Ngày 12/10/2022, Nhà Trắng đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) được chờ đợi từ lâu. Theo kế hoạch trước đây Chiến lược An ninh Quốc gia dự kiến được công bố vào năm 2021, nhưng ở vào thời điểm đó nguy cơ bùng phát chiến tranh ở Ukraine đang nổi lên, do vậy mà nó đã bị trì hoãn.
Chiến lược an ninh quốc gia vừa được công bố dài 48 trang, nhấn mạnh sự cần thiết của việc “kiềm chế Nga” trong bối cảnh Ukraine đang bị xâm lược; Mỹ “sẵn sàng sử dụng các biện pháp khác” để đối phó với Iran nếu biện pháp ngoại giao thất bại; khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của Israel và liên minh mới nổi giữa Israel và các nước Arập; mặt khác NSS nhấn mạnh bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các quốc gia, Mỹ “phải duy trì và tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức chung”.
Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất trong Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Biden là về Trung Quốc. NSS nhấn mạnh Trung Quốc là “thách thức địa chính trị gây hậu quả lớn nhất”. Giới phân tích cho rằng Chính quyền Biden lo ngại các động thái của Trung Quốc nhằm “kết hợp quản trị độc tài với chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa xét lại” hơn là lo ngại về một nước Nga đang suy yếu. Hơn 6 tháng sau khi xâm lược Ukraine, quân đội Nga dường như ít đáng sợ hơn so với thời điểm bản thảo đầu tiên của tài liệu trên được lưu hành ở Nhà Trắng hồi tháng 12/2021.
Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ chỉ ra những thách thức không giống nhau mà Nga và Trung Quốc đặt ra: Cụ thể, Nga đặt ra mối đe dọa trước mắt đối với hệ thống quốc tế tự do và rộng mở, sẵn sàng vi phạm các luật lệ cơ bản của trật tự quốc tế ngày nay, thể hiện qua cuộc chiến xâm lược tàn bạo ở Ukraine”; trong khi đó Mỹ đang “ở giữa sự cạnh tranh chiến lược nhằm định hình tương lai của trật tự thế giới” và “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó”.
Chiến lược An ninh Quốc gia của Washington nhấn mạnh Bắc Kinh đang có kế hoạch mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương và trở thành cường quốc hàng đầu thế giới; Trung Quốc trỗi dậy và tìm cách sửa đổi các quy tắc thương mại, giám sát và ảnh hưởng đối với các quốc gia khác, còn Nga đang tìm cách vẽ lại đường biên giới quốc gia. NSS nêu rõ: “Nga hiện đặt ra một mối đe dọa tức thời và dai dẳng đối với hòa bình và ổn định quốc tế” đồng thời nhấn mạnh cuộc chiến ở Ukraine hiện nay không đơn thuần là cuộc xung đột giữa Nga và nền dân chủ phương Tây mà là sự vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực quốc tế, vi phạm “các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, mà Nga là quốc gia thành viên, đặc biệt về việc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nghiêm cấm chiếm đoạt lãnh thổ thông qua chiến tranh”.
Nội dung bao quát trong Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Biden là những thách thức mà Trung Quốc và Nga đang đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế. Mặc dù, được công bố giữa lúc cuộc xung đột ở Ukraine đang ở vào thời điểm khốc liệt nhất, song Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ vẫn coi Trung Quốc là thách thức chiến lược lâu dài nhất.
Liên quan tới những đối sách của Washington với những thách thức đặt ra, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhấn mạnh “Chiến lược của chúng ta nhằm giải quyết những thách thức chung đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu bao gồm đồng thời hai hướng: Thứ nhất, chúng ta sẽ can dự đầy đủ với tất cả các quốc gia và thể chế để hợp tác giải quyết các mối đe dọa chung, bao gồm cả việc thúc đẩy cải cách trong đó các phản ứng thể chế đã được chứng minh là không đủ. Thứ hai, chúng ta cũng sẽ nỗ lực gấp đôi để tăng cường hợp tác với các đối tác cùng chí hướng”. Mặt khác, ông Sullivan khẳng định “Chúng tôi (Mỹ) không muốn chuyển từ cạnh tranh sang đối đầu hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Đó là cụm từ mà các quan chức Trung Quốc thường sử dụng để mô tả chiến lược của Mỹ”.
Với Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ, các chuyên gia phân tích cho rằng điều này mở đường để Lầu Năm Góc trong những tuần tới công bố Chiến lược quốc phòng quốc gia trong thời gian tới; đồng thời nhận định bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuôc chiến với Nga, chính quyền Biden sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh hơn nữa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà trọng tâm là ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực. Việc chính quyền Biden có những biện pháp mạnh hạn chế việc xuất khẩu công nghệ bán dẫn cho Trung Quốc trong những ngày qua là một biểu hiện cụ thể chứng minh cho nhận định này. Có ý kiến còn cho rằng Washington đang “vũ khí hóa” ngành công nghệ cao để chống lại Bắc Kinh.
Liên quan đến cục diện Biển Đông, việc Washington triển khai Chiến lược An ninh Quốc gia mới cũng sẽ tạo ra nhiều hệ lụy, cụ thể là:
Thứ nhất, Chiến lược An ninh Quốc gia vừa được Mỹ công bố thể hiện một cách nhất quán xuyên suốt chính sách của chính quyền Biden, đúng như Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Ukraine đã trì hoãn nhưng không làm “thay đổi cơ bản” cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden. Theo đó, Trung Quốc được xác định là mối đe dọa đối với nước Mỹ và là “đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất”. Với việc chính quyền Biden sẽ tập trung thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì hoạt động của các cơ chế như Nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn) hay hợp tác 3 bên AUKUS (Anh, Mỹ, Úc) sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực, bao gồm Biển Đông. Đây được coi là điểm tựa cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
Ngoài ra, với Chiến lược An ninh Quốc gia mới, chính quyền Biden sẽ đẩy nhanh việc triển khai Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPF) để thúc đẩy liên kết kinh tế với 13 thành viên, trong đó có 7 nước ASEAN nhằm đẩy lùi sự mở rộng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Điều này tạo điều kiện cho các nước khu vực, nhất là các nước ven Biển Đông có thể từng bước giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế để trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông (lâu nay, do sự lệ thuộc lớn vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc mà các nước này thường tỏ ra “nhún nhịn” trước sự hung hăng của Bắc Kinh).
Thứ hai, Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ đề cao việc duy trì trật tự thế giới và khu vực dựa trên pháp luật và khẳng định Mỹ sẽ tăng cường phối hợp với đồng minh và đối tác vì “mục tiêu chung” là cạnh tranh “ có trách nhiệm với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực, tăng cường sức mạnh của hải quân và không quân Mỹ ở khu vực, đồng thời tiếp tục vận động khuyến khích đồng minh gia tăng sự hiện diện của tàu chiến, máy bay để tham gia vào các hoạt động diễn tập ở khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trên thực tế, các nước đồng minh của Mỹ như Úc, Anh, Pháp, Đức, Canada đã thay nhau cử tàu chiến đến hoạt động, tiến hành diễn tập quân sự chung song phương hoặc đa phương ở Biển Đông và khu vực với mục tiêu duy trì tự do an ninh hàng hải theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việc các đồng minh của Mỹ can dự ngày càng sâu vào khu vực và Biển Đông là yếu tố quan trọng để ngăn chặn sự bá quyền của Trung Quốc, bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật.
Với những định hướng tập trung vào kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc được nêu ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ, có thể dự báo cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung bao gồm cả quân sự và kinh tế sẽ ngày càng gay gắt hơn trong thời gian tới. Điều đó đồng nghĩa với việc cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách lôi kéo các nước trong tầm ảnh hưởng của mình, khiến các nước trong khu vực, trong đó có các nước ven Biển Đông phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn đứng về bên nào.
Thứ ba, với nội dung tập trung vào ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới, giới phân tích tin rằng chính quyền Biden sẽ phải nỗ lực thực hiện các cam kết song phương và đa phương với khu vực. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2021, Tổng thống Biden đã khiến Bắc Kinh tức giận khi công khai khẳng định đứng về phía các nước nhỏ ven Biển Đông, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển theo quy định của luật pháp quốc tế. Thậm chí, ông Biden đã nhiều lần bày tỏ úp mở rằng Washington sẽ sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ Đài Loan – một hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là của riêng mình – nếu Trung Quốc xâm lược. Để triển khai thành công Chiến lược An ninh Quốc gia ở khu vực, chính quyền Biden cần tạo dựng sự tin cậy qua việc nghiêm túc thực hiện các cam kết ở khu vực. Tóm lại, ra đời trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ đã vạch ra những định hướng cụ thể với những nội dung cơ bản phù hợp với lợi ích của các nước ven biển, bao gồm các nước ven Biển Đông. Chúng ta cùng chờ xem Mỹ triển khai nhiều hoạt động cụ thể để thực hiện Chiến lược như thế nào.