Trong nhiệm kỳ của ông Giang Trạch Dân, Trung Quốc đạt bước đột phá lớn về kinh tế, cải thiện quan hệ với Mỹ và tiến sâu hơn vào vũ đài chính trị thế giới.
Cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời hôm nay tại Thượng Hải sau thời gian mắc bệnh bạch cầu và suy đa tạng, hưởng thọ 96 tuổi.
Theo giới quan sát, ông Giang Trạch Dân đã có một sự nghiệp chính trị đáng chú ý với nhiều thành tựu nổi bật, góp phần đưa Trung Quốc thoát khỏi tình thế bị cô lập về ngoại giao, hàn gắn quan hệ với Mỹ và tạo ra những bước đột phá về kinh tế chưa từng thấy.
Ông Giang Trạch Dân sinh ngày 17/8/1926 tại Dương Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ông gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1946. Một năm sau, ông lấy bằng kỹ sư điện tại Đại học Giao thông Thượng Hải.
Sau khi đảm nhiệm một số công tác tại các nhà máy ở Thượng Hải và tham gia khóa đào tạo nâng cao ở Moskva vào những năm 1950, ông được giao lãnh đạo các viện nghiên cứu công nghệ ở nhiều vùng khác nhau ở Trung Quốc.
Năm 1951, ông kết hôn với bà Vương Dã Bình và có hai con trai, gồm Giang Miên Hằng, người trở thành một kỹ sư điện, chủ tịch một viện nghiên cứu khoa học, và Giang Miên Khang, người cũng làm kỹ sư và sau đó là quan chức chính phủ.
Ông Giang Trạch Dân không giữ chức vụ nào trong chính quyền trước khi tham gia một ủy ban thương mại nhà nước năm 1980. Từ năm 1983 đến 1985, ông đảm nhận vai trò bộ trưởng ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc.
Ông được bầu vào Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 1982 và trở thành ủy viên Bộ Chính trị 5 năm sau đó. Với vai trò chủ tịch và sau đó là bí thư thành ủy Thượng Hải từ năm 1985 đến 1989, ông được biết đến là một nhà cải cách kinh tế theo đường lối thực dụng.
Năm 1989, ông được bầu làm tổng bí thư, thay thế người tiền nhiệm Triệu Tử Dương, và được chọn làm người kế nhiệm lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Ông trở thành chủ tịch Trung Quốc vào năm 1993. Từ năm 1997, sau khi lãnh đạo Đặng Tiểu Bình qua đời, ông Giang Trạch Dân bắt đầu thúc đẩy các chính sách kinh tế, chính trị quan trọng của mình.
Ông giảm quyền sở hữu và kiểm soát của nhà nước đối với nhiều ngành công nghiệp, đồng thời nỗ lực cải thiện quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ.
Dưới thời ông Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 để tăng tiếp cận với thị trường toàn cầu cũng như đảm bảo các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường Trung Quốc. Đây được coi là hành động quan trọng nhất để đưa Trung Quốc tiến vào vũ đài quốc tế.
Nền kinh tế Trung Quốc sau đó tăng trưởng vượt bậc và đất nước bắt đầu sản sinh những triệu phú, rồi tỷ phú đầu tiên. Trung Quốc cũng giành quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh.
Khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, đất nước cần một học thuyết mới để điều chỉnh toàn bộ quá trình. Đó là lúc ông Giang Trạch Dân đưa ra học thuyết “Ba đại diện” nổi tiếng, tạo nền tảng hình thành nên Trung Quốc hiện đại.
Học thuyết được giới thiệu vào đại hội thứ 16 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2002. Theo học thuyết, đảng Cộng sản Trung Quốc “đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc”.
Học thuyết nhấn mạnh trí thức và doanh nhân có vai trò là lực lượng sản xuất tiên tiến, kinh tế tư nhân đóng vai chủ đạo và nền kinh tế được chi phối bởi cơ chế thị trường. Vì thế, ông Giang Trạch Dân chủ trương mời các doanh nhân, những người từng bị coi là đại diện của chủ nghĩa tư bản, tham gia vào đảng.
Trong lĩnh vực đối ngoại, ông Giang Trạch Dân cũng ghi dấu ấn với những thành tựu lớn.
Năm 1997, ông có chuyến công du “phá băng” tới Mỹ.
“Nhà thơ Mỹ Longfellow từng viết, ‘Sao cho mỗi ngày mai chúng ta thấy mình ở xa hơn ngày hôm nay… Hãy hành động, hành động trong hiện tại đang sống'”, ông lúc bấy giờ nói với tổng thống Mỹ Bill Clinton bằng tiếng Anh. “Chúng ta nên đi theo xu thế thời đại, đáp ứng nguyện vọng của người dân và tiếp tục tiến tới việc thiết lập cũng như phát triển quan hệ đối tác chiến lược mang tính xây dựng”.
Khi tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Trung Quốc năm 1998, ông Giang đã cho phép phát trực tiếp cuộc họp báo chung giữa hai lãnh đạo trên truyền hình Trung Quốc. “Ông Giang muốn Trung Quốc vươn ra khỏi chiếc kén cô lập”, Orville Schell, nhà báo Mỹ tháp tùng ông Clinton trong chuyến thăm và hiện là giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ – Trung tại Viện châu Á ở New York, nói.
Ông coi một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của mình là việc Anh trao trả Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997, dù quá trình này đã được lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đứng ra làm trung gian từ năm 1984.
Ông Giang Trạch Dân từng cho tiến hành các cuộc tập trận và thử tên lửa trong thời gian Đài Loan chuẩn bị bầu cử lãnh đạo trực tiếp đầu tiên hồi năm 1996. Hành động này đã khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc xấu đi trong hơn một thập kỷ.
Ông còn là người đứng ra xử lý các cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ – Trung sau sự cố máy bay NATO ném bom trúng đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, Nam Tư năm 1999 và vụ va chạm năm 2001 giữa máy bay do thám Mỹ và một chiến đấu cơ Trung Quốc trên không phận nước này. Sự việc khiến mối quan hệ song phương rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao năm 1971.
Trong nỗ lực cải thiện quan hệ, năm 2002, ông Giang Trạch Dân là một trong số ít các lãnh đạo thế giới gặp tổng thống Mỹ George W. Bush tại trang trại của ông ở Crawford, Texas.
Bước chuyển mình của Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân cũng đi kèm với một số vấn đề, như khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn, tình trạng tham nhũng và ô nhiễm môi trường gia tăng.
Ông Giang Trạch Dân nghỉ hưu vào năm 2002, trao lại quyền lực cho người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào. Lần gần đây nhất ông xuất hiện trước công chúng là vào tháng 10/2019, khi cùng các cựu lãnh đạo khác chứng kiến lễ duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn, kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc.
Tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 hồi tháng 10, ông Giang Trạch Dân được bầu vào ban thường vụ đoàn chủ tịch, cơ quan giám sát đại hội gồm 46 thành viên. Tuy nhiên, ông đã không tham dự đại hội, dường như vì lý do sức khỏe.
Với những thành tựu trong sự nghiệp của mình, ông Giang có một vị trí đặc biệt trong nền tư tưởng Trung Quốc. Học thuyết “Ba đại diện” của ông đã được ghi vào điều lệ đảng năm 2002, cùng với tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình.
T.P