Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐối mặt với nhiều nguy cơ an ninh, Nhật Bản chủ động...

Đối mặt với nhiều nguy cơ an ninh, Nhật Bản chủ động về quốc phòng

Đứng trước các nguy cơ từ Trung Quốc và Triều Tiên, Nhật Bản không muốn dựa hết vào Mỹ mà có một chiến lược an ninh – quốc phòng riêng.

Trong gần 70 năm qua, Nhật Bản đã dựa vào các cam kết quân sự từ phía Mỹ để xây dựng chính sách an ninh – quốc phòng. Các cuộc tập chung thường niên giữa hai nước hay các hợp đồng vũ khí trị giá nhiều tỷ USD đã một phần nào đó nói lên điều này.

Tuy nhiên, giờ đây khi tình hình xung đột ở Ukraine trở nên phức tạp, cộng thêm mối lo từ Trung Quốc và Triều Tiên gia tăng, Nhật Bản bắt đầu nghĩ đến việc “tự lực cánh sinh” về mặt quân sự. Đây là một sự chuyển mình lặng lẽ nhưng có thể làm thay đổi cán cân quyền lực tại châu Á.

Nhật Bản đối mặt với diễn biến địa – chính trị phức tạp

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đang thúc đẩy tăng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản, mở rộng các chương trình phát triển vũ khí trong nước, kèm theo đó là đặt lại nhiều giới hạn của “Hiến pháp hòa bình”. Bản Hiến pháp này có hiệu lực kể từ sau Thế chiến thứ II, tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ không duy trì các lực lượng vũ trang. Đặc biệt là Điều 9, trong bản hiến pháp này luôn là một điểm tranh luận gay gắt giữa các luồng ý kiến trong Quốc hội Nhật Bản.

Bằng cách khẳng định sức mạnh quân sự của mình, Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới – có thể trở thành một đối tác bình đẳng hơn với Mỹ. Điều này cũng giúp thực hiện mong muốn từ phía Mỹ, thúc đẩy Nhật Bản trở thành một đối trọng quân sự mạnh mẽ với Trung Quốc. Điều này càng quan trọng hơn khi Trung Quốc gây sức ép với Đài Loan và đưa tên lửa đạn đạo và tàu bảo vệ bờ biển vào lãnh hải Nhật Bản. 

Nhật Bản cũng phải đối đầu với Triều Tiên – quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Triều Tiên liên tục phóng hàng loạt tên lửa trong những tuần gần đây, trong đó có một tên lửa bay qua hòn đảo cực bắc của Nhật Bản. 

Tại hội nghị cấp cao ASEAN 2022 vừa diễn ra tại Campuchia cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh sự ổn định của Đài Loan “tác động trực tiếp” đến an ninh khu vực, đồng thời chỉ trích Trung Quốc “tăng cường” các hoạt động đe dọa vi phạm chủ quyền của Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông. Và trong cuộc gặp mới đây với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, cả ba nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ kiên quyết thực hiện phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Theo New York Times, đây là thời điểm địa chính trị nhạy cảm đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo từ Tokyo. Mặc dù Nhật Bản muốn chứng tỏ rằng họ là một lực lượng quân sự hùng mạnh, nhưng họ không muốn “rút dây động rừng” với Trung Quốc – một đối tác thương mại quan trọng. Nhật Bản cũng không muốn khiến khu vực láng giềng phải cảnh giác vì thế trung lập của các nước Đông Nam Á. Họ có thể coi tiềm lực quân sự của Nhật Bản là nguy cơ đối với an ninh khu vực.

Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc phòng cho rằng Nhật Bản đánh giá mối giao hảo của với Mỹ một cách thực tế hơn. Mỹ đang bận rộn với chiến sự ở châu Âu và những thay đổi trong chính quyền Mỹ có thể dẫn đến những thay đổi thất thường trong chính sách đối ngoại.

Cuối cùng, với việc Nhật Bản gần như bị bao vây bởi các mối lo ngại an ninh, nỗ lực để trở nên tự chủ hơn không nhằm mục đích tách nước này khỏi chiếc ô bảo vệ của Mỹ, mà để đảm bảo rằng mối quan hệ giữa hai bên vẫn bền chặt.

Đối mặt nhiều nguy cơ an ninh, Nhật Bản muốn 'tự lực cánh sinh' quốc phòng - 2
Thủ tướng Fumio Kishida của Nhật Bản thăm tàu sân bay Ronald Reagan của Mỹ ở Vịnh Sagami. (Ảnh: Kyodo News)

Đẩy mạnh chi tiêu, phát triển tiềm lực quốc phòng

Nhật Bản bắt đầu phát triển sản xuất tên lửa trong nước. Bộ Quốc phòng nước này cũng khởi động dự án chế tạo máy bay chiến đấu mới và thử nghiệm công nghệ phòng thủ tên lửa siêu thanh.

Nhiều nghi ngờ đặt ra về việc liệu Nhật Bản có đủ nhân lực chuyên môn để phát triển công nghệ quân sự hay không. Vào năm 2021, chưa đến 2% tổng số nghiên cứu khoa học tại Nhật Bản là nhằm phục vụ quốc phòng, rất ít so với con số 50% tại Mỹ và 10% của Pháp, theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nhưng vào năm 2021, chính phủ Nhật Bản phân bổ ngân sách quốc phòng cao kỷ lục cho nghiên cứu và phát triển, cao hơn 2 lần so với mức 5 năm trước đó. Năm 2022, Bộ Quốc phòng tiếp tục nâng mức ngân sách, chú trọng hơn tới phát triển vũ khí quốc phòng. 

Đảng LDP đã đề xuất Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng từ khoảng 1% lên 2% GDP trong 5 năm tới. Đây là một con số mục tiêu phù hợp với tư cách thành viên NATO. Nội các của Thủ tướng Kishida sẽ ban hành kế hoạch ngân sách chính thức vào tháng 12/2022 và Quốc hội sẽ bỏ phiếu vào đầu năm 2023.

Từ trước tới nay, công chúng Nhật Bản vẫn e dè trước đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng. Giờ đây, khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tìm cách củng cố ảnh hưởng của mình ở khu vực, đặc biệt là với Đài Loan. Đài Loan nằm cách hòn đảo cực nam của Nhật Bản  khoảng 160 km về phía Tây.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn một nửa dân Nhật Bản ủng hộ tăng cường chi tiêu quốc phòng.

Các quan chức Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục mua thiết bị quân sự của Mỹ hoặc các thiết bị do phương Tây sản xuất. Tuy nhiên, họ nói rằng họ cần mua trang bị quân sự từ các nhà sản xuất nội địa trong trường hợp các đơn đặt hàng nhập khẩu bị chậm trễ hoặc khi các phụ tùng thay thế gặp trục trặc do các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Ông Itsunori Onodera, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết các quan chức Nhật Bản ngày càng thất vọng về việc các nhà sản xuất Mỹ bảo mật hoá công nghệ họ bán cho Nhật Bản. Kết quả là quân đội Nhật Bản không thể sử dụng một số máy bay chiến đấu hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa mua từ Mỹ.

Nhật Bản bắt đầu phát triển một loại máy bay chiến đấu mới cách đây hai năm. Họ đã chi khoảng 1,37 tỷ USD cho chương trình máy bay chiến đấu tàng hình FX, do Mitsubishi Heavy Industries phát triển.

Đối mặt nhiều nguy cơ an ninh, Nhật Bản muốn 'tự lực cánh sinh' quốc phòng - 3
Tiêm kích tàng hình F-A35 của Nhật Bản. (Ảnh: JASDF)

Ông Onodera cho biết thêm, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ban đầu đã tham khảo ý kiến ​​của các nhà thầu quốc phòng Mỹ về mối quan hệ đối tác tiềm năng. Nhưng phía Mỹ đáp lại rằng họ không có kế hoạch cụ thể về máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo. Nhật Bản buộc phải chuyển hướng sang một đối tác khác là BAE Systems – một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Anh.

Dĩ nhiên việc Nhật Bản hợp tác với Anh trong lĩnh vực quốc phòng, cũng cần đến sự chấp thuận từ phía Mỹ. 

Trung tá Martin Meiners, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết Mỹ ủng hộ “sự hợp tác của Nhật Bản với các đối tác có cùng chí hướng, bao gồm Anh”.

Cũng theo ông Onodera cho biết các mẫu tên lửa phòng không mới do Mitsubishi Heavy phát triển rất có triển vọng. Hệ thống này có khả năng ngăn chặn tên lửa đối phương từ xa, tầm hoạt động trong chỉ giới hạn trong lãnh thổ Nhật Bản. Ông cũng thừa nhận rằng luật pháp Nhật Bản không rõ ràng về tính hợp pháp của việc tấn công mục tiêu nằm trong lãnh thổ nước khác.

Trước sự mơ hồ này, các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu chi tiêu để phát triển tên lửa với tầm bắn xa có phải là quyết định khôn ngoan hay không, đặc biệt là khi dân số đang già đi nhanh chóng và nợ công chồng chất đang là vấn đề khiến nội các của Thủ tướng Fumio Kishida đau đầu.

Các chuyên gia quốc phòng cho rằng Nhật Bản cần phải khẩn trương mở rộng các sân bay và căn cứ không quân, thiết lập lại các hệ thống thông tin liên lạc dự phòng, hệ thống kho bãi và hậu cần cho hiện tại trước khi tính đến một kế hoạch khác lớn hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới