Qua khảo sát hang C7- hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, đoàn chuyên gia phát hiện thêm một số nhánh mới. Theo đó, chiều dài hang C7 tăng lên đến hơn 1.240m.
Ngày 28/11, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho biết, theo thông báo từ các chuyên gia, quá trình khảo sát hang C7- hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á (thuộc hệ thống núi lửa Nâm Kar, huyện Krông Nô) mấy ngày qua, họ phát hiện thêm một số nhánh mới, khám phá thêm khoảng 175m chiều dài. Với phát hiện mới này, chiều dài hang C7 tăng lên đến hơn 1.240m.
Đoàn chuyên gia cho biết, tới đây, họ sẽ quay trở lại hang C7 để đo vẽ và dựng bản đồ 3D trong lòng hang.
Chia sẻ về quá trình phát hiện mới về hang C7, ông René Haemers -một chuyên gia về hang động người Hà Lan cho biết: “Chúng tôi tìm thấy một lối rất nhỏ ở cuối hang, sau đó cố gắng chui qua lỗ nhỏ này và tìm thấy những lối đi lớn mới. Đây sẽ là nguồn tư liệu khoa học quý giá đối với di sản địa chất mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông, bổ sung giá trị cho hồ sơ tái thẩm định sắp tới”.
Trước đó, hang C7 có chiều dài hang 1.067m, đường kính cửa hang 20m, chiều cao 16m, chiều cao các vách dựng đứng trong hang từ 1,5m – 10m.
Hang động núi lửa Krông Nô là một hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài khoảng 10km; xác lập kỷ lục về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo tại Đông Nam Á, được các nhà khoa học tìm thấy vào năm 2014.
Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn. Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu hệ thống hang động, các nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6.000 – 7.000 năm. Tháng 9/2018, các nhà khoa học công bố những dấu tích sinh sống của người tiền sử được tìm thấy. Trước đó, trên thế giới chỉ có hệ thống hang động núi lửa ở Hàn Quốc phát hiện có dấu tích sinh sống của con người.
Một số hình ảnh về phát hiện mới tại hang C7:
T.P