“Trung Quốc và Mỹ sẽ tăng cường thấu hiểu lẫn nhau, giảm nhận thức sai và tính toán sai, làm việc cùng nhau để đưa mối quan hệ song phương quay lại đà phát triển lành mạnh và vững chắc”.
Đó là thông điệp mới nhất ông Tập Cận Bình chuyển tới đối thủ Mỹ trong cuộc gặp bên lề ngày 19/11 nhân sự kiện APEC 2022 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan).
Bà Kamala Harris không là người đồng cấp, nhưng cos vẻ như ông Tập Cận Bình không vì thế mà tỏ ra trịch thượng. Ngược lại, chứng kiến những gì diễn ra, cánh báo chí cho rằng: ông Tập Cận Bình thậm chí còn tỏ ra thiện chí với nụ cười thân thiện dành cho nhân vật quyền lực thứ hai nước Mỹ.
Đáp lại sự trọng thị của ông Tập Cận Bình, bà Harris đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Washington không tìm cách đối đầu với Trung Quốc, song Washington hoan nghênh sự cạnh tranh.
Đành là câu nói của bà Harris có phần khách sáo so với ngôn từ ông chủ Trung Nam Hải, nhưng theo nhiều người, nó phản ảnh sự thật rằng giữa hai bên còn nhiều khoảng cách; để lấp đầy, còn quá nhiều việc phải làm.
Suy cho cùng, nếu bà Harris có cho là thế thật, thì cũng đâu có khác những gì ông Tập Cận Bình chỉ nghĩ mà không nói trong cuộc gặp bà Harris. Tỷ như một khi đã nói ra rằng hai bên cần “tăng cường thấu hiểu lẫn nhau”, nghĩa là đã, đang và từng có chuyện hai bên hiểu nhầm?
Chắc chắn rồi. Ngoại giao quốc gia tránh sao khỏi điều đó. Tuy nhiên, Đài Loan, câu chuyện nhạy cảm nhất với cả Mỹ và Trung Quốc, thì hai bên liệu có hiểu nhầm không? Hay mọi chuyện rõ như ban ngày, chẳng còn tù mù, mơ màng gì nữa?
Quá rõ là đằng khác. Trung Quốc đã bao nhiêu lần khẳng định, động đến Đài Loan là động đến vấn đề có tính nguyên tắc, không thể nhân nhượng: Đài Loan là phần lãnh thổ thiêng liêng, máu thịt của Trung Quốc, phải được thu hồi bằng mọi cách, kể cả dùng vũ lực.
Thậm chí, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Biden khi bà Pelosi – chủ tịch Hạ viện Mỹ rập rình tới thăm Đài Loan, ông Tập Cận Bình đã giận dữ cảnh báo rằng “đừng có đùa với lửa”. Biết thế, nhưng chẳng có tý quyền lực nào trước “người đàn bà thép”, ông Biden cũng chỉ có thể trần tình, thanh minh mình bất lực, không thể can thiệp vào nhánh lập pháp.
Và chuyện “đùa với lửa” đã vẫn xảy ra. Hậu quả của câu chuyện đùa này là cuộc tập trận quy mô kéo dài mô phỏng bao vây cấm vận hòn đảo Đài Loan bướng bỉnh; là những chao chát giữa Washington và Bắc Kinh; là cái cười ngạo mạn, coi thường của bà Pelosi từ tòa nhà quốc hội trên đồi Capitol trước sự lồng lộn điên cuồng của Trung Quốc.
Liên quan câu chuyện Đài Loan, Trung Quốc quá tỏ, mà Mỹ cũng đủ tường. Tường nên Mỹ mới biết và buộc phải chấp nhận quan điểm “một Trung Quốc”. Biết thế, nhưng Mỹ vẫn o bế, ủng hộ, cổ vũ việc giữ nguyên hiện trạng hai bờ eo biển Đài Loan, thì chẳng hóa ra là biết suông, biết để mà để đấy? Thậm chí, gần đây, Nhà trắng còn công khai thách thức: “Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Bắc Kinh tấn công hòn đảo này”.
Chẳng thà hiểu nhầm dẫn đến các động thái, tình huống tiêu cực thì còn có thể chia sẻ. Đằng này, biết rõ ràng mà không làm, thậm chí làm ngược lại, lại còn ăn nói xóc óc, thách thức, hỏi sao Bắc Kinh không hậm hực?
Thế nên, mặc cho thông điệp từ ông Tập Cận Bình kêu gọi hai bên “tăng cường thấu hiểu lẫn nhau, giảm nhận thức sai…”, thì cũng ít người hy vọng, giữa Trung Quốc và Mỹ từ nay về sau sẽ không xảy ra các sự cố, tình huống căng thẳng để rồi sau đó, thỏa hiệp với nhau bằng cách đổ thừa cho “sai lầm” nữa.
T.V