Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCon đường đi tối ưu của châu Âu là giữa Mỹ và...

Con đường đi tối ưu của châu Âu là giữa Mỹ và TQ

Thay vì cùng Mỹ tạo thành liên minh chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, châu Âu dường như muốn làm trung gian giữa hai bên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước bắt đầu quay lại với chính trường quốc tế bằng loạt sự kiện và cuộc gặp với lãnh đạo nước ngoài. Nỗ lực của ông dường như đã thu được kết quả, khi một số lãnh đạo châu Âu cuối tuần trước khước từ lời kêu gọi của Mỹ hạn chế bán chip cho Trung Quốc.

Lập trường này của châu Âu đánh dấu một chiến thắng cho ông Tập sau thời gian dài chứng kiến mối quan hệ của Bắc Kinh với Washington và các nước phương Tây lao dốc nghiêm trọng trong đại dịch.

Hồi tháng 10, Tổng thống Biden đã hạn chế bán chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc, nhằm hạn chế sự phát triển kinh tế của nước này. Mỹ cũng yêu cầu các đồng minh chủ chốt thực hiện lệnh hạn chế này, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tách rời giữa hai bên.

Nhưng đến ngày 18/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi hợp tác với Bắc Kinh và chống lại những nỗ lực chia rẽ thế giới thành các khối cạnh tranh. Bình luận của ông Macron được đưa ra sau những lời kêu gọi tương tự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tháng này và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, nhằm hợp tác các quốc gia sản xuất chip quan trọng để chống lại áp lực từ Mỹ.

“Ngày càng nhiều người muốn thấy hai trật tự thế giới riêng biệt. Điều này là sai lầm, với cả Mỹ và Trung Quốc”, ông Macron nói tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok. “Chúng ta cần một trật tự toàn cầu duy nhất”.

Giới quan sát cho rằng bình luận của Tổng thống Pháp cho thấy châu Âu đang tìm một vị trí trung lập khi nói về Trung Quốc.

Kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ đã nỗ lực thuyết phục châu Âu tạo thành mặt trận đoàn kết đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nghị viện châu Âu (EP) năm ngoái bỏ phiếu đóng băng việc phê chuẩn Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện EU – Trung Quốc (CAI), vốn được Bắc Kinh đặt rất nhiều kỳ vọng. Nhiều nước châu Âu cũng thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc trong các vấn đề như Hong Kong, Tân Cương hay Đài Loan.

Tuy nhiên, khi Mỹ tung ra các lệnh kiểm soát xuất khẩu chip sâu rộng, châu Âu dường như ngày càng lo ngại về các hành động quá quyết liệt của Washington sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của châu lục.

Khi Đức đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế và châu Âu đứng trước mùa đông khắc nghiệt thiếu dầu khí giá rẻ của Nga, “có rất ít mong muốn đối đầu với Bắc Kinh”, theo Noah Barkin, thành viên nhóm nghiên cứu Rhodium Group.
“Nỗ lực kêu gọi châu Âu tạo thành mặt trận chung để ứng phó Trung Quốc trong vài tháng qua đã không thành công, thậm chí còn có thể gây rạn nứt trong quan mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”, Barkin nhận định. “Chúng tôi đã thấy một số vết nứt trong phản ứng của châu Âu đối với các biện pháp kiểm soát công nghệ gần đây của Mỹ nhằm vào Trung Quốc”.

Trong chuyến công du 6 ngày để dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia và APEC ở Thái Lan, ông Tập dường như đã tìm cách khai thác những chia rẽ này, khi liên tục gặp khoảng 20 lãnh đạo thế giới, trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ở Bali hôm 15/11, ông Tập kêu gọi lãnh đạo Hà Lan tránh từ bỏ hợp tác, dù Mỹ đang gây áp lực với ASML Holding NV, công ty độc quyền về loại máy sản xuất chip tiên tiến.

“Chúng ta phải chống lại tình trạng chính trị hóa vấn đề kinh tế và thương mại, đồng thời duy trì ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”, ông Tập nói.

Lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi tăng cường hợp tác sản xuất công nghệ cao với Hàn Quốc trong cuộc gặp Tổng thống Yoon Suk-yeol, quê hương của hai gã khổng lồ sản xuất chip Samsung Electronics và SK Hynix.

Ngày 17/11, ông Rutte gặp ông Yoon trong chuyến thăm Seoul, nơi hai lãnh đạo cam kết hợp tác sâu rộng hơn. Một ngày sau, Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher nói Mỹ không nên mong đợi Amsterdam hoàn toàn tuân theo chính sách hạn chế xuất khẩu chip với Trung Quốc.

“Hà Lan sẽ không làm theo tất cả biện pháp hạn chế của Mỹ. Chúng tôi có đánh giá riêng và sẽ tham vấn các đối tác như Nhật Bản, Mỹ”, Bộ trưởng Schreinemacher nói.

Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiểu trách nhiệm hàn gắn chia rẽ giữa họ, nhưng nguy cơ chia tách giữa hai bên vẫn tồn tại, theo giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva.

“Chúng ta đang trong thế giới liên tục đối mặt khủng hoảng, từ đại dịch, chiến tranh đến lạm phát và khủng hoảng vật giá”, Georgieva nói. “Nếu chúng ta thêm vào đó sự chia rẽ của nền kinh tế thế giới, nó không khác gì đổ dầu vào lửa. Không ai được hưởng lợi từ điều đó”.

Các động thái hạn chế thương mại của Mỹ với Trung Quốc cũng vấp nhiều chỉ trích từ châu Á, nơi các nước như Singapore cảnh báo không nên cắt quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Nhiều chính phủ trong khu vực xem chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan hồi đầu tháng 8 là động thái không cần thiết.

Tổng thống Biden dường như đã giải quyết những lo ngại đó sau cuộc gặp ông Tập, nói rằng ông không thấy Trung Quốc có bất kỳ ý định sử dụng vũ lực nào với Đài Loan và nói rõ chính sách của Mỹ với hòn đảo này không thay đổi. Ông Biden thêm rằng ông Tập là người “thẳng thắn” và “tôi tin chúng tôi hiểu nhau”.

Dù lãnh đạo các nước lớn ở châu Âu ngày càng phản đối áp lực gia tăng từ Washington, họ khó có thể sớm đạt đồng thuận về cách đối phó với Trung Quốc, theo giới quan sát. Dù Liên minh châu Âu xem Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống”, chính sách trên khắp châu lục có nhiều khác biệt. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hôm 17/11 cảnh báo về những rủi ro khi châu Âu quá phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc.

Sự ủng hộ về mặt ngoại giao của ông Tập đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2 ngay sau khi tuyên bố tình hữu nghị “không giới hạn” với Trung Quốc, đã giúp củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Ông Tập gần đây có động thái giảm bớt lo ngại về mối quan hệ với lãnh đạo Nga bằng cách phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, được ông đề cập trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ.

Những hành động của ông Tập ít nhất khiến châu Âu nghĩ về một vị trí trung gian giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong bài phát biểu ở APEC, ông Macron ví Mỹ và Trung Quốc như “hai con voi lớn” trong một khu rừng.

“Nếu họ trở nên căng thẳng và xung đột, đó sẽ là vấn đề lớn đối với phần còn lại của khu rừng. Bạn cần sự hợp tác của nhiều thành viên khác trong cánh rừng đó”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới