Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLà 'cường quốc' xuất khẩu gạo, vì sao Việt Nam phải nhập...

Là ‘cường quốc’ xuất khẩu gạo, vì sao Việt Nam phải nhập gần 1 triệu tấn gạo?

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV – cho biết, nhu cầu gạo cấp thấp trong nước là rõ ràng, để làm bánh, bún, chế biến thức ăn chăn nuôi… Dòng gạo này được sản xuất phổ biến và năng suất tốt tại Ấn Độ, nhưng giá rất thấp, tương tự như lúa IR50404 của Việt Nam được trồng nhiều trước đây.

Tại dự thảo báo cáo thực hiện Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo, Bộ Công Thương cho biết, sản lượng lúa gạo hàng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho XK (khoảng 6-6,5 triệu tấn/năm).

Tuy nhiên, trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước như sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia và dành lượng gạo chất lượng cao hơn cho XK. Giá nhập khẩu thấp hơn trong nước hoặc các loại gạo trong nước sản xuất được nhưng không đáp ứng nhu cầu thị trường đang diễn ra.

“Việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực” – Bộ Công Thương cho hay.

ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV – cho biết, nhu cầu gạo cấp thấp trong nước là rõ ràng, để làm bánh, bún, chế biến thức ăn chăn nuôi… Dòng gạo này được sản xuất phổ biến và năng suất tốt tại Ấn Độ, nhưng giá rất thấp, tương tự như lúa IR50404 của Việt Nam được trồng nhiều trước đây.

“Đối với dòng gạo khô như IR50404, giai đoạn trước năm 2015 Việt Nam trồng nhiều nhưng rất khó bán nên các bộ ngành khuyến cáo chuyển sang trồng lúa chất lượng cao. Khi người dân chuyển dần sang phân khúc chất lượng cao thì gạo cấp thấp lại thiếu, nếu có trồng cũng giá rẻ nên nông dân bỏ dòng gạo này, nên phải nhập khẩu” – ông Thành nói.

Đại diện DN này đề xuất, có thể áp thuế để hạn chế nhập khẩu gạo, đồng thời cơ cấu lại sản xuất trong nước theo hướng, tại các vùng lúa 3 vụ chất lượng cao kém hiệu quả thì chuyển sang trồng trở lại lúa cấp thấp để bù cho sản lượng gạo phải nhập khẩu, cân bằng lại các phân khúc gạo, đáp ứng nhu cầu trong nước.

“Như chính sách của Trung Quốc là mua nếp nhiều từ Việt Nam, Thái Lan, Lào… nhưng trong nước vẫn trồng, khi có nước này áp thuế từ các nguồn nhập khẩu để hạn chế nhập vào” – ông Thành dẫn chứng và cho rằng, bảo hộ cho người trồng lúa cũng là điều quan trọng nhất để giữ vững sản xuất lúa gạo.

Bộ Công Thương thông tin, hoạt động nhập khẩu gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Do vậy, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo XK 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm là 408 USD/tấn, tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế XK gạo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thành dẫn giải, gạo 5% tấm hiện cũng khan hàng; phân khúc gạo thơm như OM5451, OM18, Đài Thơm 8… hiện có giá 480 – 510 USD/tấn thì DN vẫn chưa có lãi. Do giá mua vào cao, nguồn không dồi dào nên khó mua hàng mới, DN chủ yếu bán hàng trong kho. Trong khi giai đoạn 2017-2019, giá gạo Việt Nam ở phân khúc này từ 510 – 560 USD/tấn.

“So với các nước XK hàng đầu như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan thì giá gạo Việt Nam vẫn tốt hơn nhưng hiện không có nguồn để bán, DN ký hợp đồng mới cũng sợ rủi ro vì lo không đủ hàng để giao. Giá thành sản xuất lúa hiện nay tăng 30% so với giai đoạn 2017-2019. Do vậy, tính chung thì giá gạo hiện nay vẫn chưa tốt.” – ông Thành nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới