Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThái Lan và Biển Đông

Thái Lan và Biển Đông

Thái Lan không liên quan trực tiếp tới các tranh chấp ở Biển Đông, tuy nhiên Thái Lan có lợi ích lớn trong việc duy trì hòa bình ổn định, tự do an toàn hàng hải ở Biển Đông. Lâu nay, Thái Lan giữ quan điểm trung lập trên các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nên không bày tỏ ý kiến công khai về các vấn đề liên quan ở Biển Đông.

Một số nhà phân tích nhận định quan điểm trung lập của Thái Lan trên vấn đề Biển Đông phản ánh chính sách đối ngoại “ngọn tre”  thực dụng của chính quyền Bangkok, thể hiện trên một số điểm sau:

Thứ nhất, quan điểm trung lập của Thái Lan trên vấn đề Biển Đông trở thành một nội dung trong chính sách cân bằng của Thái Lan giữa Mỹ và Trung Quốc những năm qua. Nếu như trước đây Thái Lan được coi là đồng minh ngoài NATO của Mỹ và được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam thì sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đưa Bangkok đến sự lựa chọn chính sách đối ngoại theo hướng tìm kiếm một cách có hệ thống sự trung lập và cân bằng với các đối tác khác nhau từ những thập niên cuối của Thế kỷ 21.

Đặc biệt, sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan năm 2014, quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan xuống dốc thảm hại. Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội ngày để nhảy vào lấp đầy khoảng trống. Bắc Kinh đã không chỉ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Bangkok mà còn thúc đẩy các mặt hợp tác quân sự, bao gồm việc bán vũ khí với hàng chục hợp đồng và diễn tập quân sự (Thái Lan là nước tham gia các cuộc tập trận chung với Trung Quốc nhiều nhất trong số các nước ASEAN). Trước những nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Lan, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng có các bước đi để giành lại thị trường vũ khí Thái Lan.

Giới phân tích nhậm định việc Thái Lan nghiễm nhiên trở thành địa bàn “giằng co địa chiến lược” giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á đã khiến Bangkok lựa chọn chính sách “ngọn tre” trong quan hệ tam giác Mỹ – Thái Lan – Trung Quốc, không lựa chọn bên nào để tạo thế cân bằng. Đây là nhân tố khiến Thái Lan duy trì thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông để tránh rơi vào “thế kẹt” trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông.

Thứ hai, Thái Lan giữ thái độ trung lập, không bày tỏ thái độ trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông bởi nền kinh tế Thái Lan đang phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Sau khi chính quyền quân sự lên cầm quyền ở Thái Lan, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Bangkok và Bắc Kinh phát triển nhanh chóng. Với số vốn đầu tư trực tiếp vào Thái Lan đạt 8,6 tỉ USD trong năm 2019, lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để đứng đầu danh sách các nền kinh tế đầu tư vào Thái Lan, kết thúc 5 thập kỷ Nhật Bản luôn dẫn đầu. Thái Lan tích cực tham gia “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc với những dự án hạ tầng lớn như dự án đường sắt cao tốc nối thủ đô Bangkok với thành phố Nakhon Ratchasima, gần với biên giới Lào, với vốn đầu tư cho giai đoạn đầu là gần 5,8 tỷ USD. Đoạn đường sắt cao tốc có chiều dài 250 km (tính đến biên giới Thái Lan – Lào) nằm trong khuôn khổ tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào – Thái Lan.

Về thương mại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Thái Lan. Trong năm 2019, tổng kim ngạch thương mại song phương Thái – Trung đạt 79,44 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc đạt khoảng 26,7 tỷ USD. Trung Quốc chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan.

Do có mối quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư chặt chẽ với Bắc Kinh nên Bangkok không muốn vấn đề Biển Đông – một vấn đề không liên quan trực tiếp tới Thái Lan ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Theo giới chính trị gia ở Bangkok việc duy trì thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông là phù hợp với lợi ích của Thái Lan.

Thứ ba, với tư cách thành viên của ASEAN, Thái Lan không thể đi ngược lại những lợi ích của chung của ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Mặt khác, Thái Lan có trách nhiệm trong việc củng cố sự đồng thuận và đoàn kết của khối để phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trên các vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Thái Lan nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, thái độ trung lập của Thái Lan trên vấn đề Biển Đông vừa giúp Bangkok phát huy vai trò trụ cột trong ASEAN vừa không ảnh hưởng đến các mối quan hệ của họ với Bắc Kinh.

Hơn thế nữa, Thái Lan có quan hệ mật thiết cùng có lợi với các nước ven Biển Đông trong ASEAN. Việc tăng cường hơn nữa quan hệ với các quốc gia này là lợi ích lớn của Thái Lan. Do vậy, dù không muốn “mất lòng” Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, song Thái Lan cũng không thể hùa theo Bắc Kinh mà bỏ qua lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông khác trong ASEAN. Với cách tiếp cận đó, các nhà hoạch định chính sách của Thái Lan cho rằng việc duy trì thái độ trung lập trên vấn đề Biển Đông là sự lựa chọn phù hợp nhất cho đất nước họ.

Nội dung chính sách trung lập của Thái Lan trên vấn đề Biển Đông thể hiện ở hai khía cạnh: một là, Thái Lan luôn ủng hộ lập trường nguyên tắc của ASEAN trên vấn đề Biển Đông giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); duy trì hòa bình ổn định, tự do an toàn hàng hải ở Biển Đông, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; hai là, Bangkok không bày tỏ thái độ công khai về các diễn biến ở Biển Đông. Mặc dù trong các cuộc gặp song phương ở các cấp với các nước ven Biển Đông trong ASEAN (như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia), Thái Lan luôn khẳng định ủng hộ quan điểm của các nước này trên vấn đề Biển Đông, song Bangkok luôn giữ im lặng mỗi khi Bắc Kinh tiến hành các hoạt động hung hăng, gây hấn trong vùng biển của các nước này.

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực ngày càng phức tạp, các quốc gia đều đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết thì việc chính quyền Bangkok thi hành một chính sách trung lập trên vấn đề Biển Đông để tối ưu hóa lợi ích của Thái Lan là điều có thể hiểu được.

Điểm tích cực trong chính sách trung lập của Thái Lan là ở chỗ bất chấp sự lôi kéo của Trung Quốc, chính quyền Bangkok kiên trì chính sách trung lập, không ngả theo hay vào hùa với Bắc Kinh để làm tổn hại tới lợi ích của các nước ven Biển Đông nói riêng và của ASEAN nói chung như một vài nước ASEAN khác. Kể cả khi giữ vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc hay khi làm Chủ tịch của ASEAN, Thái Lan luôn kiên định lập trường của mình trên vấn đề Biển Đông, không chịu chi phối bởi Trung Quốc. Tuy nhiên, việc chính quyền Bangkok tìm cách né tránh một số vấn đề nhạy cảm liên quan đến khu vực và Trung Quốc có thể đem đến những hệ lụy lâu dài đối với Thái Lan, ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của Thái Lan trên các vấn đề khu vực, thậm chí tác động tiêu cực tới an ninh của Thái Lan. Chẳng hạn như việc Trung Quốc tìm cách xây dựng căn cứ quân sự bao gồm cảng biển và sân bay ở Sihanoukville tại Campuchia không chỉ ảnh hưởng đến Biển Đông mà có thể tác động tiêu cực đến an ninh của Thái Lan bởi lẽ Campuchia có đường biên giới dài trên đất liền và trên biển với Thái Lan. Do vậy, việc Bangkok giữ im lặng xung quanh các thông tin liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở  Sihanoukville không phải là cách ứng xử tốt nhất. Sự thụ động của chính quyền Bangkok có thể đem đến những hệ lụy tiêu cực tới các lợi ích an ninh của Thái Lan.

RELATED ARTICLES

Tin mới