Những vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên được cho là đang phản tác dụng, khi khiến Hàn Quốc và Nhật gạt bỏ bất đồng để xích lại gần nhau hơn.
Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Hàn Quốc Cho Hyun-dong ngày 26/10 có cuộc thảo luận ba bên với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Takeo Mori và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman tại Tokyo. Triều Tiên là một trong những chủ đề quan trọng nhất được thảo luận, trong bối cảnh nhiều đồn đoán xuất hiện về việc Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử hạt nhân và liên tục tiến hành các vụ bắn pháo, phóng tên lửa mà Seoul cho là “khiêu khích”.
Giới phân tích đánh giá cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc tại Tokyo là một dấu hiệu tích cực cho thấy mối quan hệ song phương vốn rạn nứt vì bất đồng đang được cải thiện, dù vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua.
Các chuyên gia cho rằng hai quốc gia nên là những “đồng minh tự nhiên” khi họ phải đối mặt với một số thách thức chung ở Đông Bắc Á, cũng như cần nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ cùng có lợi về thương mại, văn hóa, giao lưu, giáo dục…
Cho đến nay, lĩnh vực quan trọng nhất mà Nhật Bản và Hàn Quốc có thể thống nhất hợp tác cùng có lợi là vấn đề an ninh khu vực. Mỹ trong khi đó cũng rất muốn nhìn thấy hai đồng minh châu Á chủ chốt của mình hợp tác chặt chẽ hơn với nhau.
Đáp xuống sân bay Haneda của Tokyo ngày 25/10, ông Cho nói với các phóng viên rằng hai nước có thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Fumio Kishida bên lề loạt hội nghị quốc tế vào tháng 11.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc thêm rằng ông hy vọng sẽ thảo luận với người đồng cấp Nhật về các vấn đề gai góc được cho là rào cản trong mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul, trong đó có tranh cãi về “phụ nữ mua vui”. Đây là cụm từ chỉ những phụ nữ bị ép làm việc trong các nhà thổ thời Thế chiến II để phục vụ quân đội Nhật. Khoảng 200.000 phụ nữ châu Á, trong đó có nhiều người Hàn Quốc, đã trở thành nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong thời kỳ này.
Dù hai nước vẫn tồn tại một số bất đồng, giới phân tích nhận định triển vọng xích lại gần nhau hiện nay cao hơn nhiều so với trước đây, trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng tăng với cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản.
“Hai bên đều có nhiều ý chí chính trị muốn hàn gắn quan hệ, đặc biệt là từ phía Hàn Quốc”, Dan Pinkston, giáo sư về quan hệ quốc tế tại chi nhánh Đại học Troy ở Seoul, nhận xét. “Cảm nhận của tôi là mọi người ngày càng nhận thấy rõ nét hơn tình trạng không chắc chắn và bất ổn trên thế giới, trong đó có cả vấn đề Triều Tiên. Vì thế, họ nhận ra cần phải hợp tác ở mức độ tương xứng với các vấn đề an ninh đặt ra”.
“Rõ ràng là xã hội Hàn Quốc vẫn còn bức xúc về các vấn đề lịch sử, và có lẽ Nhật Bản chưa nỗ lực đủ để làm nguôi ngoai cơn giận đó, nhưng chúng thuộc về quá khứ và hai nước hiện có những vấn đề cấp bách hơn rất nhiều cần xử lý”, ông nhấn mạnh.
Theo Pinkston, “một điều trớ trêu” là loạt vụ phóng tên lửa, bắn pháo của Triều Tiên nhằm chia rẽ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, nhưng lại phản tác dụng đến mức đưa cả ba nước xích lại gần nhau hơn.
“Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là một quá trình lâu dài”, ông nói. “Tôi không mong đợi nhìn thấy một thông báo rằng tất cả bất đồng đã được giải quyết hoàn toàn”.
Pinkston lưu ý dù đối mặt với mối đe dọa chung từ chương trình hạt nhân, tên lửa Triều Tiên, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những ưu tiên chính trị riêng, khiến nỗ lực giải quyết toàn bộ bất đồng khó xảy ra. Ông nhận định hai nước trước mắt có thể đạt được một thỏa thuận về các mối quan tâm an ninh chung, sau đó mở rộng sang các trao đổi về thương mại và văn hóa tích cực hơn.
Yoichi Shimada, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học tỉnh Fukui, đồng tình rằng ưu tiên ngắn hạn của cả hai quốc gia là an ninh khu vực.
“Chính quyền cựu tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thường xuyên đề cập các vấn đề lịch sử với Nhật Bản và điều này chỉ gây tổn hại cho mối quan hệ”, ông nói. “Tổng thống Yoon đã kiềm chế hơn rất nhiều vì ông ấy thấy rõ rằng Triều Tiên mới là mối đe dọa thực sự đối với Hàn Quốc, chứ không phải Nhật Bản”.
“Hai quốc gia đã trở thành những đồng minh tự nhiên nhằm chống lại mối đe dọa chung trong khu vực và tôi chắc chắn chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ Hàn Quốc trong các vấn đề an ninh liên quan đến Triều Tiên”, giáo sư Yoichi cho biết thêm.