Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnNgười dân Triều Tiên xem World Cup theo cách đặc biệt như...

Người dân Triều Tiên xem World Cup theo cách đặc biệt như thế nào?

Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) vẫn phát sóng World Cup 2022 để người dân theo dõi nhưng nó diễn ra theo cách vô cùng đặc biệt.

Một tấm áp phích giới thiệu về World Cup 2022 ở Triều Tiên.

World Cup 2022 đang được phủ sóng tới toàn thế giới, tạo nên sức hút khủng khiếp. Triều Tiên cũng không đứng ngoài ngày hội lớn nhất của bóng đá thế giới, ngay cả khi đội tuyển quốc gia nước này không được tham dự World Cup.

Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCTV) là đơn vị duy nhất được quyền phát sóng World Cup trên lãnh thổ Triều Tiên. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của giải đấu này, mở ra cơ hội hiếm hoi cho người dân Triều Tiên bước ra thế giới bên ngoài. Nhưng đương nhiên, những nội dung phát sóng phải được kiểm duyệt tuyệt đối.

Từ trước tới nay, Triều Tiên không phát sóng trực tiếp bất kỳ sự kiện thể thao nào, như một động thái để duy trì sự kiểm soát tuyệt đối về thông tin. Đơn cử như trận khai mạc World Cup giữa Qatar và Ecuador sẽ được phát sóng vào buổi sáng hôm sau. Trước đó, trong bản tin tối, KCTV chỉ tường thuật ngắn gọn về buổi lễ khai mạc tại Qatar.

Martyn Williams, một thành viên của Trung tâm Stimson chia sẻ với tờ NK News: “Những giải đấu thể thao ít rủi ro về mặt chính trị hơn nhưng về lý thuyết không thể loại bỏ bất kỳ điều gì. Điều đó có thể mang tới cho những người dân Triều Tiên những hình ảnh mà họ không muốn xem”.

Theo NK News, phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên từng thử nghiệm phát sóng trực tiếp và họ đã phải hối hận. Sau khi chứng kiến đội tuyển Triều Tiên thi đấu tốt trước Brazil ở World Cup 2010, KCTV đã phát sóng trực tiếp trận đấu của đội nhà với Bồ Đào Nha. Cuối cùng, những người dân nước này đã chứng kiến đội nhà thua tới 0-7 trước đội bóng của C.Ronaldo.

Theo một vài nguồn tin, sau giải đấu, các cầu thủ Triều Tiên đã phải công khai xin lỗi vì thi đấu tệ hại ở World Cup 2010 nhưng FIFA sau đó đã bác bỏ thông tin này. Theo chuyên gia Alistair Coleman, sau trận đấu đó, Triều Tiên không phát sóng trực tiếp bất kỳ chương trình nào từ nước ngoài.

Không chỉ có World Cup, các giải đấu khác như Olympic, bóng đá châu Âu, quần vợt cũng được phát sóng ở Triều Tiên nhưng thường muộn hơn một vài tuần thậm chí là vài tháng để KCTV có thể chỉnh sửa những nội dung không mong muốn và thêm phần bình luận bằng tiếng Triều Tiên.

Việc chiếu World Cup 2022 chậm hơn so với thời gian thực tầm nửa ngày đến một ngày cũng vì lý do đó. KCTV cũng muốn làm mờ đi những biển quảng cáo trên sân. Bên cạnh đó, do không mua bản quyền nên Triều Tiên đã lựa chọn phát sóng thông qua các đài SBS, KBS và MBC của Hàn Quốc. Họ cũng làm mờ đi logo của những đài này. Thực tế, việc “xem lậu” này bắt đầu có từ World Cup 2014. Tới giải đấu năm 2018, FIFA thậm chí còn cung cấp “sóng sạch” miễn phí cho đài KCTV.

Tuy nhiên, do không có nhiều thời lượng biên tập nên KCTV vẫn mắc một vài sai sót. Như trận đấu giữa Saudi Arabia và Argentina, họ chưa xóa logo của đài gốc. Hay như trận gặp Anh và Iran, họ chưa kịp xóa xong các biển quảng cáo trên sân.

Ngoài KCTV, người dân Triều Tiên cũng được theo dõi các trận đấu bóng đá (tất nhiên được kiểm duyệt) thông qua đài Sport TV. Mặc dù vậy, kênh này chỉ được cung cấp qua nền tảng kỹ thuật số. Bên cạnh đó, Triều Tiên từng sản xuất một game về bóng đá có tên King of Scorer 2019. Điều đó cho thấy họ cũng có sự “cởi mở nhất định” với thế giới, dù nhiều thứ vẫn còn hạn chế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới