Thursday, October 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiUNCLOS, COC và bài học

UNCLOS, COC và bài học

Bất chấp các nỗ lực chung, đàm phán COC sau 20 vẫn ì ạch. Một trong những trở ngại của công việc quan trọng này là do những bất đồng về nhận thức giữa các bên về cách giải thích UNCLOS.

Chưa đầy 2 tháng nữa, năm 2022 sẽ kết thúc. Thời điểm này, có thể ví như phút 88 của trận bóng đá: một khi chưa ghi được bàn thì càng ít có khả năng ghi trong thời gian còn lại. Nói cách khác, khó xảy ra chuyện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ký kết được trong năm nay, như kỳ vọng của các nước ASEAN, và phần nào, cũng là kỳ vọng của cộng đồng quốc tế nói chung.

Thực tế đáng buồn đó cho thấy sự hoài nghi sáng suốt của dư luận về những tuyên bố lạc quan hồi tháng 7 của ông ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị: “COC đã đi vào hồi kết”.

Mà đâu chỉ mình nhà ngoại giao cáo già họ Vương ru ngủ các nước ASEAN, trong mục tiêu hạn chế hơn: hoàn thành và đọc dự thảo lần hai COC vào cuối năm nay (2022) – như tuyên bố của Tổng thư ký ASEAN Dato Paduka Lim Jock Hoi ngày 18/10 vừa qua, như cũng đang trôi dần vào quên lãng.

Tiến độ ì ạch của COC còn khiến nhiều người bi quan cả vào khả năng hiện thực hóa nội dung liên quan Biển Đông đề cập trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, ghi rằng, hai bên “nhất trí, sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) hiệu quả, có nội dung thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982” nhân chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo tối cao Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, theo lời mời của người đồng cấp Tập Cận Bình đầu tháng 11 này.

Cần nhấn mạnh một điều: cho dù là chuyến thăm của nhà lãnh đạo Việt Nam, nhưng tầm ảnh hưởng của nó liên quan tới tình hình khu vực do Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng, cũng là quốc gia liên quan trực tiếp và sâu sắc nhất đến câu chuyện Biển Đông.

Thậm chí, có nhà quan sát còn chán nản cho rằng: COC ư? Bỏ đi. Đừng tốn thời gian, vì nó chẳng đi tới đâu!

Đừng nghĩ tất cả những ai thiếu lạc quan về COC là nạn nhân đáng thương hại của chủ nghĩa hoài nghi. Rất có thể, họ mới là những người sâu sắc, tỉnh táo nhất. Tỉnh táo nên mới phát hiện được điều trớ trêu trong quá trình đàm phán văn kiện này.

Yêu cầu đặt ra với COC là hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Về mặt quan điểm, chẳng có quốc gia nào lắc đầu. Nhưng nhận thức, cách giải thích về điểm mấu chốt phục vụ cho đàm phán COC lại tạo ra xung đột giữa ASEAN và Trung Quốc. Các nước ASEAN kiên trì lập trường “Công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý mà trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải được thực hiện”. Trong các lý lẽ ASEAN căn cứ, gần nhất là Phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, theo đó, PCA đã bác bỏ hầu hết yêu sách trong “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Tất nhiên, các nước ASEAN thừa khôn để bỏ ra ngoài sự can dự của Mỹ có lợi cho họ, trong cuộc đấu giành giật quyền lợi trên biển với Trung Quốc.

Đối lập lại, Trung Quốc khăng khăng “UNCLOS không thể bao trùm quyền lịch sử”. Nhìn qua, ai cũng hiểu tại sao Trung Quốc không chấp nhận UNCLOS có thể điều chỉnh vấn đề “quyền lịch sử”. Bởi nó liên quan câu chuyện “đường 9 đoạn”. Lâu nay, ASEAN cũng như nhiều nước, gần đây thêm cả Mỹ, bác bỏ “đường 9 đoạn” Trung Quốc đơn phương đưa ra, thì Trung Quốc lại cho rằng, “đường 9 đoạn” là “quyền lịch sử” (?) của họ.

UNCLOS được ví như “hiến pháp của biển và đại dương” có tới 168 quốc gia thành viên LHQ phê chuẩn, trong đó có Trung Quốc. Hiến pháp, văn bản luật nói chung cần rõ ràng, đặc biết, tránh kiểu hiểu thế nào cũng được. Vậy mà khi cần vận dụng phục vụ cho việc đàm phán Biển Đông, UNCLOS lại khiến các bên liên quan cãi nhau như mổ bò vì không thể có tiếng nói chung. Chẳng phải một năm, cuộc cãi vã, tính tới nay, đã kéo dài tới 20 năm chẵn.

Thực tế đó cho thấy, ngoại trừ việc Trung Quốc “cãi chày cãi cối” để mưu cầu lợi ích không chính đáng (điều ai cũng thấy rõ), trong quá trình đàm phán UNCLOS, các quốc gia tham gia đã sơ xuất, không lường được các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình vận dụng.

Suy cho cùng, cũng là một bài học đắt giá cần nhớ, nhất là khi đối tượng đàm phán là Trung Quốc.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới