Ngày 22/10/2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến thăm thành phố Perth trên bờ biển phía Tây của Australia gặp người đồng cấp Anthony Albanese. Đây là cuộc gặp trực tiếp lần thứ tư của hai nhà lãnh đạo trong chưa đầy 5 tháng kể từ khi ông Anthony Albanese nhậm chức Thủ tướng Australia hôm 23/5/2022.
Hai nội dung chính được thảo luận là: (i) vấn đề Australia cung cấp năng lượng cho Nhật Bản sau những tác động tiêu cực của cuộc chiến ở Ukraine đối với nguồn cung năng lượng của thế giới; (ii) thúc đẩy hợp tác an ninh song phương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng đe dọa an ninh khu vực.
Sau cuộc gặp, hai bên đã ký một thỏa thuận an ninh song phương mới liên quan tới hợp tác trong các lĩnh vực quân sự, tình báo và an ninh mạng nhằm đối phó với các thách thức an ninh đặt ra từ sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuyên bố hợp tác an ninh đầu tiên được ký cách đây 15 năm (năm 2007) vào thời điểm sự trỗi dậy của Trung Quốc ít được quan tâm hơn. Do vậy, Tuyên bố 2007 tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, các mối quan tâm về an ninh con người như cứu trợ thảm họa và đại dịch….
Sau 15 năm, môi trường an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã thay đổi đáng kể. Dựa trên những quan ngại chung, Tuyên bố mới nhằm ứng phó với những thách thức địa chính trị do Trung Quốc đặt ra và tăng cường hợp tác quân sự dựa trên Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) mà Thủ tướng Kishida đã ký với nhà lãnh đạo Australia lúc đó là Scott Morrison hồi tháng 1/2022, nhằm loại bỏ những trở ngại đối với việc tổ chức các cuộc tập trận chung ở cả hai quốc gia.
Đây là thỏa thuận đầu tiên thuộc dạng này mà Nhật Bản ký với một quốc gia khác ngoài Mỹ. Thỏa thuận đã nâng hợp tác quân sự 2 nước lên một cấp độ mới, có ý nghĩa chiến lược đối với không chỉ mối quan hệ song phương Canberra-Tokyo, mà còn là động lực an ninh rộng lớn hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phát biểu sau lễ ký, Thủ tướng Albanese cho biết “đây là một tuyên bố mang tính bước ngoặt, gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến khu vực về liên kết chiến lược của hai nước”. Về phần mình, Thủ tướng Kishida nói rằng quan hệ đối tác đã “nâng lên một tầm cao mới” đáp ứng “môi trường chiến lược ngày càng nhiều thách thức” và “sẽ vạch ra phương hướng hợp tác an ninh và quốc phòng (giữa hai nước) trong 10 năm tới”.
Sau khi Thủ tướng Albanese và Thủ tướng Kishida ký thỏa thuận hợp tác mới, các học giả đã gắn cho quan hệ giữa Australia – Nhật một tên gọi mới là quan hệ “bán liên minh” khi nhấn mạnh Tuyên bố mới lần này – dựa trên truyền thống hợp tác an ninh của hai nước – sẽ tạo nền tảng cao hơn cho cái gọi là “bán liên minh” giữa Australia và Nhật Bản, cũng như các chương trình hợp tác ba bên và bốn bên. Điều 7 của thỏa thuận thiết lập cách tiếp cận đối với mối nguy hiểm chung trong liên minh ba bên và quan hệ Nhật Bản-Australia trong liên minh với Mỹ: “Quan hệ đối tác song phương của chúng ta cũng giúp củng cố các liên minh của mỗi bên với Mỹ, đóng vai trò là trụ cột quan trọng cho an ninh của chúng ta, cũng như hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tăng cường hợp tác ba bên với Mỹ là rất quan trọng để tăng cường liên kết chiến lược, điều phối chính sách, khả năng tương tác và khả năng chung của các bên”.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán và hung hăng hơn, mối quan hệ “bán liên minh” giữa Australia – Nhật tạo hệ lụy gì đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng đang được các nhà nghiên cứu quan tâm. Đa phần các ý kiến cho rằng việc tăng cường hợp tác an ninh giữa giữa Australia và Nhật Bản đem lại những hệ lụy tích cực cho khu vực và Biển Đông.
Thứ nhất, cả Australia và Nhật Bản cùng đối mặt với các thách thức lớn từ sự hung hăng của Trung Quốc và đều đang là “nạn nhân” trong chính sách cường quyền của Bắc Kinh (tàu các loại của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập trái phép vùng biển của Nhật Bản, bao gồm vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku hiện Nhật Bản đang quản lý; Australia đang bị Trung Quốc lấn sân ở khu vực Nam Thái Bình Dương và đang phải chịu sức ép từ những “đòn trừng phạt kinh tế” của Bắc Kinh. Việc Australia – Nhật thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng, ký thỏa thuận hợp tác an ninh mới sẽ là yếu tố quan trọng để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực.
Tuyên bố chung về hợp tác an ninh mới Australia-Nhật không đề cập trực diện Trung Quốc, song mục tiêu chính của việc nâng cấp mối quan hệ an ninh, quân sự giữa Australia và Nhật Bản là nhằm vào Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng thay vì phải “đối mặt với các hệ lụy của việc công bố một hiệp ước hoặc liên minh quân sự chính thức”, Australia và Nhật Bản đã có cách tiếp cận một cách uyển chuyển hơn khi ký Tuyên bố chung về hợp tác an ninh được xem như “bán liên minh” để giảm đi tính chính thức của vấn đề và Bắc Kinh không có cớ để phản đối.
Thỏa thuận hợp tác an ninh mới giữa Australia và Nhật Bản chắc chắn không chỉ là vấn đề song phương. Trong bối cảnh, cả Canberra và Tokyo đều ủng hộ mạnh mẽ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thì hai nước cần thể hiện rõ vai trò của mình đối với an ninh khu vực. Để đối phó với các mối đe dọa trong khu vực, tự bản thân khu vực phải có năng lực đủ tin cậy. Với việc ký thỏa thuận hợp tác an ninh mới, Australia-Nhật đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc đàm bảo an ninh khu vực.
Việc Bắc Kinh không chỉ hung hăng bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông, đe dọa sử dụng vũ lực với Đài Loan mà còn đang mở rộng ảnh hưởng tới tận các quốc đảo và vùng biển ở Nam Thái Bình Dương chính là nguyên nhân thôi thúc Australia và Nhật Bản thắt chặt mối quan hệ hợp tác an ninh, quân sự trên Thải Bình Dương.
Thứ hai, trên vấn đề Biển Đông, thời gian qua cả Australia và Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình ổn định, đảm bảo tự do an ninh hàng hải và hàng không trên Biển Đông khi hai nước thường xuyên đưa tàu chiến đến hoạt động ở Biển Đông, thậm chí cùng với hải quân Mỹ tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông. Về mặt pháp lý, cả Australia và Nhật Bản đều đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bày tỏ quan điểm pháp lý trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông. Theo đó, cả Canberra và Tokyo cùng bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông; ủng hộ Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng; kêu gọi các bên tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Do vậy, giới phân tích nhận định việc Canberra và Tokyo thắt chặt hợp tác an ninh thông qua việc ký thỏa thuận an ninh mới sẽ có tác động tích cực tới cục diện Biển Đông, tạo động lực mới để cả Australia và Nhật Bản tiếp tục đóng góp nhiều hơn vào an ninh trên Biển Đông.
Cả Australia và Nhật Bản đều có quan hệ tốt với các nước ven Biển Đông và cùng khẳng định coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN. Australia và Nhật Bản đã hỗ trợ các nước ven Biển Đông nâng cao năng lực quản lý các vùng biển của mình. Việc thắt chặt hợp tác an ninh giữa Canberra và Tokyo có thể mở ra khả năng hợp tác 3 bên giữa Australia và Nhật Bản với từng nước ven Biển Đông hoặc giữa 2 nước này với cả khối ASEAN trên vấn đề an ninh hàng hải ở Biển Đông. Đây rõ ràng là những hệ quả tích cực từ thỏa thuận an ninh mới Australia-Nhật đối với cục diện Biển Đông.
Đáng chú ý Tuyên bố chung về hợp tác an ninh Australia – Nhật Bản đề cập đến hai nội dung quan trọng được các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông quan tâm: một là, hợp tác an ninh Australia – Nhật là nhằm chống lại các “hành vi… phá hoại các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”. Đây chính là yếu tố quan trọng để duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trong khu vực; hai là, Tuyên bố hợp tác an ninh mới Australia – Nhật cũng đề cập đến hợp tác trong việc “chống lại sự áp bức kinh tế và tin giả” – những mối đe dọa mà Trung Quốc thường xuyên bị cáo buộc là kẻ giật dây.
Australia và Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với nhau ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á để hỗ trợ chủ quyền và khả năng chống chịu của các nước trong khu vực, đảm bảo các nước có quyền lựa chọn đối tác trong hợp tác thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển và an ninh. Giới học giả cho rằng việc thỏa thuận hợp tác an ninh mới Australia – Nhật nhấn mạnh nội dung chống “áp bức kinh tế” có thể là tín hiệu tích cực về việc Australia – Nhật sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Đông Nam Á để giúp các nước này giảm bớt sự lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc và ngày càng mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn trong đấu tranh chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thỏa thuận hợp tác an ninh mới Australia – Nhật còn có ý nghĩa thúc đẩy những cải cách trong nước của Nhật Bản trong lĩnh vực quốc phòng, thúc đẩy cuộc thảo luận về chiến lược an ninh quốc gia và các văn kiện quốc phòng quan trọng khác đang được lên kế hoạch của Nhật Bản, giúp cải thiện căn bản khả năng quốc phòng của Nhật Bản để Tokyo có thể đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm an ninh hàng hải ở Biển Đông. Mặt khác, việc tăng cường hợp tác an ninh Australia – Nhật có thể trở thành động lực thúc đẩy các cơ chế hợp tác khác trong khu vực như Nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Australia, Nhật, Ấn), liên minh 3 bên AUKUS (giữa Mỹ, Anh, Úc) hay Hiệp ước An ninh quân sự ANZUS (giữa Australia-New Zealand-Mỹ)… Đây được coi là các cơ chế có vai trò quan trọng ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc ở khu vực, trong đó có Biển Đông. Tòm lại, thỏa thuận hợp tác an ninh mới Australia – Nhật về tổng thể có lợi cho cục diện Biển Đông và các nước nhỏ ven Biển Đông.