Friday, December 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCâu chuyện của ông Nguyễn Văn Thể: Tín hiệu đáng mừng về...

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Thể: Tín hiệu đáng mừng về văn hóa từ chức

Từ chức vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức của cán bộ, nói rộng ra, đó còn là văn hóa. Cán bộ xin từ chức không có nghĩa là kết thúc sự nghiệp nếu vẫn còn đủ tuổi công tác.

Sau khi rời ghế Bộ trưởng GTVT, ông Nguyễn Văn Thể được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.

Cuối tuần qua, Quốc hội đã chính thức miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể. Ông là Bộ trưởng đầu tiên được Quốc hội miễn nhiệm giữa nhiệm kỳ mà không phải do vướng kỷ luật trước đó, ông thôi chức là theo nguyện vọng cá nhân. Sau đó, Bộ Chính trị đã quyết định điều động, phân công ông Thể làm Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan Trung ương.

Ở nước ta trong mấy thập niên gần đây, việc cán bộ tự nguyện từ chức là câu chuyện hiếm. Nên việc một tư lệnh ngành rời ghế giữa nhiệm kỳ là một câu chuyện đặc biệt, được dư luận đánh giá cao.

Câu chuyện của ông Thể cần lan tỏa tới các bộ ngành, địa phương, đơn vị.

Theo ông Lê Như Tiến – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, hàng chục năm trở lại đây, hiếm có cán bộ nào tự nguyện từ chức mặc dù có khuyết điểm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí kết quả hoạt động của ngành, lĩnh vực được phụ trách đạt kết quả kém, để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng họ vẫn chọn cách im lặng để né tránh dư luận. Chỉ khi bị xử lý kỷ luật thì họ mới “buộc mất ghế”.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng gần đây đó là đã có một số cán bộ tự nguyện từ chức. Ngoài ông Nguyễn Văn Thể, vào đầu tháng 10/2022, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, có 3 cán bộ xin thôi không tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trước đó, 3 nhân sự này đều đã bị Bộ Chính trị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì những sai phạm trong quá trình công tác.

“Đây là một tín hiệu đáng mừng cho việc hình thành văn hóa từ chức trong cán bộ, đảng viên. Thể hiện sự tự giác, gương mẫu của một người đảng viên. Đã đến lúc nên coi từ chức, “nhường ghế” là văn hóa và là sự tự trọng của người đảng viên” – ông Lê Như Tiến cho biết.

Dẫn chứng thực tiễn trong quá trình còn công tác, tham gia các chuyến nghiên cứu học tập tại một số nước trên thế giới, ông Lê Như Tiến cho biết, ở các nước, câu chuyện lãnh đạo rút khỏi “ghế nóng đương nhiệm” khi không đủ sức khỏe, khả năng gánh vác công việc được giao là khá phổ biến và bình thường. Việc làm này của các vị lãnh đạo được dư luận xã hội đánh giá rất cao về sự dũng cảm khi đã nhận rõ trách nhiệm của mình mà không “tham quyền cố vị”.

“Cán bộ nên coi từ chức không phải là việc nặng nề, nếu cảm thấy không hoàn thành được nhiệm vụ, hoặc thấy sức khỏe không đảm bảo, có lý do gia đình thì nên chủ động xin thôi nhiệm vụ để người khác có năng lực tốt hơn đảm đương. Cần coi đây là chuyện bình thường, thậm chí dư luận xã hội coi đây là tấm gương về lòng dũng cảm. Không nên quan niệm “đã lên không xuống, đã vào không ra”, như vậy là đi trái với chủ trương của Đảng. Công tác cán bộ là phải luôn có sự “thay máu”, đổi mới để công việc được suôn sẻ, thông suốt. Không phải cứ được bầu vào vị trí là mãi “giữ ghế” đến hết nhiệm kỳ”.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh điều này, đồng thời cho rằng, dư luận cũng nên thay đổi quan niệm “cán bộ bị kỷ luật hay có vấn đề thì mới rút lui” mà cần phải nhìn nhận vấn đề này là việc bình thường của quy luật tự nhiên, xã hội và tư duy. Chuyện “có xuống có lên, có vào có ra” là lẽ đương nhiên của cuộc sống và nhất là trong công tác cán bộ.

Theo đó, những người từ chức trên sự thôi thúc của đạo đức, lòng tự trọng thì xã hội nên trân trọng, đánh giá cao bản thân họ. Bởi chính sự đánh giá cao, động viên của xã hội sẽ tạo nhiều động lực để cán bộ tiếp nhận công việc mới phù hợp hơn với sở trường, năng lực.

“Ông Nguyễn Văn Thể rời ghế Bộ trưởng GTGT là theo nguyện vọng cá nhân. Câu chuyện của ông Thể cần lan tỏa tới các bộ ngành, địa phương, đơn vị. Nếu người nào cảm thấy công việc áp lực quá lớn, phạm vi quá lớn không thể đảm đương nổi, ví dụ mình chỉ gánh được 50kg nhưng công việc áp lực phải gánh tới 100kg là quá sức thì nên chủ động xin thôi. Sự tự giác này để lại một tấm gương tốt đẹp cho xã hội. Không nên mãi giữ vị trí dù năng lực không đảm trách được, công việc không hoàn thành đến mức bị kỷ luật thì sẽ để lại ấn tượng rất xấu trong dư luận”- ông Lê Như Tiến cho biết.

Từ chức vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức, văn hóa

Đánh giá cao và tôn trọng quyết định từ chức của ông Nguyễn Văn Thể khi rời ghế tư lệnh ngành GTVT, PGS.TS Nguyễn Thị Báo (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, từ chức vừa là trách nhiệm, vừa là đạo đức, là lòng tự tôn, tự trọng của người lãnh đạo quản lý, nói rộng ra, đó còn là văn hóa.

Một khi cán bộ lãnh đạo cảm thấy bản thân họ không còn đủ sức cáng đáng nhiệm vụ thì sẽ rút lui để nhường chỗ cho người có năng lực hơn hoàn thành công việc. Đó là những người có văn hóa, trách nhiệm với sự nghiệp chung, với quốc gia, dân tộc.

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đã được quy định rất rõ trong nhiều văn bản, đặc biệt là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05, hay Quy định về những điều đảng viên không được làm, 19 biểu hiện tiêu cực cần phải tránh… Theo đó, có thể hiểu, những người lãnh đạo quản lý có lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm thì khi thấy bản thân không có đủ năng lực, hoặc có biểu hiện vi phạm, làm chưa đúng, chưa đủ do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan thì nên xin từ chức. Kể cả trong 2 trường hợp sai phạm do năng lực kém, đấu đá nội bộ và cố tình vi phạm nhưng bản thân cán bộ tự nhận thức được và từ nhiệm, thì đó đều là việc đáng mừng, thể hiện lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp chung.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Báo, đối với cán bộ, hôm nay họ tốt, có năng lực, được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ, tuy nhiên trải qua thực tiễn, thời gian, công việc trở nên quá sức đối với họ, nếu ngồi mãi “ghế nóng” thì có khi khiến cả bộ máy bên dưới ì ạch, giậm chân tại chỗ, thậm chí gây hậu quả khôn lường. Vì thế việc tự nguyện rút lui để Đảng, Nhà nước bố trí người có năng lực tốt hơn đảm đương công việc là việc làm rất đáng trân trọng.

“Đây là văn hóa từ chức, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo quản lý với Tổ quốc, dân tộc, đặc biệt là lĩnh vực, ngành. Cán bộ từ chức không có nghĩa là kết thúc sự nghiệp nếu vẫn còn đủ tuổi công tác, mà là chuyển sang một công việc mới phù hợp hơn với năng lực, sở trường của họ” – bà Nguyễn Thị Báo đồng thời nhấn mạnh, cần tăng cường công tác phê bình và tự phê bình để cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận ra cái tốt, cái chưa tốt để rút kinh nghiệm, tự nguyện xin từ chức nếu thấy bản thân không còn xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới