Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ-TQ: Từ cạnh tranh sang đối đầu

Mỹ-TQ: Từ cạnh tranh sang đối đầu

Chỉ còn gần hai tháng nữa sẽ kết thúc năm 2022. Gần đây khi phân tích tình hình quốc tế trong năm, các nhà phân tích thường tập trung làm rõ một vấn đề mang tính toàn cầu: cạnh tranh Mỹ-Trung liệu đã bước sang giai đoạn đối đầu?

Trong Chiến lược An ninh quốc gia mới tuyên bố hồi tháng 10 vừa qua, Mỹ coi Trung Quốc là “thách thức địa chính trị quan trọng nhất của Mỹ”, trong đó nhấn mạnh “cạnh tranh kinh tế là vấn đề quan trọng nhất”. Đây là văn bản chiến lược an ninh chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau 21 tháng nắm quyền. Chiến lược nêu rõ những ưu tiên của Mỹ trong việc tái xây dựng quan hệ với đồng minh và tăng cường cạnh tranh với Nga, Trung Quốc.

Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ lớn nhất ảnh hưởng tới “ngôi bá chủ” thế giới của mình. Washington coi đây là tình huống nguy hiểm, cần phải ngăn cản trực diện và cấp bách. Cơn cớ của việc chuyển từ cạnh tranh chiến lược sang đối đầu là như vậy.

Trong văn bản Chiến lược an ninh mới, Tổng thống Biden nhấn mạnh ý đồ và những trò lá mặt lá trái của Bắc Kinh trong việc tái định hình trật tự thế giới. Ông Biden nói: “Nga tạo ra mối đe dọa tức thời, nhưng Trung Quốc, ngược lại, là đối thủ duy nhất có ý định tái định hình trật tự thế giới và ngày càng gia tăng sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự lẫn công nghệ để đạt được mục tiêu ấy”.

Kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1979), Washington nhiều lần lên án Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân sự, song song với các động thái ngày càng quyết đoán liên quan tới chủ quyền, lãnh thổ, đặc biệt là việc bắt nạt các nước yếu thế hơn, gây căng thẳng trên Biển Đông.

Khi ông Biden nhắc tới “thập niên quyết định” trong quan hệ Mỹ – Trung là muốn lưu ý Mỹ cần có động thái cấp tập, kiên quyết đối với Trung Quốc.
Cùng với việc trừng phạt kinh tế, Washington đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, qua đó hạn chế khả năng công nghệ của Trung Quốc. Các công ty ở Mỹ phải đưa ra nhiều giấy phép đặc biệt mới được bán chip máy tính và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc.

Hôm 12/10, tờ Foreign Policy – tờ tạp chí chính trị quốc tế hàng đầu của Mỹ – có bài bình luận cho rằng, điểm mấu chốt nằm ở các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm bóp nghẹt khả năng sản xuất bán dẫn của Trung Quốc. Đây là loạt biện pháp do Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS) công bố.

Rõ là một hành động mang tính đối đầu khi Mỹ ra một quyết định đơn phương, ít tham vấn với các công ty và đối tác – một màn “chơi tất tay” của Mỹ trong thời gian tới, trong “thập niên quyết định”.

Tình trạng “chuyển trạng thái chiến đấu” của Nhà Trắng,Washington không hề bất ngờ. Từ tháng7/2022, trong cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden “dội nước lạnh vào đầu nhau” khi bàn về các vấn đề nhạy cảm mà không né tránh như các lần trước. Hai ông đã nói đến nhiều vấn đề căng thẳng, gây bất đồng giữa hai nước, đặc biệt là hồ sơ Đài Loan.

Trong bản ghi nhớ nội dung trao đổi, ông Biden cho biết, có nhắc với đồng nhiệm Trung Quốc rằng, “Hoa Kỳ cực lực phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hay đe dọa hòa bình tại eo biển Đài Loan”.

Giờ đây, kịch bản một cuộc xâm lược hòn đảo này từ Trung Quốc là khá rõ. Tổng thống Mỹ Biden buộc phải tuyên bố, Mỹ sẵn sàng bảo vệ hòn đảo bằng quân sự. Ở bên kia đầu dây, Tập Cận Bình cứng rắn: “Những ai đùa với lửa rồi có ngày sẽ bị bỏng”.

Một điểm căng thẳng trong thảo luận giữa Joe Biden và Tập Cận Bình là mức thuế hải quan 25% do cựu Tổng thống Donald Trump áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Mỹ dự tính dỡ bỏ biện pháp đó nhằm kiềm chế lạm phát, thế nhưng trong suốt cuộc trao đổi, chưa có một tiến bộ nào được ghi nhận.

Nếu như cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ là cạnh tranh về ngôi vị quyền lực toàn cầu, về khả năng “đặt chương trình nghị sự” để dẫn dắt thế giới, thì nay sẽ là cuộc đối đầu quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế-thương mại, công nghệ, ngoại giao, văn hóa, quân sự đến dân chủ, nhân quyền…

Cho dù kinh tế-thương mại và công nghệ là vấn đề được coi là nóng bỏng, nhưng nóng hơn vẫn là chuyện “đấu súng” khi Trung Quốc quyết định thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Tư tưởng ấy thể hiện rõ qua Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại khốc liệt đã và đang xảy giữa hai cường quốc. Nhưng đáng lo ngại hơn là cuộc chiến tranh quân sự. Bởi giờ đây vũ khí trang bị và quân đội hai nước đã sẵn sàng. Những cuộc tập trận kéo dài, sát tình huống chiến đấu, trước là để hăm dọa, sau là để… vào trận.

Đương nhiên nhân dân Mỹ và Trung Quốc yêu chuộng hòa bình cùng loài người tiến bộ trên khắp năm châu phản đối điều đó. Bài học về cuộc chiến Nga-Ukraina là quá đắt!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới