Thursday, December 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnViễn cảnh khả quan cho nền kinh tế toàn cầu

Viễn cảnh khả quan cho nền kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2022 dù vẫn còn những dấu hiệu xấu, nhưng không nghiêm trọng như giới chuyên gia từng lo ngại. Đây là cơ sở để dự đoán nền kinh tế thế giới có thể tránh khỏi suy thoái.

Lạm phát khiến giá cả ở Mỹ tăng cao.

Theo kết quả khảo sát mới đây, 2 nền kinh tế lớn như châu Âu và Hoa Kỳ đang bị sụt giảm sản lượng; song vẫn sẽ phục hồi, bất chấp lạm phát cao và lãi suất tăng.

Ở Mỹ, doanh thu bán lẻ đang có tiến triển tốt, có thể kéo theo tăng trưởng kinh tế chung. Khả năng phục hồi kinh tế của Mỹ sẽ phụ thuộc một phần vào những chính sách mà Cục Dự trữ Liên bang (FED) đưa ra để chống lạm phát.

Về phần châu Âu, lục địa già đang tiến hành hỗ trợ tài chính cho người dân để giúp giải quyết chi phí năng lượng và thực phẩm gia tăng. Nhiều hộ gia đình trước đó đã phải cắt giảm chi tiêu trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Theo Adam Posen – Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), kinh tế Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu có khả năng sẽ suy thoái, nhưng trong thời gian ngắn và mức độ không lớn. Nền kinh tế có thể tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý IV/2023.

Theo số liệu từ S&P Global, chỉ số sản lượng của Hoa Kỳ bao gồm dịch vụ và hoạt động sản xuất đã giảm xuống 46,3 trong tháng 11.2022 từ mức 48,2 ở tháng trước. Đây là một trong những mức giảm nhanh nhất kể từ năm 2009. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ báo cáo rằng áp lực lạm phát đã giảm bớt trong tháng 11, với giá nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển hàng hóa đã hạ nhiệt.

Một câu hỏi lớn mà Hoa Kỳ cần tự trả lời là lạm phát ở nước này sẽ giảm như thế nào khi FED đã tăng lãi suất ở mức cao nhất kể từ những năm 1980. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng chi phí vay cao hơn sẽ làm ảnh hưởng đến mức tiêu dùng trong những tháng tới, kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Khả năng suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ vào năm tới “gần như có khả năng xảy ra” như dự báo cơ bản của FED.

Ở châu Âu, hoạt động kinh doanh cũng có chiều hướng suy giảm. Chỉ số sản lượng kinh tế của EU (gồm dịch vụ và sản xuất) tăng lên mức 47,8 điểm trong tháng 11.2022, vẫn thấp hơn con số 50 phân định giữa tăng trưởng và suy giảm. Chỉ số này trước đó trong tháng 10 là 47,3. Khó khăn kinh tế còn bủa vây lục địa già khi ngày 22.11, Tập đoàn khí đốt Gazprom PJSC của Nga đe dọa sẽ dừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua Ukraine bắt đầu từ tuần tới.

Nhiều chuyên gia dự báo sản lượng toàn cầu sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2023. Đó sẽ là sự giảm tốc mạnh so với năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,3% ở thập kỉ tính đến trước lúc dịch COVID-19 bắt đầu. Song, sản lượng kinh tế bình quân đầu người sẽ vẫn tăng.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo sản lượng kinh tế của Mỹ trong năm tới sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 0,5% vào năm 2023, giảm so với mức ước tính 1,8% vào năm 2022. Theo khảo sát của Wall Street Journal, tổng sản phẩm quốc nội của Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 0,4% vào năm 2023. Nguy cơ suy thoái vẫn còn hiện hữu.

Châu Âu dường như có thể tránh được viễn cảnh xấu về năng lượng. Lí do bởi tháng 10 có khí hậu khá ôn hòa, kèm theo mức dự trữ khí đốt vẫn ở mức cao nên các nhà máy ít có khả năng phải xử lý việc phân bổ năng lượng. Các nhà kinh tế từ công ty tài chính Barclays dự đoán tổng sản phẩm quốc nội ở châu Âu sẽ giảm 1,3%, ít hơn so với trường hợp xấu nhất được dự kiến là giảm 5%.

Dù có những dấu hiệu khá khả quan, các nhà kinh tế học vẫn cảnh báo nền kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi bấp bênh.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới