Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKamala Harris – “bà đầm thép” mới của nước Mỹ

Kamala Harris – “bà đầm thép” mới của nước Mỹ

“Bà đầm thép” (The Iron Lady), nôm na là cách gọi người phụ nữ có vị trí quyền lực, phẩm chất quyết đoán. Tên tuổi họ gắn với những hành động cứng rắn, không khoan nhượng trước các đối thủ…

Bà Kamala Harris đến sân bay quốc tế Puerto Princesa của Philippines để thăm một ngôi làng trên đảo Palawan ngày 22-11

Thế giới, những người được mệnh danh như thế không nhiều, trong đó nổi bật là cố Thủ tướng Anh Margaret Hilda Thatcher; cựu Thủ tướng Đức Angela Dorothea Merkel. Bà Nguyễn Thị Bình – cựu Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng được liệt vào danh sách ít ỏi này do vai trò của bà trong Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam kéo dài 5 năm (1968 – 1973).

Mỹ thì hẳn rồi, sao thể không. Và không ai khác, danh vị này ai có thể tranh giành với bà Nancy Pelosi, nghị sĩ đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện.

Đứng đầu nhánh lập pháp cường quốc số 1 thế giới, khi bà Kamala Harris chưa giữ vị trí cấp phó cho ông Biden, bà Pelosi nghiễm nhiên được mặc định là nhân vật quyền lực thứ 2, người sẽ điều hành đất nước trong trường hợp ông Biden gặp sự cố.

Dù vậy, cái danh vị “bà đầm thép” dành cho người phụ nữ già nua này hoàn toàn không phụ thuộc vào thứ bậc đó. Chủ tịch Hạ viện đã là quá to rồi trong thể chế chính trị “tam quyền phân lập” Mỹ.

To đến mức, ngay cả tổng thống cũng không có quyền can thiệp, điều chỉnh. Bằng chứng là ông Biden, dù chẳng muốn bà Pelosi thăm Đài Loan giữa lúc căng thẳng khiến ông thêm phần khó khăn trong bang giao với Trung Quốc, vậy mà cũng đành thúc thủ, không thể ho he, mặc người đàn bà này tự quyết, vè vè bay tới Đài Loan nắm tay tổng thống Thái Anh Văn hồi đầu tháng 8 năm nay.

Ngoài việc bướng bỉnh chẳng thèm để ý thái độ của ông chủ Nhà trắng, về đối nội, “chất thép” của bà Pelosi còn thể hiện rất nhiều lần trong 20 năm là nghị sĩ đảng Dân chủ cùng 2 nhiệm kỳ đứng đầu nhánh lập pháp. Bà chứ ai, là người dẫn dắt thông qua những dự luật mang tính bước ngoặt, trong đó có dự luật Chăm sóc y tế (còn gọi là “Obamacare”); dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD 2 cuộc luận tội tổng thống Trump vào năm 2020, cũng một tay bà cầm chịch. Ông Trump, trong cương vị tổng thống, cũng như tới tận bây giờ, hẳn chưa thể quên và vô cùng cay cú việc văn bản “Thông điệp liên bang” cuối cùng của mình bị bà Pelosi xé toạc không thương tiếc trước sự chứng kiến của cả thế giới…

Còn về đối ngoại, sự sắt đá, kiên định của bà Pelosi thì thôi rồi. Thân gái cùng tuổi tác như không hề là trở ngại, “bà đầm thép” từng xuất hiện tại những nơi nóng nhất, bất luận xa hay gần, nguy hiểm hay không, như Iraq, Afghanistan, cả Ukraine đang tan hoang khốc liệt trong mưa bom đạn nổ hồi tháng 5/2022…

Nhưng có lẽ chuyến thăm Đài Loan đầu tháng 8 năm nay mới là tột trần tính cứng rắn không thể lay chuyển, tác động bởi bất kỳ điều gì, của người đàn bà này.

Chẳng thèm quan tâm đến tâm trạng khó chịu của ông Biden đã đành, bà Pelosi còn đối mặt với áp lực về “lằn ranh đỏ” được cảnh báo trực tiếp từ người đàn ông quyền lực cũng ngang ngửa ông Biden, là ông Tập Cận Bình.

Nào có đe miệng, Bắc Kinh đã làm thật với rùng rùng những khí tải tối tân triển khai trên biển, trên không trước thời điểm chuyến thăm diễn ra. Thậm chí, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc còn tung ra bài viết sặc mùi thuốc súng, dọa sẽ “bắn hạ máy bay của bà Pelosi”…

Vậy mà cuối cùng, “bà đầm thép” đã vẫn tới Đài Loan, nắm tay người mà bà gọi là “bạn”, với lời nói rằng: “Phái đoàn của chúng tôi đã đến Đài Loan để làm rõ một cách dứt khoát rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ cam kết của chúng tôi với Đài Loan, chúng tôi tự hào về tình hữu nghị lâu bền của chúng ta”, mặc cho Trung Quốc giận dữ.

Đã thế, hoàn tất chuyến thăm, về tới cái ghế bành ấm êm trong tòa nhà Quốc hội tại Washington, bà còn cả cười mỉa mai việc Trung Quốc tuyên bố trừng phạt bà cùng gia đình.

Giữa lúc nhiều người Mỹ đang tiếc nuối vì sự “thoái vị” của “bà đầm thép” Pelosi – một sự thoái vị không thể cưỡng, do thất thế của đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, thì đây, đã có bà Kamala Harris xuất hiện.

Không phải chuyện hàm đố. Là phó cho ông Biden, bà Harris còn to hơn bà Pelosi nhiều. Đó là chưa kể, tài nữ này còn có lợi thế về tuổi tác.

Điều muốn nói là vừa qua, bà Kamala Harris dường như đã và đang chứng tỏ bản lĩnh và sự cứng rắn chẳng hề kém cạnh bà Pelosi. Chuyến công du hai ngày 21-22/11 vừa qua đến Philippines của bà đã chứng tỏ điều đó, và khiến Trung Quốc giận dữ.

Chuyện gì đã xảy ra vậy?

Chuyện là bà Harris, trong chuyến công du, đã tới thăm đảo Palawan, sát vùng biển Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Manila trên Biển Đông. Cùng với lời tuyên bố: Wahsington cam kết sát cánh với Manila trước những hành vi “hù dọa và cưỡng chế” ở Biển Đông, bà Kamala Harris còn công khai thách thức: Bất luận Bắc Kinh diễn giải về sự hiện diện của bà tại hòn đảo này như thế nào, bà đến đây với mục đích khẳng định: Mỹ là một quốc gia của Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương có trách nhiệm bảo đảm an ninh trong khu vực cho các nước đồng minh của Mỹ.

Tuyên bố của bà Kamala Harris khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ. Thời báo Hoàn Cầu lập tức lên án Phó tổng thống Mỹ muốn đổ thêm dầu vào lửa, “châm ngòi” cho Biển Đông dậy sóng.

Tuy nhiên, sự giận dữ của Bắc Kinh vẻ như vô hại với bà Kamala Harris. Thậm chí có người còn cho rằng, nó có ý nghĩa như sự thừa nhận Kamala Harris đã và đang tiếp nối thành công cách hành động của bà Pelosi, và xứng đáng là “bà đầm thép” mới của nước Mỹ.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới