Để hỗ trợ cho thị trường bất động sản đang đối mặt nhiều khó khăn, Trung Quốc vừa tiến hành nhiều biện pháp, đặc biệt là ưu đãi tài chính cho người mua nhà ở, đồng thời việc hỗ trợ cũng dựa trên quan điểm “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.
Tối qua (25.11), Tân Hoa xã đưa tin 6 ngân hàng thương mại nhà nước lớn của Trung Quốc đã ký thỏa thuận với các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) “chất lượng cao”, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường BĐS.
Hỗ trợ trụ cột chiếm 25% nền kinh tế Trung Quốc
Danh sách 6 ngân hàng tham gia hỗ trợ gồm: Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Giao thông Trung Quốc và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, 6 ngân hàng công bố cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới hơn 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 140,2 tỉ USD), chủ yếu để phát triển BĐS, hỗ trợ người mua nhà thế chấp, sáp nhập và mua lại, tài trợ chuỗi cung ứng và đầu tư trái phiếu.
Tờ South China Morning Post dẫn xác nhận từ Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc cho hay đã ký thỏa thuận với 8 công ty BĐS trong số 88 công ty vừa tham gia một cuộc họp qua video với ngân hàng này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đưa ra nhận định: “Dù gần đây, thị trường BĐS trải qua đợt “điều chỉnh sâu”, nhưng về lâu dài, đây vẫn sẽ là một ngành quan trọng đối với sự phát triển kinh tế quốc gia và đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân”. Theo Reuters, ngành BĐS hiện chiếm đến 25% giá trị của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhà là để ở, không phải để đầu cơ
Tuy nhiên, kế hoạch hỗ trợ của Trung Quốc không áp dụng rộng rãi mà có chọn lọc, kèm theo mục tiêu rõ ràng. Reuters dẫn nguồn tin thân cận với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC – giữ vai trò là Ngân hàng T.Ư Trung Quốc) cho hay cơ quan này đang soạn thảo một “danh sách trắng” gồm các nhà phát triển BĐS quan trọng, hoạt động có hệ thống và chất lượng tốt để tiến hành tài trợ nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính. PBOC cùng Ủy ban Điều tiết hoạt động kinh doanh bảo hiểm và ngân hàng (CBIRC) đưa ra kế hoạch 16 điểm để hỗ trợ thị trường BĐS đợt này.
Trong đó, theo Tân Hoa xã, các cơ quan quản lý nhấn mạnh chọn lọc những doanh nghiệp BĐS có “chất lượng cao” để hỗ trợ, đồng thời việc hỗ trợ được kiểm soát cẩn thận về mục đích sử dụng nguồn vốn. Bên cạnh đó, nội dung hỗ trợ còn bao gồm mục tiêu sáp nhập và mua lại những dự án thiếu hiệu quả, thiếu chất lượng. Chương trình hỗ trợ cũng tập trung vào một mục tiêu quan trọng là nhắm đến đối tượng mua nhà. Điển hình như sẽ hỗ trợ người mua nhà để ở trong quá trình thế chấp, vay nợ. Với những trường hợp người mua gặp khó khăn về tài chính do tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập không ổn định bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến không tuân thủ tiến độ thanh toán, cơ quan chức năng sẽ xem xét không hạ điểm tín nhiệm tín dụng. Lâu nay, những người trễ hẹn thanh toán như vậy ở Trung Quốc sẽ bị hạ điểm tín nhiệm tín dụng, dẫn đến chịu nhiều tốn kém hơn khi thực hiện các giao dịch sau đó.
Ngoài ra, kế hoạch hỗ trợ thị trường BĐS của Trung Quốc còn tăng cường hỗ trợ tài chính đối với các dự án cho thuê nhà ở nhằm đạt các mục tiêu về ổn định xã hội. Cơ quan quản lý cũng khuyến khích tăng nguồn cung nhà ở cho thuê, có thể hỗ trợ để chuyển đổi một số dự án BĐS sắp hoàn thiện, để đáp ứng nhu cầu nhà ở.
Theo tờ China Daily, kế hoạch 16 điểm trên đặc biệt dựa trên quan điểm “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Đây chính là quan điểm mà Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh để phát triển một thị trường BĐS lành mạnh và bền vững ở nước này.
Trong khi đó, nhận xét về kế hoạch 16 điểm vừa nêu của Trung Quốc, một số chuyên gia quốc tế nhận định là chưa đủ để nước này giải quyết khó khăn cho thị trường BĐS do nhu cầu mua nhà ở đang giảm đi vì nền kinh tế còn nhiều áp lực, nhất là do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khắt khe.
1/5 nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng do Covid-19
Tờ South China Morning Post ngày 24.11 dẫn một báo cáo cho hay việc số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh ở Trung Quốc kéo theo nhiều biện pháp phòng chống dịch đã “phong tỏa” các khu vực kinh tế chiếm 21% GDP nước này. Con số này hồi tháng trước chỉ khoảng 9,5% và chiến dịch phong tỏa đang diễn ra được cho là tạo ra tác động kinh tế tương đương với việc phong tỏa ở Thượng Hải hồi tháng 4.
Cùng ngày 24.11, TP.Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn, chính thức phong tỏa ít nhất 8 quận vì số ca Covid-19 gia tăng. Một số TP như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Trùng Khánh đang siết chặt các quy định ứng phó dịch Covid-19. Trong đó, Bắc Kinh quy định người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong vòng 48 giờ nếu muốn lui tới nơi công cộng. Các động thái trên diễn ra dù cách đây chưa lâu, Trung Quốc đã công bố một số quy định mới có phần nới lỏng biện pháp phòng chống dịch. Ủy Ban Y tế quốc gia ngày 24.11 công bố ghi nhận 31.454 ca Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, với 27.517 trường hợp không thể hiện triệu chứng. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất ở Trung Quốc kể từ khi dịch bắt đầu.
T.P