Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChuyện như đùa ở ngân hàng Việt

Chuyện như đùa ở ngân hàng Việt

Không chỉ rao bán các khoản nợ xấu có giá trị lớn, các ngân hàng còn rao bán cả những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá trị rất nhỏ, từ hơn chục nghìn trở lên.

Rao bán nợ vay tiêu dùng

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa chào bán 321 khoản nợ cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống. Đây đều là những khoản nợ của cá nhân vay tiêu dùng mất khả năng trả nợ, không có tài sản đảm bảo.

Tổng giá trị sổ sách (gốc, lãi, lãi phạt) của các khoản nợ này là hơn 6,6 tỷ đồng. Giá khởi điểm của các khoản nợ xấu vay tiêu dùng này được VietinBank chào bán là hơn 6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số này, khoản nợ thấp nhất có giá khởi điểm chỉ chưa đến 13 nghìn đồng, hai khoản nợ có giá trị cao nhất trên 68 triệu đồng. Khách hàng có thể mua từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ.

Đây không phải là lần đầu tiên VietinBank rao bán các khoản nợ xấu cho vay tiêu dùng của các khách hàng cá nhân. Trước đó, VietinBank đã nhiều lần rao bán nợ vay tiêu dùng.

Hồi tháng 10/2022, VietinBank rao bán 233 khoản nợ vay tiêu dùng. Tháng 6/2022, VietinBank bán 82 khoản nợ vay tiêu dùng. Tháng 1/2022, VietinBank rao bán các khoản nợ cho vay tiêu dùng không có tài sản thế chấp của 85 khách hàng số tiền nợ gốc và lãi 1,74 tỷ đồng, giá khởi điểm 1,59 tỷ đồng.

Năm 2021, VietinBank cũng nhiều lần rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng cá nhân. Điểm chung của các đợt rao bán này là giá khởi điểm bằng giá trị sổ sách.

Đơn cử, ngày 29/11/2021, VietinBank rao bán 76 khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm, với tổng giá trị ghi sổ là hơn 1,64 tỷ đồng. Trong các khoản nợ được rao bán, có khoản nợ chỉ hơn 1 triệu đồng và nhiều nhất là khoản nợ hơn 73 triệu đồng.

Tháng 9/2021, VietinBank chào bán 264 món vay tiêu dùng với tổng giá trị khoản nợ (bao gồm gốc, lãi, lãi phạt) là hơn 6,58 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất gần 101 triệu đồng. Còn lại, các khoản nợ có giá trị từ 5-20 triệu đồng. Có nhiều khoản vay rất nhỏ, chỉ dưới 1 triệu đồng, thậm chí có khoản vay chỉ 483.000 đồng được rao bán.

Đầu tháng 8/2021, VietinBank thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng của 105 khách hàng cá nhân với tổng giá trị ghi sổ là 2,847 tỷ đồng, các khoản nợ có giá trị từ 1,8-88 triệu đồng.

Trước đó, vào tháng 7, VietinBank thông báo bán khoản vay tiêu dùng của 36 cá nhân với tổng giá trị hơn 614 triệu đồng. Trong đó, khoản vay lớn nhất có giá trị hơn 21,3 triệu đồng và nhỏ nhất là hơn 1,1 triệu đồng.

Được biết, các khoản nợ này sau đó đều cơ bản được bán thành công.

Theo đại diện VietinBank, đây là bước thử nghiệm để kích hoạt thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng. Bởi các ngân hàng thường rao bán những khoản nợ lớn và có tài sản thế chấp, trong khi các khoản nợ vay tiêu dùng chưa được ngân hàng nào chào bán công khai. Đây cũng không phải là những khoản nợ khó bán. Việc rao bán các khoản nợ này là nghiệp vụ bình thường của ngân hàng để thu hồi, xử lý nợ.

Xử lý nợ xấu vay tiêu dùng

Hoạt động rao bán nợ vẫn được các ngân hàng thực hiện thường xuyên. Nhưng các ngân hàng thường chỉ rao bán nợ vay có tài sản đảm bảo.

Việc ngân hàng rao bán nhiều khoản nợ vay tiêu dùng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi các khoản nợ này đều không có tài sản bảo đảm, giá khởi điểm bằng giá ghi sổ sách của khoản nợ, giá trị nhiều khoản nợ lại rất nhỏ. Trong khi các ngân hàng ồ ạt rao bán nợ xấu lớn, có các tài sản đảm bảo với giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ thậm chí phải giảm giá nhiều lần nhưng thanh khoản không dễ dàng.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện các ngân hàng không còn dịch vụ đòi nợ thuê nên chuyện đi bán nợ cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo là điều dễ hiểu. Song việc rao bán các khoản nợ với mức giá cao, bằng với giá sổ sách thì sẽ khó có thể thực hiện được. Chưa kể, việc bán nợ xấu rất phức tạp, bởi khi xử lý nợ còn có rất nhiều chi phí phát sinh liên quan.

Phân khúc cho vay tiêu dùng gần đây được các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cấp thiết cho người dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Nhưng đi kèm với phát triển là rủi ro nợ xấu.

Thời gian qua, tỷ lệ nợ xấu vay tiêu dùng đang có chiều hướng gia tăng. Vay tiêu dùng mà không có thế chấp thì rủi ro càng tăng. Trong 5 năm lại đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tính đến 30/6/2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,32 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22,22% dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 11,56% so với cuối năm 2021.

Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính đạt 140.257,6 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng và dư nợ phát hành thẻ tín dụng tăng lần lượt là 10% và 19% so với cuối năm 2021.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới