Nhà ngoại giao cấp cao Nga cảnh báo nguy cơ lớn với kịch bản một cuộc xung đột hạt nhân có thể nổ ra giữa các quốc gia sở hữu loại vũ khí này.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 1/12 đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, ngay cả khi nó bắt đầu bằng vũ khí thông thường, đều có khả năng leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân toàn diện. Do đó, kịch bản này cần phải tránh bằng mọi giá.
Liên quan tới những nỗ lực chung của Moscow và Washington về việc đàm phán hạn chế vũ khí hạt nhân, ông Lavrov cáo buộc, từ tháng 9/2021, Mỹ đã về cơ bản đóng băng các cuộc thương lượng song phương về vấn đề này, rất lâu trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
“Không khó để hiểu lý do của họ là gì,” ông Lavrov lưu ý. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng trách nhiệm của Washington và Moscow với tư cách là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không thay đổi, đồng thời nhắc lại tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ rằng không ai có thể chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân và do đó, nó không được phép bắt đầu.
Ông tuyên bố, Nga vẫn tuân thủ tuyên bố đó và nhấn mạnh rằng bất cứ cuộc xung đột nào giữa các quốc gia hạt nhân là không thể chấp nhận được, vì ngay cả một cuộc chiến tranh thông thường cũng có nguy cơ “rất lớn” leo thang thành xung đột hạt nhân.
“Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi rất lo lắng khi theo dõi những luận điệu mà phương Tây đưa ra cáo buộc chúng tôi chuẩn bị sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt”, ông Lavrov nói, đồng thời cáo buộc phương Tây về cơ bản họ đang tiến hành cuộc chiến chống lại Nga thông qua người Ukraine.
Ông cảnh báo: “Đây là một xu hướng nguy hiểm.
Trong cuộc họp báo, ông Lavrov cáo buộc Mỹ và NATO tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine vì họ ủng hộ Kiev cũng như huấn luyện cho quân đội Ukraine trên lãnh thổ của họ. Đồng thời, phương Tây cũng đưa lá chắn phòng không tới Ukraine để ngăn chặn các cuộc tập kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng của Kiev.
“Vì vậy, đừng nói rằng Mỹ và NATO không tham gia cuộc chiến này – họ đang trực tiếp tham gia. Họ không chỉ cung cấp vũ khí mà còn đào tạo Ukraine trên lãnh thổ của họ”, ông nói.
Belarus cáo buộc Ukraine muốn kéo NATO vào xung đột
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 1/12 cáo buộc Ukraine đang sử dụng mọi lý do mà họ có thể nghĩ ra để kéo NATO tham gia vào cuộc xung đột trong khi Minsk đang chứng kiến sự gia tăng các hành động khiêu khích gần biên giới của nước này.
“Tất cả các cơ quan hành pháp của Belarus ghi nhận sự gia tăng số lượng các vụ khiêu khích gần biên giới quốc gia. Ukraine có thể đang cố gắng viện mọi lý do để lôi kéo quân đội của các quốc gia thành viên NATO tham gia vào cuộc xung đột. Bằng chứng là vụ tên lửa rơi xuống lãnh thổ của Ba Lan gần đây”, ông Lukashenko nói, nhắc tới sự kiện hồi giữa tháng.
Hôm 15/11, một tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow, kéo theo vụ nổ khiến 2 công dân của Ba Lan thiệt mạng. Przewodow cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 6km. Vụ nổ xảy ra trùng thời điểm Nga tiến hành đợt tập kích diện rộng vào hàng loạt mục tiêu hạ tầng năng lượng và sở chỉ huy quân sự trên khắp Ukraine. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết các nhà điều tra nước này đã xác định tên lửa phòng không Ukraine đã rơi xuống Przewodow, nhưng cho rằng vụ việc này xảy ra do lỗi của Nga.
Ông Lukashenko tuyên bố, Belarus có khả năng ngăn chặn đối thủ tiềm tàng sử dụng lực lượng quân sự chống lại nước này. Ông cho rằng, Minsk cần liên tục theo dõi và không bỏ lỡ bất cứ dấu hiệu nào của một vụ tấn công nhằm vào Belarus.
Ông cáo buộc các nước phương Tây gia tăng xây dựng tiềm lực quân sự, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trên lãnh thổ của các nước thành viên gần Belarus và tăng cường độ các hoạt động huấn luyện tác chiến và chiến đấu.
T.P