Trong lịch làm việc tuần này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Giới kinh doanh lại nín thở chờ đợi.
Hơn 1 tuần trước, nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã ký chung văn bản trực tiếp gửi tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kiến nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân là đối tượng của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các doanh nghiệp rất lo lắng, vì nhiều lẽ.
Thứ nhất, đây không phải là thời điểm phù hợp cho những góp ý mang tính thay đổi lớn từ doanh nghiệp. Trong kiến nghị gửi Chủ tịch Quốc hội, các hiệp hội còn đề nghị được gặp gỡ, trao đổi để làm rõ các kiến nghị.
Nhưng trong thư, các doanh nghiệp cũng nói rõ, họ mới biết đến nội dung này qua báo chí, truyền thông, sau phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp này. Khi đó, nhiều đại biểu đăng đàn tranh luận có cần quy chế dân chủ với khối tư nhân không, trong khi nhiều doanh nghiệp không hề biết họ có thể sẽ trở thành đối tượng điều chỉnh của một văn bản luật.
Thứ hai và là lý do chính của kiến nghị, cơ cấu vận hành của doanh nghiệp tư nhân khác hoàn toàn với doanh nghiệp nhà nước, trong đó điểm khác về bản chất là doanh nghiệp tư nhân tự đầu tư để gây dựng doanh nghiệp bằng chính nguồn vốn của mình, không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, nên có quyền quyết định trong việc quản trị doanh nghiệp mà không phải hỏi ý kiến người lao động. Luật pháp cũng quy định việc doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh (như Điều 7, Luật Doanh nghiệp 2020; Điều 5, Luật Đầu tư 2020).
Cho dù việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp được hiểu là nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, để người lao động được tham gia giám sát, kiểm tra những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình, nhưng nếu phải cung cấp và công khai hết toàn bộ thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là những thông tin bí mật trong quản trị (về tình hình sản xuất – kinh doanh, tình hình hoạt động, thang lương, bảng lương…) cho toàn thể lao động, công đoàn, ban thanh tra nhân dân, thì quyền tự chủ vận hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật sẽ được bảo vệ như thế nào.
Đó là chưa kể, nếu các hoạt động này bị lạm dụng hoặc thực hiện một cách không hợp lý, không phù hợp, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, tốn thêm chi phí, gây rủi ro trong quá trình thực hiện.
Thứ ba, các nội dung bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động đã có tại Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn, nếu bổ sung thêm ở Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì sẽ gây chồng chéo, trùng lặp. Đó là chưa kể vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động sẽ như thế nào khi phát sinh thêm một tổ chức mới là thanh tra nhân dân…, với chức năng và quyền hạn gần như tương tự.
Hơn thế, có doanh nghiệp lo ngại việc trao quyền cho người lao động, ban thanh tra nhân dân quá nhiều, vượt quá quyền lợi hợp pháp chính đáng, khiến người lao động dễ phát sinh yêu sách, kết bè phái, gây nhiễu cho chủ doanh nghiệp.
Khi gửi kiến nghị tới Chủ tịch Quốc hội, các hiệp hội doanh nghiệp cũng bày tỏ rằng, nếu có một vài doanh nghiệp chưa làm đúng luật và chưa chăm lo cho người lao động tốt, thì xử lý theo cơ chế giám sát, thương lượng của công đoàn, thanh tra của Nhà nước, chứ không thể chỉ vì một vài doanh nghiệp thực hiện không tốt, mà áp dụng chung luật này cho tất cả doanh nghiệp.
Nhưng với những lý lẽ trên, không chỉ doanh nghiệp tư nhân nhận thấy sự không phù hợp khi trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Khi báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lý giải, doanh nghiệp nhà nước không chỉ gồm doanh nghiệp có 100% vốn do Nhà nước đầu tư, thành lập, tổ chức quản lý, mà đã mở rộng ra cả doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hay tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Do đó, nếu chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các doanh nghiệp nhà nước theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì sẽ chưa thật sự đầy đủ. Điều này có thể tạo thêm áp lực về trách nhiệm cho doanh nghiệp nhà nước, trong khi về cơ chế quản lý, môi trường kinh doanh và cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng tiệm cận tiêu chuẩn chung như doanh nghiệp khác. Vì vậy, có đại biểu đã đề nghị không đưa cả doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân vào đối tượng áp dụng của luật này…
Mọi phương án hẳn đang được các đại biểu Quốc hội cân nhắc thận trọng trước khi bấm nút.
T.P