Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCách nhìn mới về chính sách Zero Covid của TQ

Cách nhìn mới về chính sách Zero Covid của TQ

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc là kênh tuyên truyền của chính quyền. Gần một tuần qua, tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng tải liên tiếp 5 bài viết để nói về ưu thế của Zero Covid, rằng chính sách này là “tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất”, phải tính toán lâu dài. Các nhà quan sát cho rằng động thái này của truyền thông nhằm bợ đỡ ông Tập, và bản chất của Zero Covid là tính toán chính trị.

Cư dân Bắc Kinh, bao gồm cả trẻ em, mặc đồ bảo hộ và di chuyển đi cách ly hôm 15/11/2022. Dù chính quyền Trung Quốc gần đây đã sửa đổi chiến lược phòng dịch nhưng họ tuyên bố rằng sẽ tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt Zero Covid.

Cả 5 bài viết này đều của tác giả Trọng Âm (Zhong Yin), một cây viết có tiếng. Trong bài viết mới nhất đăng ngày 17/11 có nhan đề “Tính toán lớn, xem ưu thế”, tác giả nói rằng trong công cuộc đấu tranh chống dịch “phải tính toán trước mắt, càng phải tính toán lâu dài”.

Bài báo còn viết rằng, “việc kiên trì theo Zero Covid chắc chắn không phải là một trở ngại cho sự phát triển, mà là một động lực thúc đẩy sự phát triển”.

Bài viết cũng tuyên bố rằng, “Zero Covid là chiến lược chống dịch bệnh có chi phí thấp nhất”. Nếu tính tổng thể thì các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc là “tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất”, hơn nữa “chúng ta có đủ ưu thế” khi thực thi Zero Covid.

Bài báo kết thúc bằng việc nhấn mạnh rằng, phải kiên định không lay động trong việc thực hiện sách lược “ngoại phòng xâm nhập, nội phòng bùng dịch” (đề phòng virus xâm nhập từ bên ngoài biên giới, đề phòng dịch bệnh tái bùng phát ở trong nước), kiên định với chính sách “Zero Covid linh động”, kiên quyết thực hiện yêu cầu “phòng chắc dịch bệnh, ổn định kinh tế, phát triển an toàn”.

Nhà bình luận thời sự Huệ Hổ Vũ (Hui Huyu) nói với phóng viên The Epoch Times hôm 17/11 rằng, bài báo trên muốn truyền tải thông điệp: Ông Tập Cận Bình có tính toán dài hạn và có tầm nhìn xa nên chính sách này là đúng đắn và không cần bàn cãi; người Trung Quốc là hạnh phúc nhất [khi áp dụng chính sách này], phải tiếp tục kiên trì theo Zero Covid.

Ông nói: “Chính quyền nói rằng việc phòng chống dịch bệnh nên được tính toán tổng thể, tính toán lớn, thực chất là tính toán chính trị. Ở trên nói phải tiếp tục Zero Covid, ở dưới liền ca ngợi tán dương rằng Zero Covid là tốt, là có trách nhiệm với người dân”.

Từ ngày 12-17/11, tờ Nhân dân Nhật báo đã liên tiếp đăng tải các bài báo của tác giả Trọng Âm, gồm:

– “Kiên quyết đánh thắng trong trận chiến bình thường hóa phòng chống và kiểm soát dịch bệnh”;

– “Kiên quyết lấy dân làm đầu, tính mạng trên hết”;

– “Kiên định thực hiện sách lược chung ‘ngoại phòng xâm nhập, nội phòng bùng dịch’”;

– “Kiên quyết quán triệt chính sách Zero Covid”;

– “Tính toán lớn, xem ưu thế”.

Nhà bình luận Huệ Hổ Vũ nói rằng, đại ý của năm bài báo này là hiện tại chưa thể nới lỏng chính sách phòng dịch.

Tuy nhiên, thực tế là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực hiện những tính toán chính trị chứ không phải tính toán phòng dịch.

Dân càng ai oán, quan càng được thăng chức nhanh
Ông Vương (bí danh), một tác giả online ở Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 17/11 rằng, việc ra quyết định phòng chống dịch bệnh vốn là do các chuyên gia đưa ra, nhưng nay nó đã trở thành cơ hội để quan chức các cấp biểu đạt thái độ chính trị. Ông Tập Cận Bình muốn thực hiện Zero Covid, những người bên dưới sẽ thể hiện lòng trung thành, lúc thế này lúc thế khác, phòng dịch ngày càng điên cuồng. Họ nói chống dịch là phải tính toán lâu dài, kỳ thực nó là ôm chết cứng mà không buông.

Ông nói, “Những người trong hệ thống quan liêu này, họ biểu hiện càng tích cực càng hung hăng thì mới có thể được tổ chức đánh giá cao. Giống như Lý Cường (Bí thư Thành ủy Thượng Hải) khiến người dân bất mãn ngút trời trong thời gian phong tỏa Thượng Hải, nhưng ông ta lại trở thành một ủy viên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Càng khiến dân ai oán thì càng có khả năng thăng tiến nhanh hơn. Ông ta chỉ đang thể hiện thái độ chính trị trước nhà cầm quyền cao nhất ở Trung Nam Hải, hoàn toàn phớt lờ nhu cầu phòng chống dịch bệnh”.

Ông Vương lên án kịch liệt rằng, dù biết rõ là cả thế giới đã mở cửa nhưng Bắc Kinh vẫn đang làm bừa, làm đất nước này không còn ra hình dạng gì. Phòng chống dịch bệnh chiếm lượng lớn nguồn lực y tế, khiến ngay cả người mắc các căn bệnh thông thường cũng không thể gặp bác sĩ, khám chữa bệnh, mà nguyên nhân cản trở là do mệnh lệnh hành chính.

“Hôm nay xuất hiện một đoạn video, lại có một vụ giết người, người phụ nữ đang xếp hàng để xét nghiệm PCR, cô ấy hoàn toàn không quen biết kẻ sát nhân, nhưng người đàn ông đó đã trực tiếp cầm dao và cứa vào cổ người phụ nữ. Ngoài ra, nhiều nhân viên y tế ở Quảng Châu đang khiếu nại, thậm chí có người còn khóc, nói rằng họ không thể chịu đựng được nữa, nếu tiếp tục sẽ suy sụp mất”, ông Vương nói.

Đoạn video các nhân viên y tế ở Quảng Châu vừa khóc vừa khiếu nại mà ông Vương đề cập cũng đang được lan truyền trên Internet. Nội dung video cho thấy, sau khi số ca nhiễm Omicron bùng nổ, các nhân viên y tế đã không thể cáng đáng nổi và kêu khóc tập thể.

Một nhân viên y tế vừa nói vừa khóc: “Nếu còn tiếp tục phải chịu đựng thế này, nhân viên y tế chúng tôi thực sự không thể chống đỡ nổi … Tâm lý chúng tôi không thể chịu nổi, chúng tôi đang trên bờ vực sụp đổ … Chúng tôi nhìn thấy cả một tòa nhà dương tính, rồi lại phải gọi họ ra làm xét nghiệm PCR”.

Một nhân viên y tế khác nói: “Bây giờ các nhân viên y tế trong Bệnh viện Long Đàm chúng tôi đều vừa khóc vừa làm việc. Hiện giờ thực sự là lây nhiễm từng tốp từng tốp người, không một ai tới quản chúng tôi, không một ai phụ trách, có khiếu nại cũng vô dụng…”.

Trên thực tế, mặc dù Omicron lây lan nhanh nhưng nó lại có độc lực yếu. Ông Lý Long Đằng (Lee Lung-teng), cựu Phó giám đốc Sở Y tế Đài Loan, nói với phóng viên The Epoch Times rằng, đến nay virus này (Covid-19) đã biến đổi đến mức còn yếu hơn cả virus cúm. Chính quyền ĐCSTQ cũng biết rằng nó không có gì đáng sợ.

Zero Covid tác động đến GDP, liệu ĐCSTQ có dần mở cửa?
Ông Lý Long Đằng nói rằng, cả thế giới đã phải chịu đựng dịch bệnh trong ba năm nhưng riêng Trung Quốc còn phải chịu đựng nhiều hơn thế, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng vô cùng, GDP thực sự không tốt như họ nói. “Nội bộ họ (chính quyền Bắc Kinh) biết rằng việc che đậy sự thật là vô ích và nhiều nhà máy sẽ không ở lại Trung Quốc”.

Ông nói: “Họ (chính quyền Bắc Kinh) cũng biết rằng làm điều này (Zero Covid) là sai. Nhưng vì giữ thể diện, không thể nói rằng họ đang học hỏi từ nước ngoài hay Đài Loan, nên họ sẽ tự đi bước riêng, nhưng thực ra phương pháp cũng giống như các nước khác trên thế giới. Và sau đó họ sẽ nói: ‘Đó là cách chúng tôi đã dùng và thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh'”.

Ông cũng nói thêm: “Chiếc ghế của Tập Cận Bình đã ổn định, [ông ta] thấy cả thế giới đã mở cửa nên sẽ không thể tiếp tục phong tỏa chính mình nữa. Ông ta đang chuẩn bị rút dần, từ từ mở cửa và thuyết phục công chúng tin rằng chính phủ làm thế là vì nhân dân, vài tháng nữa Trung Quốc sẽ mở cửa thực sự”.

Tuy nhiên, nhà bình luận Huệ Hổ Vũ lại cho rằng, bất cứ lúc nào ĐCSTQ cũng có thể tìm ra hướng để điều chỉnh chính sách phòng dịch. Khi nó muốn nới lỏng, nó có thể nói rằng đỉnh điểm dịch bệnh đã qua, đã đạt được những thành tựu to lớn trong quá trình phòng chống, hoặc kế hoạch vaccine đã hoàn thiện hơn, v.v. Nếu nó không muốn nới lỏng, chỉ cần nói rằng tình hình vẫn còn nghiêm trọng, không thể lơ là mất cảnh giác…

Việc chính quyền Trung Quốc gỡ bỏ các quy định phòng dịch sẽ là một quá trình chậm chạp. Mức độ nới lỏng tùy thuộc vào nhu cầu ổn định chính trị, chính trị ổn định thì nới lỏng một chút, bất ổn thì tiếp tục thắt chặt. Và lực siết này nằm trong tay ông Tập Cận Bình.

Kể từ khi ĐCSTQ cưỡng chế thi hành chính sách Không Covid, các thảm họa thứ cấp cũng thường xuyên xảy ra. Ví như, mới đây trên mạng xuất hiện một đoạn video cho thấy trong thời gian phong tỏa, một tòa chung cư ở Trùng Khánh đã xảy ra hỏa hoạn, xe cứu hỏa không thể vào trong, cuối cùng có 2 người bị chết cháy. Những vụ việc như vậy không còn là chuyện hiếm.

Ngoài ra, chi phí để dọn sạch Covid cũng vô cùng lớn, nó sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Vương (cây viết online kể trên) nói rằng, thật khó để thấy bất kỳ triển vọng hay ánh sáng nào cho đất nước này, giống như đi bộ giữa ban ngày mà phải dùng đèn pin. Xã hội ngày càng trở nên xấu xa và hỗn loạn. Trong tương lai, rất có thể xảy ra tình trạng người chết đói trên diện rộng, hay chỉ cần nói sai một câu thôi cũng đủ mất đầu.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới