Thị trường bất động sản lâm vào tình trạng thanh khoản sụt giảm cục bộ. Nhận định về xu hướng thời gian tới, chuyên gia cho rằng, sang năm 2023, với room tín dụng mới sẽ giúp thị trường sôi động hơn hiện nay.
Sức cầu sụt giảm
Thời gian qua, thị trường bất động sản liên tục nóng lên, thanh khoản tăng vọt. Diễn biến sôi nổi của thị trường từ nửa đầu năm 2022 trở về trước đó là nhờ vào dòng tiền ồ ạt đổ vào bất động sản. Theo đó, tình trạng thổi giá, tăng ảo diễn ra liên miên.
Đến nay, thị trường đón nhận nhiều yếu tố không mấy tích cực như chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất có xu hướng tăng cao,… Dòng tiền suy yếu, từ đó, giá bán cũng liên tục rơi, nhưng thanh khoản cũng không khá hơn.
Theo báo cáo quý III/2022 của các đơn vị phân tích thị trường, mức độ quan tâm tới bất động sản bán tiếp tục giảm. Cụ thể, Hà Nội giảm 1%, Hải Phòng giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14% so với quý trước, trong khi đó tại TP. HCM tăng 6% so với quý II/2022.
Bên cạnh đó, mức độ quan tâm đất nền tại Hà Nội sụt giảm 18%, kéo theo giá rao bán tại một số quận, huyện giảm so với quý trước. Cụ thể, mức độ quan tâm tại Quốc Oai giảm mạnh nhất 39%, Sóc Sơn giảm 30%, Gia Lâm giảm 28%, Thanh Trì giảm 24%. Còn Long Biên, Hà Đông, Hoài Đức, Đông Anh có mức giảm lần lượt là 21%, 18%, 17% và 8%.
Diễn biến ảm đạm cũng xảy ra đối với thị trường miền Nam, theo báo cáo quý III của DKRA Việt Nam về thị trường TP. HCM và vùng phụ cận, thanh khoản đất nền diễn biến ngày càng xấu. Sức cầu của thị trường có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêu thụ đạt 52%, là mức thấp nhất kể từ đầu năm. Mặc dù giá thứ cấp tăng 2-4% so với đầu quý trước tuy nhiên thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, giá giao dịch thứ cấp nhà riêng lẻ và đất nền trong quý vừa qua đã có xu hướng giảm nhẹ khoảng 2 – 3% so với quý trước đó. Bên cạnh đó, lượng giao dịch đất nền cũng sụt giảm mạnh cả nước có 115.129 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 54% so với quý II/2022. Cụ thể, tại miền Bắc có 21.806 giao dịch; tại miền Trung có 18.789 giao dịch; tại miền Nam có 74.534 giao dịch.
Thị trường đảo chiều bất ngờ?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, xu thế chung của thị trường là trầm lắng, càng khó khăn với bất động sản xa trung tâm hay các sản phẩm hình thành trong tương lai. Do vậy, ngay cả khi nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ nhưng thanh khoản vẫn kém.
Ông Quang cũng cho rằng, hết thời gian ân hạn, nhiều nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính phải gánh lãi suất từ 12 – 14%/năm, chi phí vốn đang đè nặng lên các nhà đầu tư.
Ông Quang dự báo, cuối năm nay và đầu năm sau thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, trầm lắng, giao dịch chững lại, xu hướng giảm giá mạnh nhất sẽ xuất hiện ở những vùng xa trung tâm. Các yếu tố như lãi suất cho vay tăng cao, tín dụng và trái phiếu thắt chặt lại… tác động đến thị trường. Nhà đầu tư cần nhanh chóng cơ cấu lại các khoản đầu tư.
Vị chuyên gia cũng cảnh báo, với các khu vực mang tính đầu cơ, đã diễn ra sốt nóng, giao dịch chậm lại và giá bắt đầu có xu hướng giảm. Tuy nhiên, cũng không vì vậy mà nhà đầu tư phải vội vàng nhảy vào ôm hay gom hàng. Thay vào đó, nếu có nhu cầu, nhà đầu tư nên lựa chọn phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực của đại bộ phận người dân để đảm bảo tính thanh khoản tốt trước mọi biến động của thị trường.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, nhà đầu tư từng chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng. Nhưng đến hiện tại, việc nới room tín dụng gần như không giải quyết được vấn đề về vốn của thị trường.
Bên cạnh đó, ông Thịnh kỳ vọng vào dấu hiệu và phục hồi tăng trưởng trở lại do tâm lý của người dân vẫn coi bất động sản là kênh đầu tư tích trữ an toàn. Vị chuyên gia này dự báo cuối năm nay và sang năm 2023, thị trường có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng dần trở lại do quá trình sàng lọc. Từ đó, những nhà đầu tư yếu kém, vốn mỏng, thiếu chuyên nghiệp bị đẩy khỏi cuộc chơi.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2023, khi có room tín dụng mới sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn so với hiện tại. Song, sẽ không có chuyện “sốt đất” xảy ra như đầu năm 2022. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.
“Còn các doanh nghiệp chủ yếu nguồn vốn phát triển từ huy động trái phiếu và vốn vay từ ngân hàng. Do đó, khi nguồn vốn chính tiếp tục bị ảnh hưởng thì câu chuyện nhức nhối của thị trường vẫn là nguồn cung bất động sản vẫn khan hiếm. Do đó, room tín dụng năm 2023 chưa chắc đã giải quyết được vấn đề gốc rễ”, ông Đính nói.
Ông Đính dự báo, nguồn cung khan hiếm tiếp tục đẩy giá nhà ở lên cao, trong khi đó vượt xa khả năng của người mua. Do đó, giao dịch có thể tăng nhưng khó bùng nổ như trước đây.
“Hiện đang trong quá trình để sửa đổi luật liên quan tới bất động sản, một số nhà đầu tư trong thời gian này ngại xuống tiền. Đến khi sửa xong luật, khi mọi thứ đã rõ ràng mới có thể biết được thị trường tiếp tục đi theo hướng nào”, ông Đính nói thêm.
T.P