Saturday, December 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDoanh nghiệp bất động sản kiến nghị gì trong buổi làm việc...

Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị gì trong buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ?

Các doanh nghiệp cho rằng cho rằng thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Trong đó, nguồn vốn và thủ tục là hai điểm nghẽn chính.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản không tiếp cận được vốn để triển khai dự án khi hàng loạt ngân hàng hết room, kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị “tắc”.

Sáng 8/11, hơn 10 doanh nghiệp bất động sản khu vực phía Nam đã có buổi làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ Xây dựng, trong đó có một số doanh nghiệp lớn như: Novaland, Phú Mỹ Hưng, Hưng Thịnh, Him Lam, Lê Thành, Sơn Kim Land, DIC Corp, Khang Điền…

Cuộc họp diễn ra tại Văn phòng Chính phủ TP.HCM trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản đối diện nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động

Trong báo cáo tóm tắt gửi đến cuộc họp, Bộ Xây dựng cho biết hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong triển khai dự án do có vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý, đặc biệt là việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục giao đất, tính tình sử dụng đất.

“Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn đầu tư, thi công một số dự án, dừng triển khai dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO… Một số phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động”, Bộ Xây dựng nhận định.

Trao đổi với Phóng viên , lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có tham dự cuộc họp vào sáng nay cho biết, mỗi doanh nghiệp có 10 phút trình bày thẳng với Phó thủ tướng vấn đề cụ thể bị “nghẽn”, điểm chung là đều gặp khó trong việc huy động vốn, và thủ tục hành chính.

Tại cuộc họp, các đại diện các doanh nghiệp đều đồng tình với ý kiến của Bộ Xây dựng, cho rằng thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái, rất cần sự lắng nghe và vào cuộc kịp thời của Chính phủ.

Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, thị trường đang rất khó khăn, nhất là khi ngân hàng bắt đầu siết tín dụng đối với người mua nhà và các nhà phát triển bất động sản.

Về phía Novaland, Công ty phải thực hiện tái cấu trúc, rà soát lại tất cả các hoạt động kinh doanh, sẽ tập trung vào kinh doanh lõi là đầu tư, phát triển bất động sản. Riêng các dự án chưa triển khai, Công ty cũng tạm hoãn đầu tư nhằm chờ thời điểm phù hợp.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” phải vay ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro.

Đồng thời, họ phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40% giá hợp đồng, tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

“Bên cạnh đó, việc bán dự án với giá hời có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay”, ông Châu nhấn mạnh.

Ngoài vốn, ông Châu cho biết trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 100 dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, bị “đắp chiếu” hàng chục năm, rất cần các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc tháo gỡ.

Điển hình như dự án Dragon City (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) của Công ty cổ phần địa ốc Phú Long, còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay, Phú Long không thể triển khai dự án. Hay dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 2) của Công ty Lê Thành vẫn chưa thể tiến hành xây dựng do chưa được điều chỉnh quy hoạch cục bộ.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng – thương mại Lê Thành cho biết, khi làm dự án nhà ở xã hội, điều doanh nghiệp quan tâm đầu tiên là vấn đề cơ chế, pháp lý. Bên cạnh đó là những ưu đãi của nhà nước để giảm giá thành và thủ tục mua nhà của người dân.

“Hiện nay, thủ tục xin nhà ở xã hội bị vướng rất nhiều luật. Cụ thể, quy trình luật đầu tư và luật nhà ở trái ngược nhau khiến doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông nói và cho biết khi xây dựng xong, doanh nghiệp cũng bị hậu kiểm rất chặt và kỹ.

Ngoài ra, đối với người mua là lao động tự do khi xin hồ sơ mua nhà ở xã hội cũng gặp nhiều vướng mắc. “Đơn cử, địa phương chỉ xác nhận người đó có nhà ở hay chưa mà không hề xác nhận họ có đóng thuế thu nhập cá nhân hay không, điều này dẫn đến doanh nghiệp không thể nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng để thẩm định”, ông Nghĩa cho biết.

Cần gỡ pháp lý và nguồn vốn

“Đại diện doanh nghiệp bất động sản ở Thành phố tại cuộc trao đổi rất lo lắng và kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật, giúp làm tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở cho thị trường, xử lý tình trạng khan hiếm nhà ở, mất cân đối cung cầu nhà ở dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây”, ông Châu cho biết sau cuộc họp sáng nay với lãnh đạo Chính Phủ, và cho rằng đã có nhiều kiến nghị gửi đến Bộ Xây dựng. Sau cuộc họp, Bộ Xây dựng sẽ tập hợp để báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, theo ông Châu, giải pháp lớn nhất, bao quát nhất và có tính quyết định nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, quá trình này dự kiến đến 2023 mới hoàn tất. Do đó, trong lúc này, cần có các giải pháp cấp bách hơn.

Trong đó, kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn để thí điểm tập trung tháo gỡ cho khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị vướng mắc pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng, qua đó tạo niềm tin và cú hích cho thị trường.

Theo ông Châu, cần sớm có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, đất do cổ phần hóa hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay, hoặc do thực hiện công tác rà soát pháp lý.

Với phân khúc nhà ở xã hội, HoREA đề nghị các tỉnh thực hiện nhanh, thông thoáng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất, không yêu cầu phải phù hợp 100% quy hoạch 1/2000. Còn các dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 quy định nghĩa vụ dành 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trước ngày 1/4/2021 nên được tiếp tục thực hiện mà không cần phê duyệt lại.

Song song đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp về cả tín dụng lẫn trái phiếu. “Thị trường bất động sản đang rất khó khăn, đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Liên quan đến nguồn vốn, đại diện Tập đoàn Novaland cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước sớm có những chỉ đạo cụ thể để khách hàng, nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản cũng như những nhà đầu tư thứ cấp tiếp cận, sử dụng được nguồn vốn tín dụng.

“Một trong những giải pháp hiện nay là tạo điều kiện cho những chủ đầu tư lớn, những dự án đã được thẩm định, được duyệt thì cần có sự cởi mở hơn trong việc tiếp cận tín dụng, giúp cho thị trường bất động sản phục hồi”, vị này cho biết.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới