Vào ngày 4/11, tại thành phố lịch sử Muenster ở miền Tây nước Đức, các Ngoại trưởng G7 đã kết thúc cuộc hội đàm kéo dài hai ngày và đạt được một tuyên bố chung về lập trường đối với những diễn biến gần đây ở Trung Quốc, Nga, Ukraine, Iran và Triều Tiên. Trong đó, các Ngoại trưởng G7 kêu gọi hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Trung Quốc
Trong một tuyên bố chung, các Ngoại trưởng G7 cảnh báo Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nói rằng “những thách thức này chỉ có thể được giải quyết thành công thông qua hợp tác trong một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Về vấn đề eo biển Đài Loan, các Ngoại trưởng lặp lại tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, đồng thời kêu gọi Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) duy trì các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) về giải quyết hòa bình các tranh chấp và tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Tuyên bố chung cho hay: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc ở eo biển Đài Loan”. Đồng thời, các Ngoại trưởng cho biết thêm, lập trường cơ bản của các thành viên G7 về vấn đề Đài Loan không thay đổi, bao gồm cả chính sách “Một Trung Quốc”.
G7 sẵn sàng “hợp tác xây dựng với Trung Quốc nếu có thể và vì lợi ích của G7” trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và sức khỏe.
Nga
Các ngoại trưởng G7 đã cáo buộc Nga nỗ lực khủng bố thường dân Ukraine bằng cách tấn công các nguồn điện, nước và cơ sở hạ tầng trọng yếu tại nước này. Tuyên bố chung cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên các quốc gia, cá nhân hoặc thực thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho cuộc chiến tranh xâm lược của Nga”.
Các ngoại trưởng cũng cảnh báo Nga về những hậu quả nghiêm trọng nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học, vũ khí sinh học hoặc vũ khí hạt nhân tại Ukraine. Đồng thời, tuyên bố chung cho rằng, “những lời ngụy biện về việc sử dụng vũ khí hạt nhân vô trách nhiệm của Nga là không thể chấp nhận được” và một lần nữa kêu gọi Moscow chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Ukraina
Các Ngoại trưởng G7 cam kết sẽ hỗ trợ tái thiết đất nước Ukraine. Tuyên bố chung cho biết: “Theo cam kết, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quốc phòng, chính trị, kỹ thuật và pháp lý để giảm bớt sự thống khổ của người dân, cũng như giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Các Ngoại trưởng G7 tuyên bố thành lập cơ chế phối hợp G7 để giúp Ukraine sửa chữa, khôi phục và bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng và nước quan trọng.
Vào cuối cuộc họp, chính phủ Mỹ tuyên bố đã tăng viện trợ quân sự cho Ukraine thêm 400 triệu USD, nâng tổng viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga lên hơn 18,2 tỷ USD.
Triều Tiên
Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng G7 lên án các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên vì làm gia tăng căng thẳng ở châu Á, đồng thời đưa ra cảnh báo rõ ràng về khả năng Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân mới.
“Bất kỳ vụ thử hạt nhân nào hoặc các hành động liều lĩnh khác đều phải được đáp ứng bằng một phản ứng quốc tế nhanh chóng, đoàn kết và mạnh mẽ”, theo tuyên bố chung.
Iran
Các Ngoại trưởng G7 cũng lên án Iran vì cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga, bao gồm cả máy bay không người lái, đồng thời chỉ trích chính phủ Iran đã đàn áp bạo lực đối với những người biểu tình chống chính phủ. Tuyên bố chung cho hay, Tehran “đã sử dụng vũ lực thô bạo và không tương xứng với những người biểu tình ôn hòa và trẻ em”, đồng thời các Ngoại trưởng G7 cáo buộc Tehran đang “gây bất ổn trong và xung quanh Trung Đông”.
Nhóm G7 (Group of Seven) là diễn đàn của 7 đại cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển với kỹ nghệ tiên tiến trên thế giới, gồm: Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ.
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, trong khi các nước thành viên G7 thường ‘nội bộ lục đục’ vì lợi ích trong nước, G7 đã thể hiện sự đoàn kết phi thường trong hầu hết các vấn đề liên quan đến kiềm chế phạm vi ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và tham vọng bá chủ toàn cầu của nước này.
T.P