Đăng quảng cáo tuyển dụng người mới nhưng lại trả tiền để họ bỏ việc rời đi. Chuyện “tưởng đùa mà thật” đang xảy ra tại Foxconn (Trình Châu, Trung Quốc) – nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.
Trình Châu được mệnh danh là thành phố iPhone với hơn 10 triệu dân. Foxconn – công ty sản xuất 70% số lượng iPhone toàn cầu tọa lạc ở thành phố này. Theo thống kê năm 2020, Foxconn có khoảng 810.000 công nhân với năng suất 500.000 chiếc iPhone đạt tiêu chuẩn mỗi ngày.
Xuất phát điểm
Tuy nhiên, đầu tháng 10, Trung Quốc bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng. Thành phố Trình Châu phải chấp hành phong tỏa. Zhang Yao – công nhận tại nhà máy đã bày tỏ sự sợ hãi khi thấy 3.000 công nhân khác bị cách ly sau khi có người bị dương tính Covid. Kể từ đó, những công nhân còn lại phải ở trong nhà máy với điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Nhiều công nhân đã bỏ việc và chạy trốn trong đêm. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới quy trình sản xuất iPhone tại đây. Bởi iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro max vừa ra mắt. Foxconn cần đẩy mạnh hoạt động để sản xuất kịp số lượng iPhone mới cho quý tới.
Diễn biến: Tuyển người “gấp gáp”
Theo trang web South China Morning Post, sự thiếu hụt 2/3 nhân công buộc Foxconn phải tuyển dụng gấp và dự kiến chiêu mộ 100.000 người. Nhiều cán bộ địa phương còn gọi điện cho các công nhân cũ để thuyết phục họ quay lại nhà máy làm việc. Foxconn còn áp dụng chiến lược chiêu mộ các cựu quân nhân cũng như Đảng viên về làm việc.
Công ty này còn đưa ra mức thưởng 500 nhân dân tệ (gần 2 triệu đồng) cho mỗi người quay lại làm việc. Thậm chí “tân binh” còn có thể nhận 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng) sau một tháng làm việc và 3.000 nhân dân tệ khác nếu ở lại sau 2 tháng, theo CNN.
Cao trào: Bạo lực tại nhà máy
Tuy nhiên, ngày 22 tháng 11, Foxconn đã xảy ra biểu tình, nhiều công nhân đòi nghỉ việc ngay sau đó. Nguyên nhân là vì mức lương thực nhận của họ khác với mức mà Foxconn cung cấp trước đó. Cụ thể, theo luật mới, Foxconn yêu cầu “tân binh” phải làm việc đến hết tháng 3 năm 2023 mới được trả 6000 nhân dân tệ tiền thưởng. Tuy nhiên hợp đồng họ đã ký sẽ hết hợp đồng vào tháng 2. Nghĩa là các công nhân sẽ không bao giờ nhận được khoản tiền này.
Quay về điểm xuất phát: Phương án giải quyết “kỳ quặc”
Để ngăn chặn biểu tình, Foxconn có rất nhiều cách để trấn án công nhân. Tuy nhiên, nhà máy này lại lựa chọn cách giải quyết “luẩn quẩn”.
Theo CNN, Foxconn gửi tin nhắn tới các nhân viên rằng họ sẽ trả 8.000 nhân dân tệ (hơn 27 triệu đồng/người) nếu các công nhân đồng ý nghỉ việc. Thậm chí nhận thêm 2.000 nhân dân tệ (gần 7 triệu đồng) sau khi công nhân lên xe rời khỏi nhà máy.
Trong tình trạng thiếu nhân công sản xuất trầm trọng, mùa mua sắm sắp đến, động thái này của Foxconn được cho là kỳ quặc, khó hiểu và biến mọi nỗ lực tuyển dụng trước đó trở nên vô nghĩa.
Foxconn đã chính thức trở về điểm xuất phát đầu tháng 10.
Cuộc bạo loạn đã gây thiệt hại tới danh tiếng nhà máy cũng như tạo ra ảnh hưởng không nhỏ khi Trung Quốc đang bùng phát dịch bệnh. Với việc giải quyết “luẩn quẩn” như vậy, liệu Trình Châu có còn là thành phố Iphone hay không? Bởi tương lai gần, Foxconn sẽ phải đối mặt với tình trạng sản xuất kém và mất một khoản tiền bồi thường khổng lồ.
T.P