3 thập kỷ vừa qua, doanh nghiệp Mỹ xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài nhằm tận dụng lao động giá rẻ. Do đó, làm điều ngược lại sẽ là câu chuyện không dễ và khó có thể thực hiện “ngày một, ngày hai”.

Bên cạnh đó, tương lai chuỗi cung ứng toàn cầu quá phức tạp và khó đoán định. Theo khảo sát của McKinsey năm 2021, chỉ có 2% số công ty cho biết họ hiểu rõ về các nhà cung ứng từ cấp 3 trở lên. Trong khi, tình trạng thiếu minh bạch được cho vẫn tồn tại cả trong những ngành rất nhạy cảm mà chính phủ Mỹ muốn đưa về nước như cung ứng thiết bị y tế và thiết bị quốc phòng.

Do đó, các nhà sản xuất không thể biết chính xác sản phẩm của mình có thể được nội địa hóa đến mức độ nào, và họ càng khó có thể điều chỉnh. Nỗ lực reshoring tại Mỹ giờ đây phụ thuộc vào những giải pháp mang tính thực tiễn cao và đáng tin cậy.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng lo ngại reshoring sẽ làm tổn hại tình hình tài chính. Trong một thời gian dài, phố Wall thuyết phục nhà đầu tư rằng những mô hình kinh doanh cần ít vốn là mô hình ưu việt nhất. Niềm tin này ăn sâu đủ để nhiều công ty Mỹ do dự, họ không muốn reshoring vì như vậy sẽ phải chi rất nhiều tiền cho các tài sản cố định như nhà xưởng, máy móc và cơ sở hạ tầng.

Lấy ví dụ trong ngành chip, các con chip bán dẫn được phát minh ra ở Mỹ nhưng nhiều công ty chỉ tập trung vào khâu thiết kế, còn công đoạn sản xuất sẽ được thực hiện ở Đài Loan (Trung Quốc). Các nhà đầu tư luôn hướng đến công ty công nghệ, do lợi nhuận rất cao trong khi nguồn chi ở mức vừa phải.

Để khuyến khích những công ty này reshoring, sẽ là bài toán không dễ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, reshoring sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp học hỏi nhanh hơn và phát triển sản phẩm nhanh hơn bởi vì người tiêu dùng, nhà sản xuất và đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) đều sẽ làm việc tại Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới