Thursday, January 16, 2025
Trang chủBiển ĐôngQuần đảo Trường Sa - Đảo Đá Lớn

Quần đảo Trường Sa – Đảo Đá Lớn

Hiện nay trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã ngang ngược chiếm đóng và xây dựng phi pháp bởi đảo nhân tạo khổng lồ trên bảy thực thể là đá Châu Viên, đá Chữ Thập, cụm đá Ga Ven, đá Gạc Ma, đá Tự Nghĩa, đá Vành Khăn và đá Xu Bi. Trong đó thì nước này đã cho xây dựng 3 sân bay quân sự khổng lồ dài 3.000m trên ba thực thể và ba điểm tận cùng của các bãi đá mà nước này chiếm đóng phi pháp, bao gồm điểm tận cùng của phía Bắc đá Xu Bi, điểm tận cùng ở phía Tây đá Chữ Thập, điểm tận cùng ở phía Đông là đá Vành Khăn, trên thực tế thì việc chiếm đóng và xây dựng sân bay phi pháp trên các rạn san hô này đã được Trung Quốc tính toán tỉ mỉ và chuẩn bị công phu từ nhiều năm về trước.

Hình ảnh vệ tinh Đảo Đá Lớn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Việc xây dựng ba sân bay ở 3 điểm mút nhằm mục đích tối đa hoá phạm vi kiểm soát và tạo thể trận tam giác liên hoàn, kiểm soát toàn bộ phần phía Bắc của quần đảo Trường Sa, những tính toán của nước này dường như rất kín kẽ. Tuy nhiên, người xưa có câu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, “cao nhân tất hữu cao nhân trị” Biển Đông không phải ao nhà của người Hán, đây là vùng biển lâu đời của Việt Nam tại đây người Việt đang sở hữu một thanh gươm vô cùng sắc bén mà nếu được đầu tư đúng mực thì thanh bảo kiếm này có thể dễ dàng chém nát tam giác quỷ Bermuda mà người Hán đã đốt hàng chục tỷ USD để vẽ ra trên vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Vậy thanh bảo kiếm đó là cái gì, nó nằm ở đâu, chi tiết cụ thể về thanh bảo kiếm đó ra sao?

Đảo Đá Lớn một trong những thanh bảo kiếm lớn, sắc bén và có vị trí chiến lược nhất trên Biển Đông của Việt Nam. Đảo Đá Lớn là rạn san hô vòng thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa nằm ở gần trung tâm của tam giác quỷ Bermuda của người Hán, cách bán đảo Cam Ranh khoảng 540km về phía Đông Nam, cách đảo Nam Yết khoảng 55km về phía Tây, cách đảo Sinh Tồn khoảng 53km về phía Tây Bắc, cách đảo Song Tử Tây điểm tận cùng ở phía Bắc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 150km, cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 260km về phía Đông Bắc. Có thể nói thềm Đá Lớn là một trong những điểm đảo có vị trí vô cùng chiến lược cho việc rút nước biển và xây dựng sân bay thứ hai của Việt Nam trên Biển Đông, vì ba lý do sau đây.

Thứ nhất, từ Đá Lớn nếu Việt Nam cho xây dựng một sân bay thứ ba tại đảo Tiên Lữ thì sẽ tạo thành một tam giác chiến lược phòng thủ liên hoàn giúp chia cắt và bẻ gãy thế trận tam giác quỷ Bermuda mà Trung Quốc đã tạo ra tại đây.

Thứ hai, Đá Lớn có vị trí rất chiến lược khi nằm tách biệt với các rạn san hô khác khoảng cách của nó tới sân bay trên đảo Trường Sa Lớn là 260km, cách đảo Song Tử Tây đảo xa nhất ở phía Bắc của Việt Nam chỉ khoảng 150km không những vậy khoảng cách giữ Đá Lớn tới nhóm đảo ở phía Đông Bắc của Việt Nam như Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Sinh Tử Đông,… chỉ là hơn 50km. Tất cả những đặc điểm chiến lược trên biến Đá Lớn thành trạm trung chuyển tuyệt vời của Việt Nam để kết nối khu vực kiểm soát ở phía Nam với các đảo ở phía Bắc tạo thành thế trận liên hoàn phòng thủ hình lưới chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cuối cùng, Đá Lớn có thềm san hô khép kín hình trải dài theo hướng từ Nam tới Bắc và với phần lớn địa hình tương đối là bằng phẳng, độ sâu trung bình so với mực nước biển chỉ khoảng 0,5m. Mặt khác, lòng hồ của đảo không quá lớn với độ sâu vừa phải nếu được nạo vét hợp lý sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí khi sử dụng được các vật liệu bồi đắp sẵn có.

Bản đồ hành chính đều thể hiện danh từ riêng là “Lớn”, còn danh từ riêng thể hiện các thực thể là “Đá”, về bản chất địa lý Đá Lớn không phải là một đảo mà là một rạn san hô vòng thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa nó là một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Rạn san hô đá Lớn có chiều dài lớn nhất là 15km với chiều rộng trung bình vào khoảng 2km, diện tích ước tính vào khoảng 20km2 tương đương khoảng 2.000ha, thềm san hô của đảo khép kín ở bên trong đảo có một hồ ở phía Nam, lòng hồ có chiều dài khoảng 10km chiều rộng trung bình khoảng 1km, khi thuỷ triều lên cao toàn bãi ngập nước, khi thuỷ triều xuống còn 0,5m trên bãi có nhiều đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.

Khí hậu thuỷ văn trên đảo Đá Lớn mang đặc trưng thuỷ văn của quần đào Trường Sa mùa hè mát, mùa đông ấm hơn trong đất liền. Tuy nhiên, do vĩ độ thấp nên thời tiết buổi trưa hơi oi bức, mùa khô của đảo bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau những tháng mùa khô thì thời tiết rất là khắc nghiệt, ngày nắng kéo dài từ sáng sớm đến tối nhưng đây lại là thời kỳ sóng yên biển lặng rất thuận tiện cho tàu thuyền ngư dân đánh bắt hải sản quanh khu vực, đặc biệt với kết cấu thềm san hô ngầm lớn đây là nơi tập trung của nhiều loại hải sản có vỏ như: tôm, cua, ghẹ, vẹm và các loài cá san hô với giá trị kinh tế cao, rất tiềm năng trong việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản xa bờ.

Trên đảo thì nguồn nước ngọt sinh hoạt chủ yếu là nước mưa và nước ngọt vận chuyển từ đất liền ra được tích trữ trong bể và bồn chứa. Vì vậy, nước ngọt rất hạn chế tuy nhiên nhờ sự cần cù và sáng tạo của mình bộ đội ta trên các nhà lâu bền vẫn có thể tăng gia sản xuất, trồng thêm các loại rau xanh trong các thùng xốp và chăn nuôi gia súc, gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng, lợn và chó.

Hiện tại Hải quân Việt Nam đang đóng quân tại 3 điểm nhà lâu bền A, B, C, cán bộ và chiến sỹ Hải quân Việt Nam thì đóng chốt ở các nhà kiên cố nằm so le cách nhau vài hải lý trong thế chân kiềng vững chãi. Tự bản thân Đá Lớn tạo đã giúp quân và dân ta bảo vệ vững chắc khu vực này. Đặc biệt là tất cả những điểm đóng quân đều được xây dựng nhà văn hoá đa năng và đã được đưa vào hoạt động.

Đá Lớn A với tổ hợp 3 toà nhà cao tầng được kết nối với nhau bằng các cây cầu bê tông, tại Đá Lớn A còn có hệ thống cầu tàu giúp cho ngư dân và tàu quân sự tiếp tế hậu cần và là nơi tránh trú bão cho ngư dân khi cần thiết. Đặc biệt trong thời gian gần đây một khu vực nhà lớn vừa được xây dựng tại Đá Lớn A, nó có kết cấu như một pháo đài với chiều cao từ 3 đến 5 tầng, tại điểm giữa của cụm kết cấu thì có một sân đỗ trực thăng, trên cụm công sự còn có cả bể chứa nước ngọt và bể chứa nhiên liệu kiên cố.

Đá Lớn B là một kết cấu bê tông với một nhà lâu bền và một nhà văn hoá đa năng tương đồng với các đảo chìm khác của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, ở gần Đá Lớn B còn có một xác tàu đắm, đây cũng chính là con tàu đã đưa quân ta lên đảo đóng quân năm 1988.

Trong thời gian qua thì đời sống của các cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã ngày càng được cải thiện. Đặc biệt là cả Đá Lớn A và Đá Lớn B đều được trang bị hệ thống điện bao gồm cả điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, thì các hệ thống liên lạc qua vệ tinh cũng được đưa vào sử dụng giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

Ngày 27 tháng 1 năm 1988, tàu HQ-611 và tàu HQ-712 của lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân do đại tá Phạm Công Phán làm biên đội trưởng và trung tá Nguyễn Văn Dân (phó Tham mưu trưởng Vùng 4) làm biên đội phó chỉ huy 1 đại đội công binh và 2 khung bảo vệ đảo tổ chức đóng giữ các bãi đá ở quần đảo Trường Sa gồm: Đá Lớn, Đá Lát, đá Chữ Thập và đá Châu Viên.

Đến đảo Trường Sa Đông thì tàu HQ-611 hỏng máy dừng lại sửa chữa. Đêm ngày 30 tháng 1 năm 1988 biên đội 2 tàu tiếp tục tiến trình đến đá Chữ Thập. Sáng 31 tháng 1 năm 1988, khi 2 tàu cách Chữ Thập khoảng 5 hải lý thì phát hiện 4 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa 502, 503 lao ra cắt mũi ngăn cản không cho tiếp cận đảo buộc 2 tàu phải quay về Trường Sa Đông. Từ tàu HQ-611 đang sửa chữa tại Trường Sa Đông trung tá Nguyễn Văn Dân nhận chuyển sang đi cùng tàu HQ-07 để thực hiện nhiệm vụ đóng giữ đảo Đá Lớn.

Ngày 6 tháng 2 năm 1988, 2 tàu HQ-611 và HQ-712 đưa lực lượng đổ bộ lên đảo Đá Lớn.

Ngày 13 tháng 2 năm 1988, lữ đoàn 125 cho tàu HQ-505 kéo theo tàu đổ bộ LCU-556 cùng một trung đội công binh làm nhà cao chân đóng giữ Đá Lớn.

Ngày 15 tháng 2 năm 1988, tàu HQ-505 đã đưa tàu đổ bộ LCU-556 tiến về phía bắc đảo Đá lớn và đóng chốt thành công.

Ngày 20 tháng 2 năm 1988 tàu LCU-556 đã vào được phía nam đảo Đá Lớn. Cùng thời gian này, tàu Đại lãnh của Công ty trục vớt cứu hộ Sài Gòn kéo tàu đổ bộ HQ-582 và pông-tông Đ02 đi Đá Lớn.

Ngày 1 tháng 3 năm 1988, pông tông Đ02 được kéo vào phía Bắc đảo Đá Lớn.

Ngày 13 tháng 3 năm 1988, hoàn thành xây dựng nhà cấp 3 cho đảo Đá Lớn và chúng ta đã đóng quân trên đảo Đá Lớn từ đó đến nay.

Tình hình Biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng đang vô cùng phức tạp với nhiều hoạt động xây dựng cũng như là những gây hấn bất hợp pháp của các bên liên quan đặc biệt là Trung Quốc, trong tình hình đó thì hướng đi của Việt Nam là rất sáng suốt khi tiến hành rút nước biển tại các điểm đảo có tầm quan trọng chiến lược tại quần đảo Trường Sa. Điều đáng nói ở đây đó là những hoạt động rút nước biển của Việt Nam thường gây ra rất ít sự chú ý cũng như là sự chỉ trích của các bên liên quan mặc dù tốc độ nổi hoá là không hề kém, điều quan trọng đối với Việt Nam bây giờ không phải là kiểm soát thêm được nhiều các điểm đảo mà là làm sao để xây dựng và kiểm soát thật vững chắc các điểm đảo hiện có. Muốn làm được điều đó thì ngoài sự tập trung nguồn lực thì chúng ta phải có đi đúng hướng và phải có sự đồng lòng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới