Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnSự thật về tham nhũng ở VIỆT NAM

Sự thật về tham nhũng ở VIỆT NAM

Báo cáo của các cơ quan cho thấy, tỷ lệ tội phạm tham nhũng, chức vụ trong năm 2022 tăng nhiều nhất.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại Quốc hội.

Ủy ban Tư pháp QH đề nghị rà soát, làm rõ những bất cập trong quản lý nhà nước để ngăn ngừa tội phạm, nhất là trong lĩnh vực y tế, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Rà soát bất cập trong quản lý nhà nước

Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay trong năm qua, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Trong đó, nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN), đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng chống dịch bệnh… Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 40,97%.

Chính phủ đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm. Đồng thời, tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Báo cáo công tác năm 2022, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cũng thông tin, tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất. Một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Báo cáo thẩm tra về công tác tư pháp năm 2022 của Ủy ban Tư pháp QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá, việc tội phạm tham nhũng, chức vụ bị phát hiện tăng 40,97% cho thấy công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt, đạt hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa.

Tuy vậy, Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, có sự tham gia của một số người nguyên là cán bộ cao cấp đã lợi dụng chính sách của nhà nước làm trái quy định để vụ lợi, như vụ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á; hay vụ đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, trong đó tội phạm trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức tinh vi; hay lợi dụng sơ hở của công tác quản lý nhà nước để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu DN, gây thiệt hại cho hàng ngàn nhà đầu tư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, tài chính tiền tệ. Qua đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước để có giải pháp hạn chế phát sinh vi phạm và tội phạm, nhất là trong lĩnh vực y tế, chứng khoán, trái phiếu DN.

Tạo điều kiện khắc phục để thu hồi tài sản tham nhũng

Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng Viện KSND tối cao đều khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục đấu tranh với các loại tội phạm; triển khai toàn diện, giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Đáng chú ý, Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị QH nhiều nội dung: QH tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung. Đồng thời, phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Viện trưởng Viện KSND tối cao cũng đề nghị QH xem xét nghiên cứu xây dựng “luật Đạo đức” để giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người nhằm góp phần tốt hơn trong phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng các yêu cầu: kỷ cương, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro cho người thực hiện để đảm bảo năng động, sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển đất nước.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới