Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Gói hỗ trợ
Theo Bloomberg, chính quyền địa phương các thành phố ở Trung Quốc đang đóng vai hiệp sĩ, giải cứu các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Đơn vị phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương (LGFV) là bên mua lớn nhất các dự án bất động sản dở dang của các doanh nghiệp vỡ nợ, trong đó có Evergrande.
Tập đoàn đầu tư xây dựng Quảng Châu, một LGFV của Quảng Châu, mua lại từ Evergrande lô đất xây dựng sân vận động sức chứa 80.000 người. Evergrand ước tính dự án có tổng vốn đầu tư 12 tỷ Nhân dân tệ, nhưng mới chỉ đầu tư 2 tỷ Nhân dân tệ. LGFV này chi trả số tiền còn lại, chịu trách nhiệm xây dựng sân vận động.
Tại Thẩm Quyến, một LGFV cấp quận đang hỗ trợ 4 dự án trọng điểm của Evergrande ở đây, nhưng không huy động vốn trên thị trường mở. Dữ liệu cho thấy, Shenzhen Talents Housing, cổ đông lớn nhất của đơn vị này, tăng phát hành trái phiếu trong năm nay.
Cơ quan giám sát tài chính gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đưa ra một kế hoạch 16 điểm nhằm tiếp sức cho thị trường.
Các biện pháp trên nhằm giải quyết tình trạng cạn kiệt thanh khoản của các công ty phát triển nhà, tăng cường tín dụng, nới quy định về tiền đặt cọc đối với người mua.
Các nhà phân tích coi đây là tín hiệu mạnh mẽ nhất từ phía nhà chức trách Trung Quốc. Tao Wang, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại UBS, nhận định gói biện pháp này là một bước ngoặt đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Bà ước tính, Trung Quốc có thể bơm hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (142 tỷ USD) vào lĩnh vực bất động sản.
Lu Ting, nhà kinh tế học của ngân hàng Nomura, đánh giá đây là động thái điều chỉnh chính sách quan trọng nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu siết mạnh tín dụng của ngành bất động sản. Những công ty bất động sản đang thiếu tiền trầm trọng, công ty xây dựng, người vay thế chấp mua nhà và các bên liên quan khác có thể thở phào.
Vực dậy kinh tế
Tháng 8/2020, Trung Quốc bắt đầu kiềm chế các nhà phát triển bất động sản vay quá nhiều để hạn chế giá nhà tăng cao. Evergrande, nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai, đã vỡ nợ.
Những người mua nhà tức giận, từ chối trả tiền thế chấp cho những ngôi nhà chưa hoàn thành, làm chao đảo thị trường tài chính và dấy lên lo ngại về khủng hoảng lây lan.
Tháng 9 vừa qua, giá nhà đã qua sử dụng ở Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 8 năm. Đối với các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu trong dư nợ liên quan đến bất động sản đã tăng lên mức 30%, theo ước tính của Citigroup.
Theo báo cáo 27/10 của Moody’s Investors Service, các nhà phát triển bất động sản có ít nhất 55 tỷ USD trái phiếu tới hạn thanh toán trong vòng 2 năm tới.
Trung Quốc bắt đầu dịch chuyển trọng tâm sang việc vực dậy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Triển vọng bất động sản và nền kinh tế tuỳ thuộc vào việc liệu các biện pháp hỗ trợ có giúp cải thiện niềm tin của các ngân hàng, nhà đầu tư và người mua nhà hay không.
T.P